13/01/2025

Hệ luỵ học thay con

Không ít phụ huynh làm thay bài tập cho con với suy nghĩ rất đơn giản là “trợ giúp” con bớt áp lực. Song việc này kéo dài sẽ làm trẻ không còn tin tưởng vào tính trung thực và bị hổng kiến thức khiến trẻ phải ngồi “nhầm lớp”.

 

Hệ lu học thay con

Không ít phụ huynh làm thay bài tập cho con với suy nghĩ rất đơn giản là “trợ giúp” con bớt áp lực.

 

Cùng con rèn luyện những môn năng khiếu cũng giúp con trẻ hứng thú hơn - Ảnh: T.T.D.
Cùng con rèn luyện những môn năng khiếu cũng giúp con trẻ hứng thú hơn – Ảnh: T.T.D.

Song việc này kéo dài sẽ làm trẻ không còn tin tưởng vào tính trung thực và bị hổng kiến thức khiến trẻ phải ngồi “nhầm lớp”.

Nào có dễ

Trong quá trình học cùng con không tránh khỏi tình huống dù đã cố gắng giảng giải, chứng minh bằng nhiều cách mà con vẫn “mắt chữ o, miệng chữ a” do không hiểu và không thể giải được bài tập

Chị Kiều (34 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) có con trai đang học lớp 5 chia sẻ: “Thấy con thức đêm thức hôm bên bàn học để làm bài tập môn toán, văn đến thủ công, tôi không khỏi xót xa. Sợ con mệt mỏi, thua kém bạn bè, tôi đành “học giùm” con.

Vậy mà đâu phải khi nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có hôm vất vả giúp con giải xong bài toán con vẫn ỉu xìu nói: “Mẹ làm chẳng giống cô. Cô hướng dẫn cách khác cơ!”. Tôi phải ngậm ngùi gọi điện thoại nhờ cô giáo giúp đỡ”.

Cùng suy nghĩ, anh Lê (ở Dĩ An, Bình Dương) bày tỏ: “Con gái tôi học không đến nỗi nào, nhưng có những bài văn bé không thể diễn đạt được vì chưa chứng kiến lấy đâu cảm xúc mà viết. Con tôi lại không muốn viết theo văn mẫu cô giáo hướng dẫn, thế là tôi và cả nhà phải ngồi suy nghĩ để tìm ra từ ngữ giúp bé.

Thật sự đâu có dễ, người lớn làm sao có thể cảm nhận và viết một cách trong trẻo, non nớt như giọng văn con trẻ, trong khi đó giọng văn “già” quá là cô giáo phát hiện, phê bình con mình trước lớp.

Rồi khi con học các phép nhân hóa, ẩn dụ… chúng tôi dẫn nhiều ví dụ minh họa mà con vẫn không chấp nhận vì thấy khó hiểu. Thấy con đánh vật với những câu từ, tôi đành làm thay để con bớt căng thẳng”.

Nhiều phụ huynh nhận thấy việc học thay con là không đúng. Song với chương trình học có phần nặng nề và chưa hợp lý như hiện tại, con trẻ chưa thể tự mình làm hết các bài tập.

Nếu để trẻ gặp lúng túng nhiều lần sẽ trở nên nản chí và lười học. Vì thế mong muốn con thấy được việc học là niềm vui và hứng thú với chuyện học tập là nỗi niềm của nhiều bậc cha mẹ.

Để học tập là niềm vui

Khó là vậy nhưng không phải không có cách khiến việc học trở nên bớt căng thẳng với trẻ nếu các bậc phụ huynh chú ý những điều cơ bản như:

– Sau khi con ở trường về nhà, không nên ép trẻ học bài, làm bài ngay. Vì như vậy trẻ sẽ mệt mỏi hơn, chẳng khác nào bị “tra tấn” .

– Nếu để trẻ tự giác lựa chọn không gian học tập cho mình, trẻ sẽ học có hiệu quả hơn vì không ít em thích học trong cảnh sinh hoạt của gia đình hoặc vừa nghe một bản nhạc vừa làm bài tập.

– Nếu trẻ học một buổi ở trường, bạn có thể yêu cầu trẻ làm bài tập ngay sau khi ngủ trưa (đối với trẻ học buổi sáng) và sau bữa điểm tâm (nếu trẻ học buổi chiều). Đó là thời điểm trẻ dễ tiếp thu bài nhất.

Ngoài ra, cha mẹ cần sẵn sàng hướng dẫn khi con trẻ gặp những vướng mắc trong lúc làm bài tập.

Các bậc phụ huynh nên loại bỏ tư tưởng học thay con, đừng vì quá thương con hay vì “thành tích” học tập trước mắt mà làm thay bài tập cho con. Hậu quả là con sẽ hổng dần kiến thức và ngồi “nhầm lớp”.

Gặp những bài tập khó, cha mẹ cần kiên trì hướng dẫn cho con hiểu bài, nắm vững lý thuyết và tự giác vận dụng vào giải các bài tập.

Sắp xếp thời gian hợp lý, phối hợp với nhiều người (cha và mẹ, anh chị hay gia sư) cùng hướng dẫn trẻ tạo không khí quan tâm, chia sẻ để trẻ quyết tâm hơn nữa trong lúc làm bài.

Một điều quan trọng là các bậc phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý con mình sẽ bị một vài điểm kém do chưa hiểu bài.

Thay vì mắng mỏ, quát nạt trẻ, cha mẹ cần động viên và dành thời gian nghiên cứu lại kiến thức trẻ đang học và tìm ra phương pháp chỉ dẫn hiệu quả nhất.

Trong quá trình học cùng con không tránh khỏi tình huống dù đã cố gắng giảng giải, chứng minh bằng nhiều cách mà con vẫn “mắt chữ o, miệng chữ a” do không hiểu và không thể giải được bài tập, khi đó phụ huynh đừng ngại ngần gọi điện hay viết thư cho cô giáo của trẻ trình bày những vướng mắc của mình và nhờ cô giảng thêm cho trẻ.

Hoặc thậm chí phụ huynh có thể mời gia sư phụ đạo thêm khi nhận thấy bản thân không đủ năng lực sư phạm để cùng con học tập. Tuy nhiên, cha mẹ không nên phó mặc con mình hoàn toàn cho gia sư hoặc thầy cô dạy thêm.

 

Muốn cùng con học tập có hiệu quả, các bậc phụ huynh cần nghiêm túc nghiên cứu, “học lại” những kiến thức con mình chuẩn bị lĩnh hội. Đồng thời, có thể luyện thêm kỹ năng sư phạm để diễn đạt cho con hiểu và tiếp thu bài vở một cách hiệu quả nhất.