28/01/2025

‘Lọt lưới’ lái xe nghiện ma tuý

Theo Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT), thống kê kết quả khám sức khoẻ lái xe tập trung của 63 tỉnh, thành đã phát hiện 526 trường hợp dương tính với ma tuý trên tổng số gần 130.000 lái xe. Đáng lưu ý, nhiều địa phương báo cáo tất cả lái xe kiểm tra đều đủ sức khoẻ, không có trường hợp nào sử dụng ma tuý

 ‘Lọt lưới’ lái xe nghiện ma tuý

Vụ việc tài xế Trần Thế Nam (Đắk Lắk) gây tai nạn khiến 2 người chết, 11 người bị thương ngày 1.10, có kết quả dương tính với ma tuý nhưng doanh nghiệp quản lý không hay biết, cho thấy thực tế nhiều tài xế nghiện ma tuý vẫn đang “lọt lưới” khám sức khoẻ.

Vụ tai nạn giao thông làm 2 người chết, 11 người bị thương. Tài xế gây tai nạn dương tính với ma tuý - Ảnh: Đình Năm

Quá ít so với thực tế

Theo Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT), thống kê kết quả khám sức khoẻ lái xe tập trung của 63 tỉnh, thành đã phát hiện 526 trường hợp dương tính với ma tuý trên tổng số gần 130.000 lái xe. Đáng lưu ý, nhiều địa phương báo cáo tất cả lái xe kiểm tra đều đủ sức khoẻ, không có trường hợp nào sử dụng ma tuý, nhưng sau đó rà soát lại thì lại “lòi” ra tài xế nghiện ma tuý. Điển hình như Bắc Giang, khi rà soát lại Sở GTVT phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải chỉ tổ chức khám qua loa, không ký hợp đồng với cơ sở y tế, không có danh sách lái xe trực tiếp đến khám được cơ sở y tế xác nhận. Sở yêu cầu kiểm tra lại, kết quả cho thấy 5 lái xe trốn không đi kiểm tra sức khoẻ, 1 lái xe sử dụng ma tuý.

Theo ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT, số lượng lái xe nghiện ma tuý trong thực tế có thể nhiều hơn rất nhiều con số được kiểm tra. “Có nhiều lý do khiến số liệu kiểm tra chưa phản ảnh hết thực tế như mẫu xét nghiệm chưa đầy đủ, nhiều DN lảng tránh không thực hiện khám hoặc khám qua loa, để lái xe tự đi khám… Kết quả kiểm tra ma tuý với lái xe chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm nước tiểu, trong khi để hoàn toàn chính xác phải dựa vào xét nghiệm máu, nhưng chi phí lại cao hơn”, ông Triển nhìn nhận.

Cũng theo ông Triển, tất cả các kết quả xét nghiệm ma tuý đều cho dương tính với heroin – codein, nhưng chưa có báo cáo nào dương tính với ma tuý tổng hợp, cần sa. “Nhóm đáng sợ nhất, gây quan ngại nhất không phải là heroin – codein mà là ma tuý tổng hợp, ephetamine gây kích thích thần kinh, thậm chí hoang tưởng cho người sử dụng, nhưng hầu hết các địa phương đều không test các chất này cũng như cần sa. Công an đã triệt phá rất nhiều đường dây sử dụng ma tuý đá, ma tuý tổng hợp, không lý gì kết quả xét nghiệm ma tuý của lái xe lại không hề có các chất này”, ông Triển quan ngại.

Phải đình chỉ doanh nghiệp có tài xế nghiện

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ đường sắt (C67), Bộ Công an cho rằng tình trạng tài xế nghiện ma tuý phải tính toán các biện pháp xử lý từ gốc. “Phải ngăn chặn từ khâu cấp giấy phép lái xe của ngành giao thông, việc tuyển dụng lao động của các DN…”, ông Tuấn nói và cho rằng việc giao CSGT ngăn chặn tài xế nghiện ma tuý là giải pháp từ ngọn và không khả thi: “Khi tuần tra kiểm soát, CSGT không thể chặn một chiếc xe không vi phạm để kiểm tra có bị nghiện hay không. Mặt khác, để phát hiện người nghiện, không thể dùng cảm quan mà đòi hỏi phải có trang thiết bị như máy thử máu, nước tiểu… Nhiều thông số trong đó phải có người có chuyên môn về y tế mới nắm được”.

Hiện tại, với các trường hợp tài xế nghiện ma tuý, các DN đều cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng nếu chỉ cho thôi việc, lái xe có thể “xin” giấy khám sức khoẻ khác để xin việc tại một DN khác. Theo ông Vũ Văn Triển, thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám sức khoẻ trong cả nước thực hiện xét nghiệm tất cả các mẫu ma tuý trong đó có cả ma tuý đá, ma tuý tổng hợp… Cục Y tế GTVT cũng đã đề xuất rút giấy phép kinh doanh các DN có nhiều lái xe nghiện gây mất ATGT.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT yêu cầu từ nay đến cuối năm tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải trong cả nước phải thực hiện kiểm tra sức khoẻ 100% lái xe, đặc biệt là xe khách, container, sắp tới sẽ khám sức khoẻ với cả lái xe taxi.

5 tỉnh phải “giải trình” về TNGT tăng cao

Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến về ATGT với 63 tỉnh, thành sáng 3.10, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại vụ lái xe gây tai nạn tại Đắk Lắk ngày 1.10 chích ma tuý và lưu ý: “Số lái xe nghiện ma tuý như lái xe taxi, xe khách còn nhiều lắm, phải kiên quyết hơn. Nếu cơ sở y tế thông báo lái xe dương tính với ma tuý thì phải rút ngay bằng lái”. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư quy định về Tiêu chuẩn sức khoẻ người lái xe ô tô, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện.

Phó thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phải kéo giảm dưới 9.000 người chết vì TNGT trong năm nay là nhiệm vụ cần làm lâu dài, không được làm đối phó, đồng thời yêu cầu 5 tỉnh để tăng TNGT trên 25% là Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc phải phân tích rõ nguyên nhân, có giải pháp cụ thể khắc phục.

Tại cuộc họp, nhiều địa phương đề nghị được dành 100% tiền phạt giao thông cho địa phương sử dụng, 70% số đó sẽ dành cho lực lượng công an. Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì cùng Bộ Tài chính, Công an họp bàn phương án sử dụng tiền phạt, đảm bảo cho địa phương, chống cơ chế xin cho.

Mai Hà

Mai Hà – Thái Sơn