27/01/2025

​Hồng Đà Lạt lại rớt giá

Giá trái hồng liên tục giảm qua các năm, hiện giá bán chỉ đủ trang trải công hái. Nhiều nhà vườn Đà Lạt đang tính đến chuyện tiếp tục phá bỏ loại cây đặc sản này để chuyển sang các loại cây nông nghiệp khác có thu nhập ổn định hơn.

 

Hồng Đà Lạt lại rớt giá

Giá trái hồng liên tục giảm qua các năm, hiện giá bán chỉ đủ trang trải công hái.  

 

Người trồng hồng đổ ra đèo Prenn đón đầu xe chở du khách để bán hồng với giá rẻ - Ảnh: C.Thành
Người trồng hồng đổ ra đèo Prenn đón đầu xe chở du khách để bán hồng với giá rẻ – Ảnh: C.Thành

Nhiều nhà vườn Đà Lạt đang tính đến chuyện tiếp tục phá bỏ loại cây đặc sản này để chuyển sang các loại cây nông nghiệp khác có thu nhập ổn định hơn.

Dọc đèo Prenn và đèo Mimosa, từ huyện Đức Trọng lên TP Đà Lạt, trái hồng đặc sản Đà Lạt đang được nhiều người dân đổ ra bán với giá cao nhất cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, giảm một nửa so với đầu vụ. Trong khi đó tại các nhà vườn, giá hồng chỉ dao động ở mức 3.000-5.000 đồng/kg.

Đặc sản thua giá cây kem

Theo Chi cục Thống kê TP Đà Lạt, diện tích trồng hồng ăn trái trên địa bàn hiện chỉ còn trên 300ha với sản lượng khoảng 4.592 tấn, giảm mạnh so với con số gần 524ha và sản lượng hơn 6.700 tấn vào năm 2010.

Theo nhận định của cơ quan này, diện tích và sản lượng loại cây hồng đặc sản Đà Lạt vẫn tiếp tục sụt giảm nhẹ theo từng năm, do nhiều người chặt bớt cây hồng để chuyển đổi sang các loại cây khác cho thu nhập ổn định hơn.

Những ngày gần đây, không khí mua bán tại các vườn hồng ở xã Xuân Thọ và Xuân Trường (TP Đà Lạt) khá trầm lắng dù đang vào vụ thu hoạch rộ.

Ông Nguyễn Trần Bá Thịnh (xã Xuân Thọ) buồn bã cho biết nhà có 1ha hồng nhưng tới giờ chưa có thương lái vào ngã giá mua. Theo ông Thịnh, chưa bao giờ giá hồng rớt thê thảm như mấy năm gần đây.

Cụ thể, hồng thương phẩm bán ngay tại vườn chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại, chỉ bằng một phần ba giá so với mười năm về trước, thậm chí những loại hồng giống cũ như hồng trứng chỉ còn 500 đồng/kg.

Nhiều nông dân tại thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương) – vựa hồng lớn nhất Lâm Đồng – cho biết đang thu hoạch cầm chừng để đợi giá.

“Tôi thu hoạch được 10 tấn bán được 40 triệu đồng. Trừ công, phân bón là huề vốn” – bà Trần Thị Xuân Mai, chủ vườn hồng hơn 1,5ha, than thở.

Một số chủ vườn hồng tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) cho biết đang tính đến việc bón thêm một số loại phân bón đặc biệt để kéo dài thời gian chín cây của hồng, do bán hồng tươi trong thời điểm này chắc chắn sẽ ôm lỗ.

“Ngày trước, bán vụ hồng sống khỏe cả năm. Giờ bán 2kg hồng mà không mua được cho con cây kem loại thường thường” – bà Mai nói.

Các vựa hồng tại xã Xuân Thọ cũng không còn cảnh nhộn nhịp xe ra vào như đầu mùa, thương lái chỉ mua bán cầm chừng. Theo các thương lái, giá mua trọn gói tại vườn là 4.000 đồng/kg hồng trứng lốc, 3.000-4.000 đồng/kg hồng tám hải và hồng chén, 6.000 đồng/kg hồng giòn… nhưng tiêu thụ rất khó khăn.

Ông Đỗ Minh Tâm – chủ vựa thu mua hồng lớn tại xã Xuân Thọ – cho biết hiện lượng hồng thu mua tại Đà Lạt chủ yếu được tiêu thụ tại TP.HCM, nhưng sức tiêu thụ rất kém. Trong khi đó, hồng lại đang vào vụ thu hoạch rộ dẫn đến hiện tượng dội chợ, giá hồng bán ra do vậy cũng giảm hơn một nửa so với đầu vụ.

Sẽ làm hồng sấy khô xuất khẩu?

Ông Trần Duy Việt, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết gia đình ông cũng trồng hồng, nhưng kêu bán mà chẳng có thương lái nào tới mua.

Theo ông Việt, giá hồng liên tục đứng ở mức thấp trong nhiều năm do người dân chưa được hướng dẫn giải pháp kỹ thuật nào để can thiệp điều chỉnh mùa vụ thu hoạch một cách hiệu quả.

“Tại Đài Loan, người trồng hồng có thể thu hoạch quanh năm, nhất là các dịp rằm hoặc đầu tháng âm lịch. Trong khi đó, nông dân Đà Lạt thường thu hoạch rộ hàng trăm hecta, nguồn cung trên thị trường tăng vượt so với nhu cầu, giá hồng giảm là điều khó tránh khỏi” – ông Việt nhận định.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, hồng là loại trái chín nhanh và phải ăn liền, người dân lại chưa được hướng dẫn cách bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch nên chỉ có thể bán quanh quẩn tại Đà Lạt cho du khách và người dân địa phương.

“Trái hồng là đặc sản có tiếng của vùng có khí hậu đặc biệt như Đà Lạt, nhưng từ nhiều năm nay trên địa bàn này chẳng có nhà máy chế biến nào hoặc các lò sấy đủ khả năng hấp thụ hết nguồn cung dư thừa, nên cứ đến hẹn lại lên, vào vụ thu hoạch rộ là hồng ế ẩm và rớt giá” – ông Nguyễn Đức Công, chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt, nói.

Theo ông Công, số lượng lò sấy tại Đà Lạt hiện nay đều hoạt động theo phương thức thủ công, hộ gia đình nên khâu chế biến hồng khô tại địa phương chỉ đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Ông Công cho biết một đề án xử lý hồng sấy khô theo chuẩn Nhật đang được TP Đà Lạt triển khai và sắp nghiệm thu, với mục tiêu xuất khẩu hồng Đà Lạt sang các thị trường trong khu vực.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán đầu ra cho trái hồng trong thời điểm chờ dự án này đi vào thực tế, các cơ quan chức năng phải tổ chức tập huấn kỹ thuật ép, sấy khô hồng để bán quanh năm cho khách du lịch và người tiêu dùng nội địa.