Ngăn chuyện đau lòng mẹ tự tử cùng con
Áp lực cuộc sống gia đình như mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng – nàng dâu, kinh tế thiếu thốn, công việc vất vả… đã gây nên những trở ngại và khó khăn có thể đến mức không kiểm soát được khiến những phụ nữ phải trải qua những căng thẳng quá mức, dẫn đến họ có những hành vi bột phát.
Ngăn chuyện đau lòng mẹ tự tử cùng con
Những vụ mẹ tự tử cùng con liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến dư luận rúng động.
Khi quá căng thẳng, nên trò chuyện với người thân tin cậy hoặc với chuyên gia tâm lý để tìm cách giải tỏa – Ảnh: T.T.D |
Đặc biệt là hai vụ việc xảy ra trong ngày 13-10 tại Bình Dương và Bình Phước làm chết hai bà mẹ và ba đứa trẻ.
Áp lực cuộc sống gia đình như mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng – nàng dâu, kinh tế thiếu thốn, công việc vất vả… đã gây nên những trở ngại và khó khăn có thể đến mức không kiểm soát được khiến những phụ nữ phải trải qua những căng thẳng quá mức, dẫn đến họ có những hành vi bột phát.
Cộng thêm vào đó là việc thiếu kỹ năng cần thiết để đảm bảo cuộc sống khiến những người mẹ trẻ đã tìm đến cái chết như là sự kết thúc cho những cùng quẫn, bức bách.
Đừng tước quyền sống của trẻ Nếu một ai đó có suy nghĩ đến việc tự tử cùng con, xin một lần hãy nghĩ đến những cặp vợ chồng vất vả, khốn khổ đấu tranh để có được đứa con từ những lần thụ tinh trong ống nghiệm hay quá trình đi tìm con nuôi. Nếu thật sự cùng quẫn, không đủ khả năng nuôi dạy con mình, hãy tìm đến những trung tâm bảo trợ nuôi dạy trẻ em hoặc liên hệ với các cơ quan chức năng tìm chốn nương thân cho con trẻ chứ đừng vì chút ích kỷ, nông nổi của bản thân mà tước đi quyền được sống của những đứa trẻ thơ ngây, vô tội. |
Những vụ mẹ tự tử cùng con liên tiếp xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận rúng động. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa thì cũng đến lúc các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục và các cơ quan chức năng liên quan cần đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn những vụ việc đau lòng tương tự.
Ở góc độ là một người hoạt động trong lĩnh vực tâm lý – giáo dục, theo tôi, cần xác định những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn từ gốc rễ hiện tượng này.
– Trong mỗi gia đình, các ông bố, bà mẹ nên học cách cân bằng cuộc sống. Biết chấp nhận những gì mình đang có. Hãy cởi bỏ áp lực bằng cách tham gia tích cực vào các hoạt động lành mạnh để có thể giải tỏa những áp lực, như luyện tập thể thao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại khu phố, làng quê, thôn bản…
Bên cạnh đó, cũng nên thường xuyên trò chuyện với người xung quanh đáng tin cậy để giảm stress, đồng thời tìm ra cách giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống gia đình của mình.
– Những bà mẹ sau khi sinh thường có những trở chứng bất thường về tâm lý và kéo theo những hệ lụy là tính khí thất thường, dễ trầm cảm, suy nghĩ luẩn quẩn, nông cạn, khả năng kiềm chế kém dẫn đến những hành động bột phát…
Vì vậy vai trò của gia đình nội ngoại rất quan trọng, hãy cùng chung sức để các bà mẹ có con nhỏ có thể vượt qua khó khăn gặp phải, đặc biệt là trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.
– Các tổ chức xã hội, nhất là các hội phụ nữ, thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ tạo điều kiện để các bà mẹ trẻ có thể giữ vững mái ấm gia đình, hiểu được ý nghĩa của cuộc sống cũng như giá trị bản thân khi làm vợ, làm mẹ. Hội phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong định hướng, tạo công ăn việc làm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền pháp luật hiệu quả cho các phụ huynh.
Thực tế, không ít bậc cha mẹ có quan niệm sai lầm rằng mình có quyền sinh thì cũng có quyền sát đối với những đứa con. Đó là một quan niệm không chỉ sai về mặt đạo đức mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp nước ta.
– Các gia đình là công nhân thường sẽ bị áp lực nhiều hơn do mức thu nhập không cao, sự gắn kết cộng đồng còn hạn chế, việc tham gia các tổ chức đoàn thể cũng khó khăn. Vì thế, lãnh đạo các công ty, xí nghiệp cần thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn cho công nhân mà nhất là các vấn đề về hôn nhân, gia đình, cách giảm áp lực cũng như ý nghĩa cuộc sống bản thân.
Vượt qua phút đen tối… Tôi đã từng định tự tử cùng hai con thơ, nhưng rồi nhờ con mà tôi đã vượt qua được giây phút đen tối ấy của cuộc đời… Giữa đêm chồng tôi đuổi ba mẹ con ra khỏi nhà ở Ninh Thuận, lúc ấy con gái tôi mới học lớp 1, con trai còn đang tuổi mẫu giáo. Chỉ vì anh có người khác, khi phát hiện tôi khóc kể với mẹ chồng và anh đánh tôi vì chuyện ấy… Trong túi chỉ còn 300.000 đồng, tôi đưa con về Khu công nghiệp Sóng Thần thuê phòng trọ rồi tìm việc làm. Tôi xin vào một hãng giày làm từ 7g-17g, tối về phụ việc cho một quán cháo. Cuộc sống vất vả, tôi năn nỉ chồng cho tụi nhỏ ít tiền đi học. Chồng tôi lạnh lùng nói những câu rất tệ bạc. Tôi đệ đơn ra tòa ly dị. Tại tòa, chồng tôi nói tôi nuôi hai con, anh sẽ chu cấp. Vậy là cuộc sống gia đình đã an bài, chỉ còn tôi và những đứa trẻ. Tiền chu cấp khi có khi không, có lúc vài tháng chồng tôi mới gửi cho một tháng. Càng lúc cuộc sống càng khó khăn. Cùng đường, tôi hay nghĩ đến cái chết. Chiều đó, một ngày Trung thu năm 2010, tôi cho con ăn thật no rồi thuê xe ôm chở ba mẹ con ra cầu Sài Gòn… Đến nơi, tôi kéo hai con lại gần và khóc: “Đời chỉ còn ba mẹ con mình trơ trọi. Nếu mẹ còn sống thì các con cùng sống. Nếu chết thì ba mẹ con cùng chết vì không ai thương con bằng mẹ, mẹ chết sẽ không có ai lo cho các con đâu!”. Tụi nhỏ khóc và nghe lời tôi. Đêm xuống. Tôi nắm tay hai đứa trẻ lên cầu, định cột tay để ba mẹ con đừng “lạc nhau” dưới nước. Lên tới thành cầu, bé gái chịu nhảy theo mẹ nhưng con trai tôi sợ hãi, níu tay tôi lại rồi khóc to lên: “Mẹ ơi, đừng có chết!”. Tiếng khóc đó làm cho bé chị như tỉnh ngộ, cũng níu một bên tay tôi: “Mẹ ơi, còn có ông bà ngoại, mình về nhà đi!”. Tôi nói: “Con ơi, mình sống sẽ là gánh nặng của ông bà ngoại”. Con bé sợ hãi: “Mẹ ơi, mình nhảy xuống thì cá rỉa mình, ông bà ngoại không nhận ra đâu. Mình chết ba cũng đâu có thương mình!”. Câu nói ấy làm tôi sững sờ tỉnh ngộ. Ờ, mình chết thì thi thể rã ra, mấy mẹ con mỗi người một nơi… Người thân không nhận ra, người ghét cũng chẳng thể yêu thương hay hối hận… Tâm hồn đầy bóng tối của tôi được soi sáng bằng lời con trẻ. Tôi dắt con xuống chân cầu ngồi nghĩ lại: nhiều người bệnh sợ chết tìm sống, tại sao mình sống mà lại tìm đường chết? Con mình đã trót sinh ra, nó có cuộc đời của nó, mình đâu được cướp đi cuộc đời con trẻ? Tôi lặng lòng, dắt con tìm xe ôm nhờ chở về. Bác xe ôm thấy tôi khóc thất thần, gạn hỏi tại sao, tôi kể thật, ông móc túi được 200.000 đồng đưa cho tôi rồi bảo về Đà Lạt sống với ông bà ngoại, đừng bao giờ tìm cách chết nữa. Sáng hôm sau ông đến chở chúng tôi ra bến xe. Đến giờ tôi vẫn nhớ về ông, một người khoảng 55 tuổi, to cao, gương mặt hiền lành. Về Đà Lạt, tôi ôm lấy ba mẹ mình mà thấy lòng ấm áp. Mẹ mua cho tôi một máy kéo len. Ban ngày tôi làm pha chế trong một quán cà phê, tối về dệt len đến 2g sáng. Cắc củm từng đồng, tôi lo cho con mình đi học. Khoảng một năm sau tôi tìm được một công việc ổn định với thu nhập tương đối trong một văn phòng, đủ sức lo cuộc sống cho hai con. Lũ trẻ, mỗi khi sinh nhật tôi, đều làm những cái thiệp bằng giấy với những câu chúc đơn giản: “Con kính chúc mẹ khỏe mạnh để lo cho tụi con. Sau này khi con lớn lên, sẽ lo cho mẹ. Mẹ đừng buồn nhé!”. Đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi sau phút giây tối tăm, sợ hãi. |