Khi luật sư đi… lừa
Theo Liên đoàn Luật sư VN, trong nhiệm kỳ 2008-2013 Liên đoàn Luật sư VN đã xoá tên khỏi liên đoàn 20 luật sư, còn số lượng luật sư bị xoá tên có thời hạn thì rất nhiều.
Khi luật sư đi… lừa
Theo Liên đoàn Luật sư VN, trong nhiệm kỳ 2008-2013 Liên đoàn Luật sư VN đã xoá tên khỏi liên đoàn 20 luật sư, còn số lượng luật sư bị xoá tên có thời hạn thì rất nhiều.
Nguyên luật sư Lương Anh Tiến (X) bị tòa sơ thẩm TAND TP.HCM xử 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Ảnh: H.Điệp |
“Đó là một con số lớn”. Luật sư Nguyễn Thế Phong – chủ nhiệm Uỷ ban giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật Liên đoàn Luật sư VN – thừa nhận.
Tiền mất tật mang
Ngày 20 và 21-5-2014, HĐXX TAND TP.HCM đã xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gia đình bị hại là bà L.T.T. và các con vì có chồng, cha là bị can Nguyễn Minh Tuấn vướng vào vòng lao lý với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Trong lúc hoang mang, Lương Anh Tiến (nguyên luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) xuất hiện với tư cách là một luật sư uy tín từng bào chữa tại nhiều vụ án lớn và hứa hẹn sẽ dựa vào những mối quan hệ quen biết để lo cho ông Tuấn được tại ngoại, thoát những tội danh đã vi phạm.
Tiến đã từng bước dựng lên diễn biến của vụ án để gia đình bà T. hoang mang cực độ. Mỗi lần dựng lên một diễn biến là gia đình bà T. không ngần ngại vay tiền đưa cho Tiến để bị cáo lo chạy án cho người nhà với số tiền tổng cộng là 1,8 tỉ đồng.
Tại toà, con rể bà T. kể lại: “Luật sư Tiến lên nhà ba má vợ tôi và khoe rằng đã tham gia bào chữa nhiều vụ án lớn, Tiến là một luật sư giỏi. Ban đầu Tiến nói rằng cần 100 triệu để lo cho ba vợ tôi không bị thêm tội danh nào nữa. Mấy má con tôi lúc đó rất tin Tiến nên đã giao tiền.
Một thời gian sau, Tiến lại lên nhà và nói ba tôi vô tội nhưng bị ép cung tại cơ quan điều tra nên gia đình tôi càng thêm xót ruột. Tiến vòi thêm tiền và hứa sẽ bào chữa cho ba tôi trắng án, xin cho ba tôi được tại ngoại với số tiền 40.000 USD.
Gia đình tôi đã chuyển hai lần cho Tiến, một lần 200 triệu và một lần 570 triệu. Nhưng rồi mọi việc vẫn không dừng lại. Tiến tiếp tục nói với má con tôi rằng vụ án đang diễn biến hết sức khó khăn. Muốn lo cho ba tôi trắng án thì gia đình tôi phải chấp nhận giá 3 tỉ đồng mới êm xuôi.
Má con tôi lúc đó chỉ biết đâm lao thì phải theo lao dù trong nhà không có đồng nào. Chúng tôi đã vay mượn thêm 1 tỉ đồng nữa rồi chuyển cho Tiến, nếu ba tôi được trả tự do sẽ lo tiếp cho Tiến 2 tỉ đồng. Đến ngày xử ba tôi, gia đình tôi còn tiếp tục đưa cho Tiến 40 triệu đồng tiền bồi dưỡng”.
“Giờ đây tiền thì mất hết, ba tôi phải chịu án tù” – anh ngậm ngùi nói. Lương Anh Tiến đã bị toà sơ thẩm tuyên phạt 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mượn tiền rồi chiếm đoạt luôn
Luật sư Phạm Thị Ái Liên (38 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vừa bị truy tố tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình hành nghề luật sư, Liên tạo sự tin tưởng với nhiều khách hàng để vay, mượn tiền của họ rồi chiếm đoạt luôn.
Chị T.T.K.H. (ở P.2, TP Cao Lãnh) nhiều lần thuê Phạm Thị Ái Liên làm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các vụ kiện. Năm 2011, Liên hỏi vay tiền của chị H. nhiều lần để cho người khác vay lại đáo nợ ngân hàng.
Ban đầu Liên trả vốn và lãi đúng thời hạn nên chị H. tin tưởng. Đến tháng 3-2013, chị H. đã cho Liên vay hơn 2,6 tỉ đồng nhưng Liên không trả vốn lẫn lãi.
Ngoài vay mượn tiền của chị H., Liên còn vay mượn của hai người khác số tiền hàng trăm triệu đồng và tổng số tiền mà Liên đã vay nhưng không trả khoảng 4,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, Phạm Thị Ái Liên còn lợi dụng danh nghĩa luật sư để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, ngày 24-12-2012, chị N.T.P.N. (ở P.3, TP Cao Lãnh) có lập hợp đồng ủy quyền cho Liên để tham gia bào chữa vụ kiện dân sự đòi tài sản với N.T.T.D..
Ngày 3-1-2013, TAND TP Cao Lãnh ra quyết định về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. N.T.T.D. có trách nhiệm trả lại cho chị N. số tiền 123 triệu đồng.
Ngày 17-1-2013, chị N. tiếp tục lập hợp đồng ủy quyền cho Liên đến Chi cục Thi hành án dân sự TP Cao Lãnh để làm thủ tục yêu cầu thi hành án, nhận các khoản tiền thi hành án hơn 120 triệu đồng.
Thế nhưng Liên giữ số tiền này tiêu xài mà không giao lại cho chị N.. Mãi đến tháng 5-2013 chị N. mới biết, gọi điện thoại hỏi Liên nhưng Liên bảo chưa nhận.
Đến khi chị N. xin được các phiếu chi tiền của Chi cục Thi hành án dân sự thì Liên mới thừa nhận và trả lại một phần tiền, nhưng còn nợ hơn 70 triệu đồng. Vì bức xúc thái độ không trung thực của Liên, chị N. đã tố cáo với công an.
Nhận tiền rồi… gửi bài bào chữa Một thẩm phán tòa dân sự TAND tỉnh Tiền Giang cho biết hiện nay tình trạng luật sư đã ký hợp đồng dịch vụ với đương sự nhưng lại không có mặt tại tòa, chỉ gửi bài bào chữa không còn là chuyện hiếm nữa. Thẩm phán này đã nhận được một số bài bào chữa của luật sư gửi đến và nêu lý do không đến tòa được vì lý do sức khỏe hoặc “đụng” một phiên tòa khác diễn ra cùng giờ. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi thẩm phán xử lý tình huống này như thế nào, có đọc bài bào chữa hay không thì ông từ chối trả lời. Luật sư Nguyễn Văn Dương (chủ nhiệm Đoàn luật sư Tiền Giang) cũng thừa nhận tình trạng này đã xảy ra khá nhiều. Một số đương sự vì quá bức xúc đã đến đoàn luật sư khiếu nại. Thậm chí luật sư A. còn bị đương sự khởi kiện ra TAND huyện Cái Bè đòi lại tiền công do ông này không làm hết trách nhiệm theo thỏa thuận. Tuy nhiên sau đó đương sự đã rút đơn kiện. Tương tự, luật sư L. ở TP Mỹ Tho cũng bị khiếu nại đòi lại tiền thù lao. Đoàn luật sư Tiền Giang đã vận động luật sư này trả lại tiền. Ông Dương nói thêm: “Nhiều luật sư gửi bài bào chữa thì thường “việt vị” do diễn biến phiên tòa thay đổi, có phát sinh tình tiết mới. Chẳng hạn, khi tòa diễn ra thì các bên có sự thỏa thuận mới nên nguyên đơn rút một phần yêu cầu. Khi đó bài bào chữa không còn phù hợp. Luật sư ký hợp đồng lấy tiền của đương sự mà không đến tòa là thiếu trách nhiệm”. |