Cảnh giác với bà mẹ “một cuộc đời”
Tiểu thuyết Một cuộc đời được nhà văn Pháp Guy de Maupassant viết từ những năm 1870 nhưng Jan vẫn hiện hữu trong triệu triệu bà mẹ đang sống thời @.
Cảnh giác với bà mẹ “một cuộc đời”
Tiểu thuyết Một cuộc đời được nhà văn Pháp Guy de Maupassant viết từ những năm 1870 nhưng Jan vẫn hiện hữu trong triệu triệu bà mẹ đang sống thời @.
Jan – một người vợ cả tin và ngây thơ, một bà mẹ yếu đuối. Bà mẹ ấy có gì đáng chê trách?
Jan là một phụ nữ nhân hậu, yêu và phục tùng chồng tuyệt đối. Nàng đã yêu con đến mức dường như không có bà mẹ nào yêu con hơn. Nàng đặt nôi con cạnh chỗ mình. Nàng ngồi hàng ngày dài đưa nôi con.
“Tình thương con ám ảnh Jan mạnh đến nỗi có những đêm nàng ngồi thức trắng bên nôi ngắm đứa bé ngủ. Do tật ngắm con say mê và bệnh hoạn ấy, nàng không còn nghĩ gì đến việc nghỉ ngơi nữa. Nàng ấy yếu, kiệt sức đi…”.
Ðể cứu sống nàng, người nhà quyết định cách ly nàng ra khỏi đứa bé bằng cách đến đêm, đứa bé được đưa sang phòng bà vú. Nàng khóc lóc, van xin.
“Và thế là đêm đêm, người mẹ lại lén bước xuống giường, đi chân không đến áp tai vào lỗ khóa để nghe xem con mình có ngủ yên không?…”. Khi chồng nàng – một nhà quý tộc kệch cỡm, trăng hoa – chết thảm, Jan dành tất cả cuộc đời cho con trai. Paul được mẹ gọi âu yếm là “Gà con”, trở thành chúa tể trị vì lâu đài Bạch Dương.
Cũng như bao bà mẹ khác, nàng kỳ vọng mãnh liệt vào tương lai con trai. Từ khi có con, Jan không quan tâm đến bất cứ thứ gì ngoài đứa bé. Khi Paul được đưa đi học, cứ hai ngày một lần, Jan trở lại trường và thêm một lần ngày chủ nhật đón con ra chơi.
Ông hiệu trưởng cảnh báo nếu Jan cứ duy trì tình trạng trên, ông buộc lòng phải trả Paul về cho nàng. Ðáp lại tình yêu thương vô bờ bến, sự chăm bẵm của Jan, Paul rất lười học.
“Gà con” trượt dài với những cuộc vui. Paul đánh bạc, bao gái, vay nợ, bỏ học. Paul vô cảm trước nỗi đau của người thân. Jan làm mọi cách giành lại con: cưng chiều con, nấu những món ngon, thuê thuyền cho con dạo chơi trên biển, giấu sạch ngựa nhưng rồi Paul vẫn tìm cách bỏ đi theo tiếng gọi của ái tình. Song Paul liên tiếp gửi những bức thư về gia đình, đòi mẹ gửi tiền cho cậu ta.
Bẵng một thời gian, Jan kinh hoàng nhận được bức thư tuyệt vọng của con trai, kèm theo những giấy tờ kinh doanh chứng minh thất bại của cậu ta. Paul dọa tự tử. Jan đành cắn răng gửi tiền giải cứu con. Rồi sau đó, công ty của Paul vỡ nợ, để lại khoản nợ kếch sù. Người thân mất, con trai lẩn trốn, Jan hoàn toàn cô độc và suy sụp.
May thay, Rôzali – người tớ gái từng có con với chồng nàng, bị đuổi đi – xuất hiện. Rôzali trở thành điểm tựa cuộc đời Jan, giúp nàng giải quyết và xử trí mọi khoản nợ. Rôzali mạnh mẽ, cứng cỏi trong đối sách với Paul.
Và đúng như Rôzali dự đoán, Paul lại xin thêm một vạn franc. Và lần đầu tiên trong đời, theo lời khuyên của cô hầu gái, Jan trở nên mạnh mẽ chối từ. Tuy nhiên, Jan vẫn rất mềm yếu. Trái tim người mẹ của Jan luôn bị vò xé trước câu hỏi: “Bây giờ nó làm gì? Sức khỏe nó ra sao? Liệu thỉnh thoảng nó có còn nghĩ đến mẹ nó không?”. Jan quyết định đi tìm con và tuyệt vọng, rã rời khi biết con mình đã “chuồn để trốn nợ”.
Trước tình cảnh ấy, Rôzali viết một lá thư rất kiên quyết cho Jan: “Bà Jan, xin bà hãy trở về gấp, vì tôi không gửi tiếp thêm gì cho bà đâu. Còn về Paul, xin bà cứ để mặc tôi. Khi chúng ta được tin tức nó thì tôi sẽ đi tìm nó về”.
Sắt đá nhưng Rôzali đã đến với Paul vào lúc đáng giúp đỡ nhất. Khi hay tin vợ Paul sinh bé gái được ba hôm thì hấp hối, Rôzali quyết định: “Tôi sẽ đi tìm, đón cháu gái nhỏ về đây, bà ạ. Ta không thể nào bỏ mặc Paul trong tình cảnh này được!”.
Nói là làm, Rôzali đi Paris, mang về cho Jan cháu nội còn đỏ hỏn. Trao đứa bé cho Jan, Rôzali như tự nói với chính mình: “Cuộc đời bà xem đấy, chẳng bao giờ đến nỗi thật tốt hay thật xấu như người ta tưởng”.
Vì đâu cuộc đời Jan bi thảm đến vậy?! Vì nhiều lẽ, xã hội thối nát, nhiễu nhương, nhiều giá trị bị đảo lộn, nhưng chắc hẳn Jan đã thất bại trong vai trò làm mẹ bởi sự yếu đuối đến bệnh hoạn của mình. Jan sinh con nhưng yêu con không đúng cách, như Rôzali từng thốt lên: “Tôi xin hỏi bà, nếu ngay từ đầu bà không gửi cho nó lấy một xu, thì liệu nó có phạm đến từng ấy việc bậy bạ không?”.
Người hầu gái Rôzali xuất thân trong tầng lớp lao động, đã vươn lên nghịch cảnh, đã nuôi dạy con trai (anh cùng cha khác mẹ với Paul) thành đạt, dù anh ta chỉ là một người lao động nhưng lễ phép, thân thiện, biết tự tay đánh cỗ xe đưa những người phụ nữ bất hạnh đi qua những khúc quanh đời người.
Trước vấn nạn “nợ xấu” quốc gia được báo động, tình hình đạo đức xã hội bị xuống cấp, suy đồi, người ta giật mình nhìn lại giáo dục gia đình. Những ngày này, đọc lại Một cuộc đời, tôi thấm thía nhận ra sự yếu đuối trong mỗi bà mẹ trước tình yêu dành cho con cái.
Những bà mẹ thời @ yêu thương con hết mực, dành cho con những gì tốt đẹp nhất, luôn chiều theo những yêu cầu của con, luôn có mặt bên con mọi lúc mọi nơi, cả trong lúc con làm bài tập, nuốt lại nước mắt, đắng cay, khi cần có thể hi sinh cả cuộc đời cho con, nhưng những gì nhận lại từ phía con cái có khi là những quả đắng.
Vì đâu nên nỗi?! Cảm ơn nhà văn Guy de Maupassant đã giúp những bà mẹ yếu đuối như tôi thức tỉnh, cảnh giác với bà mẹ “một cuộc đời”.