28/11/2024

Con trẻ nói gì?

Nhiều phụ huynh than thở rằng con em họ đột nhiên trở nên khó hiểu, không vâng lời như trước. Ngược lại, không ít bạn trẻ kêu ca bị mất tự do, bởi sự can thiệp và áp đặt thái quá của người lớn.

 

Con trẻ nói gì?

Nhiều phụ huynh than thở rằng con em họ đột nhiên trở nên khó hiểu, không vâng lời như trước. Ngược lại, không ít bạn trẻ kêu ca bị mất tự do, bởi sự can thiệp và áp đặt thái quá của người lớn. 

 
Chỉ trích con cái – chỉ làm cho trẻ ngày càng xa cách cha mẹ - Ảnh: Shutterstock

Những điệp khúc: “Tắm đi con, sắp đến giờ ăn cơm rồi đó!”; “Đừng coi ti vi nữa, học bài thôi”; “Lo ngủ đi, mai còn dậy sớm kẻo trễ học”. Tưởng rằng con mình sẽ vui khi được mẹ chăm sóc chu đáo, ai ngờ con tỏ ra hờn dỗi: “Đã 13 tuổi rồi mà mẹ luôn đối xử với con như đứa con nít…”.

Đi chơi với ba mẹ gò bó lắm !

Anh Hoàng, nhân viên một cơ sở dạy nghề tại TP.HCM, cho hay vợ chồng anh chỉ có đứa con trai duy nhất, đang học lớp 9. Hè vừa rồi, anh chị định dành kỳ nghỉ phép năm để rủ con đi nghỉ mát ở Đà Lạt, bởi hiếm có dịp cả nhà cùng đi chơi xa. Nhưng câu trả lời thẳng thừng của đứa con khiến hai người tê tái: “Con không muốn đi với ba mẹ đâu! Con chỉ thích đi chơi với nhóm bạn của con mà thôi”.

Anh Hoàng ưu tư: “Tôi không thể hiểu vì sao con tôi như vậy. Từ khi dậy thì đến nay, nó luôn cố tình xa cách tụi tui. Đi đâu về là đóng cửa phòng lại, không muốn trò chuyện với cha mẹ. Chúng tôi khổ tâm hết sức!”.

 

 
 

Con mong các bậc phụ huynh quan tâm hơn về những chuyện xảy ra trong cuộc sống xung quanh của tụi con, hoặc hỏi han hôm nay ở trường có gì vui không. Tụi con cảm thấy áp lực nặng hơn khi cha mẹ hỏi quá nhiều về học tập

 

N.M.T.H, một học sinh lớp 7 (ngụ tại P.5, Q.10, TP.HCM)

 

 

Nhiều phụ huynh khác cũng mang nỗi niềm tương tự. Gặng hỏi con em mình thì chỉ nhận được sự im lặng tảng lờ, hoặc may lắm là vài câu trả lời qua loa, gượng gạo. Chia sẻ với chúng tôi, Thanh Hương, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, nhìn nhận: “Em không thích ở nhà, không thích đi chơi chung với ba mẹ. Bởi vì phụ huynh cứ muốn tụi em phải làm như thế này như thế kia, phải nghiêm túc lúc chơi ở bên ngoài cũng như khi ở trong nhà, nên gò bó lắm! Còn đi chơi với bạn cùng lứa, em thấy dễ nói chuyện và rất thoải mái”.

Một học viên lớp kỹ năng sống tại Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam từng tâm sự với cán bộ đào tạo rằng em rất thích học nội trú hoặc đi đâu đó xa nhà. Tại sao? “Bởi bất cứ lúc nào gặp nhau, câu đầu tiên mẹ hỏi em là: Còn tiền xài không? Ngoài ra, mẹ chẳng quan tâm gì đến em cả. Em muốn như vậy để bớt gặp mẹ”.

Hoàng Giang, sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay cha mẹ Giang thường xuyên bận bịu đi làm. Lâu nay, Giang chỉ biết tâm sự với anh trai của mình và bạn bè, còn với cha mẹ thì có cảm giác xa dần. “Tuổi mới lớn hay cứng đầu, muốn chứng tỏ mình độc lập và không tự nói những vấn đề của mình ở trường lớp với ba mẹ. Tuổi mới lớn cũng chỉ thích hợp khi nói chuyện với bạn bè, với những người cùng trang lứa. Còn em và ba mẹ có chênh lệch lớn về tuổi tác, lại ít nói chuyện với nhau, nên chắc chắn là có hình thành khoảng cách”, Giang lý giải.

Ước chi được hỏi…ngoài chuyện học

N.M.T.H, một học sinh lớp 7 (ngụ tại P.5, Q.10, TP.HCM), ao ước sau một ngày đi học về sẽ được cha mẹ ít hỏi thăm về điểm số, về việc học. N.M.T.H bộc bạch: “Con mong các bậc phụ huynh quan tâm hơn về những chuyện xảy ra trong cuộc sống xung quanh của tụi con, hoặc hỏi han hôm nay ở trường có gì vui không. Tụi con cảm thấy áp lực nặng hơn khi cha mẹ hỏi quá nhiều về học tập”.

Một số bạn trẻ còn đưa ra so sánh: Ngày trước, phụ huynh không phải học nhiều quá như bây giờ. Vì vậy, họ có thời gian giải trí và ở bên gia đình nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều học sinh thời nay phải học liên tục sáng – chiều -  tối đến mụ cả người. Một nữ sinh than thở: “Tụi em ngủ quá ít nên nhiều lúc rất mệt mỏi. Có những hôm vô lớp nghe giảng bài, mắt cứ ríu lại. Rồi còn phải lo các bài kiểm tra, thi cử… Nhưng cha mẹ em không hiểu, cứ la mắng em là học có gì đâu mà mệt, suốt ngày chỉ biết ăn xong rồi học mà cũng không xong”.

 

“Gặp nhau làm ngơ”

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, những nguyên nhân khách quan dẫn đến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là: chênh lệch tuổi tác; xã hội phát triển nhanh, môi trường cạnh tranh cao nên ai cũng phải nỗ lực phấn đấu; giá trị sống thay đổi, có sự mâu thuẫn giữa hiện đại với truyền thống (mâu thuẫn giữa vị thành niên với cha mẹ); phụ huynh không trang bị kiến thức giáo dục gia đình; sản phẩm công nghệ hiện đại, vị thành niên tự do tiếp cận thông tin nhưng các thành viên trong gia đình thường rơi vào cảnh “gặp nhau làm ngơ”, bởi bận dán mắt vào điện thoại, iPad hoặc ti vi… Bên cạnh đó, một số nguyên nhân chủ quan là: thiếu tin tưởng ở con, hay áp đặt; thói quen che đậy cảm xúc; không hiểu tâm lý của con; thiếu kỹ năng tổ chức gia đình; vị thành niên thiếu niềm tin vào người lớn; cha mẹ đặt kỳ vọng cao ở con và mang bệnh thành tích; thiếu định hướng hoặc ngộ nhận giá trị…

 

 

Hội những đứa con muốn bố mẹ hiểu mình hơn

Trên những diễn đàn, trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ tâm tư về sự bất đồng, khoảng cách giữa cha mẹ và bản thân.

Thậm chí, trên Facebook có hẳn “Hội những đứa con muốn bố mẹ hiểu mình hơn”, với 5.600 lượt thích. Trong đó, bạn Vi Vui Vẻ bộc bạch nỗi lòng của mình: “Tôi muốn ba mẹ hiểu tôi nhiều hơn nữa, nhưng không được, ba mẹ luôn thiên vị anh tôi hơn tôi, có phải vì tôi là con gái? Tôi ghét bị đem ra so sánh với người khác…”. Cô gái này tiếp tục thổ lộ: “18 tuổi mà lúc nào cũng phải làm theo những gì ba mẹ muốn, còn những gì tôi thích thì không được chấp nhận. Tôi cảm thấy như đấy không phải là nhà của mình mà là địa ngục. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết đi để được tự do hơn, thoát khỏi những gì mà giờ đây tôi phải chịu đựng”.

Một thành viên khác “kêu cứu” như sau: “Làm ơn giúp mình với! Bố mẹ mình luôn quở trách mình mà không bao giờ chịu tìm hiểu chuyện gì cả. Mỗi khi bố mẹ mắng mình, họ không bao giờ để ý mình đang nghĩ gì. Nhiều lần mình nghĩ rằng họ chẳng cần đến mình nữa”. Bạn này còn cho biết thêm nhiều khi cô thấy tủi thân và nghĩ rằng mình là đồ bỏ đi.

Bên cạnh đó, một số thành viên mang chung nỗi ấm ức: “Buồn vì ba mẹ tôi chỉ biết có tiền, không quan tâm đến suy nghĩ của tôi…”. Một bạn trẻ giãi bày: “Xin bố mẹ đừng chạm vào cuộc sống riêng của con quá! Vì ai cũng có cuộc sống riêng của mình mà. Mọi thứ chèn ép con rất nhiều, con muốn càng ít ở nhà càng tốt. Nhưng không có nghĩa là con bỏ nhà đi luôn như lời ba mẹ đuổi. Con đi đâu, làm gì nhưng đừng về đến nhà là đe dọa, rồi thu điện thoại cứ như con là một đứa trẻ con. Rồi sẽ đến lúc, tiền bố mẹ đưa cho con không giữ được con ở lại đâu ạ…”. 

Nguyễn Như

 

 

Như Lịch