13/01/2025

“Thị trấn công nghệ” ở Bắc Ninh

Có diện tích trên 1km2, “thị trấn” này cần mỗi ngày 6 tấn gạo, 10 tấn dưa hấu, ôtô chạy đoạn đường bằng chu vi Trái đất để đưa đón hơn 38.000 nhân viên đến nơi làm việc…

 

“Thị trấn công nghệ” ở Bắc Ninh

Có diện tích trên 1km2, “thị trấn” này cần mỗi ngày 6 tấn gạo, 10 tấn dưa hấu, ôtô chạy đoạn đường bằng chu vi Trái đất để đưa đón hơn 38.000 nhân viên đến nơi làm việc…

Tổ hợp Samsung được nhiều người coi là “thị trấn công nghệ” ở Bắc Ninh.

Một khu sản xuất trong “thị trấn công nghệ” - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một khu sản xuất trong “thị trấn công nghệ” – Ảnh: Nguyễn Khánh

Đến nay, ai cũng biết Samsung đặt tổ hợp sản xuất lớn ở Bắc Ninh, nhưng rất ít người biết về những câu chuyện đằng sau cánh cổng nhà máy này.

Mọi nhân viên, không kể chức vụ, trước khi chính thức đi làm đều phải trải qua kh huấn luyện sáu ngày bốn đêm.

Một trong những bài tập đầu tiên là phân nhóm cùng tập những động tác thể dục bình thường. Yêu cầu các động tác phải đều, nếu một thành viên trong nhóm sai động tác, toàn nhóm phải tập lại cho đến lúc đều mới được.

Kết quả có nhóm phải tập bốn giờ liền cho một bài thể dục.

 Đó là cách để mọi người thấy rằng một cá nhân không được ảnh hưởng đến cả tập thể

Anh PHẠM VĂN TRƯỚC(trưởng phòng đào tạo của Samsung)

Những người Việt 21 tuổi

Tại đây, bắt đầu từ 7g30 sáng, “thị trấn” bắt đầu sôi động. Lúc này, những con đường rộng 20-30m trong nhà máy rợp một màu xanh sọc trắng – đồng phục của những “cư dân” tại đây. Khoảng 38.000 người cùng vào ca và điều khá đặc biệt, hầu hết đều thuộc giới “tóc dài”.

Đến với Samsung, phần lớn là những mái đầu còn rất xanh. Hầu hết mới tốt nghiệp trung học phổ thông. “Độ tuổi trung bình toàn tổ hợp chỉ là 21” – giám đốc phòng kế hoạch Kim Yong Seok nói.

Và lẽ dĩ nhiên, có rất nhiều mái đầu xanh đã xáp lại gần nhau. Gặp Vũ Đình Thuấn (Hải Dương) và Hoàng Thị Phương (Bắc Ninh) giờ nghỉ trưa ngồi sát cạnh nhau, hỏi thì được trả lời: “Chúng em vừa cưới”.

Làm ở Samsung được bốn năm, cưới vợ cách đây hai năm, Thuấn đùa ở Samsung cưới “dễ hơn” bởi ngoài việc cho mỗi người 3 triệu đồng khi lập gia đình, mỗi đám cưới, tổ hợp còn điều một xe buýt 45 chỗ miễn phí để chở bạn bè đồng nghiệp đến dự.

“Công việc ở đâu cũng áp lực, Samsung cũng vậy” – Thuấn nói và cho biết có lẽ sẽ gắn bó lâu dài bởi nhiều lý do, trong đó có lý do đơn giản đến không ngờ: ở Samsung có lẽ việc sinh con sẽ bớt khó khăn hơn. “Một tháng chúng tôi được nghỉ bốn ngày chủ nhật và hai ngày thứ bảy. Điều này tưởng bình thường nhưng không phải đơn giản nếu làm ở những nơi khác” – Thuấn nói.

Ưng Sỹ Ngọc Phách và Nguyễn Thị Hải Phương cũng vừa cưới sau một thời gian làm cùng ở bộ phận bản mạch. Phách kể vợ chồng anh mỗi người có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Cuộc sống công nhân có nhiều nỗi lo, và một trong những điều Phách cảm thấy dễ chịu để gắn bó với Samsung nghe lại khá đơn giản: công ty có cơ chế đưa đón bằng xe, nên nhân viên được chủ động chỗ ở, không nhất thiết phải ở sát cạnh nhà máy quá đông đúc…

Với 30 nhóm nhân viên liên tục to về các địa phương để tuyển dụng nhằm đáp ứng nhân sự, đến nay Tổ hợp Samsung đã quy tụ nhân viên từ 51 tỉnh thành của VN.

Và với tốc độ tuyển có thời điểm lên tới khoảng 1.200 người/tuần để phục vụ nhu cầu tăng quy mô cũng như thay thế nhân viên nghỉ việc (khoảng 2%/tháng), có lẽ chẳng mấy chốc sẽ có đủ dân từ 63 tỉnh thành đến với Samsung.

Và đến với VN, Samsung cũng đem đến một văn hoá sản xuất khá mới để giữ nhân viên ở lại. Tại Samsung, không có ai được phép gọi những người đứng cạnh máy móc là “công nhân”. Để các bạn còn rất trẻ đang ngày đêm làm ra sản phẩm không có cảm giác bị phân biệt, ở Samsung chỉ có “nhân viên sản xuất” và “nhân viên khối phụ trợ, văn phòng”.

Để khuyến khích nhân viên sản xuất thăng tiến, có cơ hội thi vào vị trí khác, Samsung mời một trường cao đẳng đến đào tạo ngay tại trụ sở nhà máy.

Ngoài ra, điều khiến nhân viên Vũ Đình Thuấn ấn tượng là mỗi dịp tết, tất cả ban lãnh đạo Tổ hợp Samsung sẽ đứng dàn hàng ngang trước cổng nhà máy để vẫy chào những công nhân về quê ăn tết sau khi đã lo xong vé tàu xe cho họ.

Những nhân viên mới được nhận vào làm việc tại nhà máy phải trải qua những khóa huấn luyện về chuyên môn cũng như về các kỹ năng mềm cần thiết - Ảnh: Nguyễn Khánh
Những nhân viên mới được nhận vào làm việc tại nhà máy phải trải qua những khóa huấn luyện về chuyên môn cũng như về các kỹ năng mềm cần thiết – Ảnh: Nguyễn Khánh

Bảo mật của “thị trấn công nghệ”…

Bước chân vào Samsung, không ít công nhân sẽ phải ký một bản cam kết không tiết lộ những thông tin của công ty. Với thế giới công nghệ, những mẫu máy mới như Galaxy S5 trước khi tung ra thị trường mà bị lộ thông tin, cả dòng sản phẩm có thể phải thay đổi.

Vì vậy, không khó hiểu khi đến khu vực văn phòng của Samsung, gần như tất cả máy tính dù là để bàn hay xách tay đều có… khoá.

“Tổ hợp Samsung ở Bắc Ninh là một trong những nơi đầu tiên sản xuất những sản phẩm mới, chỉ sau Hàn Quốc” – ông Shim Won Hwan, tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Bắc Ninh, cho biết. Đó cũng là lý do tại tổ hợp này, thi thoảng lại có một số nhân viên ưu tú được triệu tập riêng, ký cam kết và vào khu vực sản xuất biệt lập. Đây là nơi sản xuất thử những sản phẩm mới nhất trước khi sản xuất đại trà. Và gần như không một nhân viên bình thường nào biết khu vực này nằm ở đâu.

Trong khu vực sản xuất những thiết bị quan trọng của Samsung cũng là một thế giới khác lạ. Tất cả đều mặc áo chống tĩnh điện màu trắng có sọc, bịt khẩu trang trắng, bên những cỗ máy trắng… Chỉ có những cặp mắt đen láy của nhân viên nổi bật cạnh các dây chuyền.

Tại các nhà máy này, sự phân biệt dễ thấy nhất là yêu cầu về độ sạch của không khí. Với những dây chuyền sản xuất camera, chip… nồng độ bụi cho phép được tính bằng số hạt cụ thể trên 1m3 không khí, nên trước khi đứng máy, nhân viên phải trải qua 3-4 khâu mặc, thay quần áo.

Cuối cùng sẽ phải đi qua một hành lang kín với những cửa thổi khí nhằm đảm bảo tất cả nhân viên đứng cạnh máy đều… không còn bụi.

Để theo kịp dây chuyền lên tới 11 triệu sản phẩm/tháng của Samsung không đơn giản. Đỗ Thị Vân, trưởng nhóm bộ phận lắp ráp các thiết bị như camera, motor rung, loa…, cho biết mỗi ca, bộ phận của cô sẽ hoàn thành 48.000 sản phẩm, có khi lên đến 90.000.

Chỉ cần một người mắc lỗi, bỏ qua một chi tiết có thể khiến camera hoặc motor không được lắp vào điện thoại, tất cả sẽ phải làm lại, thậm chí phải kiểm tra lại toàn bộ sản phẩm.

Mảng xám…

Nhà máy Samsung Bắc Ninh có hệ thống an ninh hoành tráng với dãy máy soi dài hàng trăm mét, với ít nhất 30 cổng soi chiếu liên tục hoạt động; hàng chục nhân viên với thiết bị kiểm tra an ninh, dò kim loại không khác gì ở sân bay.

Vấn đề đau đầu của “thị trấn” công nghệ này là nạn… mất cắp.

Không chỉ mất những linh kiện bé như camera, màn hình, chip, Nhà máy Samsung còn mất cả những chiếc điện thoại thành phẩm. Đã có trường hợp bị phát hiện trộm đến hàng trăm chiếc điện thoại. Rất nhiều tiểu xảo để đưa các thiết bị, điện thoại ra khỏi hàng rào an ninh. Số nhân viên bị phát hiện lấy đồ, phải đuổi việc đã lên đến hàng trăm.

Vì vậy, trừ một số xe chuyên chở lãnh đạo cấp cao của tổ hợp, đến nay bất cứ xe nào từ nhà máy đi ra khi đến cổng, từ lái xe đến khách đều phải rời xe, đi vào khu vực kiểm tra an ninh trước khi được ra về.

 

4.825 nhân viên nữ có bầu

Ông Kim Yong Seok – giám đốc phòng kế hoạch Tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh – cho biết “thị trấn” công nghệ này có 38.256 người. Trong đó, nam chiếm khoảng 8.300, còn lại hơn 29.900 là nữ.

Trong số nữ này, hiện có 4.825 người mang bầu. Mỗi ngày tại đây có thêm 13 nhân viên nữ có thai.

Với chế độ đưa đón nhân viên trong phạm vi 50km, mỗi ngày Samsung đặt hàng các nhà cung cấp dịch vụ vận tải điều hơn 200 xe đi đến tận Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…

Và tính trung bình, mỗi ngày xe của các nhà thầu của Samsung phải chạy tổng số khoảng 40.000km để đưa đón nhân công – tương đương một vòng chu vi của Trái đất.

Ở “thị trấn” này ba nhà ăn phục vụ hơn 38.000 người/bữa, vào cao điểm sản xuất phục vụ khoảng 72.000 lượt ăn/ngày. Đây có lẽ là những nhà ăn lớn nhất VN. Chỉ riêng nhân công làm ở bộ phận căngtin đã lên tới 736 người.

Đội ngũ nhân viên làm vệ sinh trong nhà máy có 788 người. Mỗi ngày, các nhà ăn này “xài” hết 6 tấn gạo, 10 tấn dưa hấu, 5 tấn thịt, cá tôm và 14.500 quả trứng…