13/01/2025

Ăn riêng

Sau buổi đi dạo với mấy bà trong xóm về, mẹ tôi mặt buồn rười rượi. Hỏi ra mới biết, bà hàng xóm kể chuyện nhà bà chỉ có 4 người gồm con trai, con dâu, cháu gái và bà nhưng bữa ăn “chia” làm 2 mâm, gia đình nhỏ quây quần một mâm, còn bà lặng lẽ ngồi ở một góc nhà ăn hết phần cơm của mình.

 

Ăn riêng

Nhà có 4 người nhưng có 2 mâm cơm riêng biệt. Mâm có ba người, còn mâm kia có một. 

Ăn riêng
Minh họa: Văn Nguyễn

Sau buổi đi dạo với mấy bà trong xóm về, mẹ tôi mặt buồn rười rượi. Hỏi ra mới biết, bà hàng xóm kể chuyện nhà bà chỉ có 4 người gồm con trai, con dâu, cháu gái và bà nhưng bữa ăn “chia” làm 2 mâm, gia đình nhỏ quây quần một mâm, còn bà lặng lẽ ngồi ở một góc nhà ăn hết phần cơm của mình. 

Mẹ chồng, nàng dâu

Ngoài đời, thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ nhưng đây là một gia đình. Gia đình ấy, từng thuộc về bà, trọn vẹn, khi ông còn sống và con trai chưa lấy vợ. Ông mất vì một căn bệnh mãn tính. Sau nhiều năm chăm ông, bà cũng rạc người. Ngày con trai lấy vợ, bà mừng thầm trong dạ. Cô dâu mới sẽ là tương lai của bà, con trai bà và của cả ông, người đã mất. Cô ấy sẽ sớm hôm cùng bà chia sẻ từng bữa chợ, cơm nước. Cô ấy sẽ sinh cho bà những đứa cháu, chúng nó là những chồi cây, những mầm sống mới làm rộn ràng căn nhà vốn cô quạnh.

Những năm đầu tiên đón con dâu mới, cuộc sống quả như bà mong ước. Cũng có khi mẹ chồng con dâu bất hoà nhưng rồi qua hết, vui vẻ hết vì ai cũng lùi một bước. Những tháng ngày ấy, bà thấy mình được sống thảnh thơi và ấm áp. Nhưng rồi, vẫn điệp khúc mẹ chồng con dâu, chị chồng em dâu… khiến những bữa cơm có đầy đủ 4 người thưa dần. Bà trách cô con dâu đoảng, chặt to kho mặn, ăn nói đốp chát hung dữ. Cô thì dần khó chịu cái nếp nhà chồng, so bì với những người khác vốn được bà lấy ra làm gương ngọt nhạt. Dần dà, mọi sự bực bội phô bày ra mặt. Lúc thì bà mẹ bệnh, khi thì cô con dâu cáo bận. Chỉ tội anh con trai, loay hoay giữa mẹ và vợ rồi cuối cùng, anh chọn nghiêng hẳn về phía vợ, dù đúng dù sai.

Bữa cơm trong gia đình ấy, nhìn vô khó hiểu vô cùng. Chỗ này là hai vợ chồng cười nói rôm rả với cô con gái nhỏ. Trong mâm, thức ăn ngon lành, sung túc. Góc kia, người mẹ già lặng lẽ ngồi ăn, khi thì cơm với chén canh nhỏ, khi thì ít đồ kho.

Trước đây, bà là người chợ búa, cơm nước cho cả nhà nhưng bây giờ chỉ phải lo cho mình nên mua đơn giản vì cũng không còn cảm giác thiết tha với miếng ăn. Tiền bạc không thiếu, chỉ thiếu cái tình giữa những người sống cùng một nhà với nhau, thiếu cái đạo làm dâu con của người có ăn học đàng hoàng, thiếu chữ hiếu nghĩa của đứa con trai bà nâng niu từ nhỏ.

Bữa cơm của mẹ

Chợt nhớ đến một câu chuyện ở Bình Định, cũng là ăn riêng nhưng trái ngược hẳn. Bà mẹ già hơn 80 tuổi ở cùng người con duy nhất lại bị điên, cô con gái này đã hơn 60 tuổi. Vì tâm thần không bình thường, cô thường xuyên chửi mắng, đánh đập mẹ mình. Dẫu vậy, bà vẫn ở với cô, yêu thương và chịu đựng mọi điều luật oái ăm mà con gái mình đặt ra. Đến bữa, hai mẹ con trong ngôi nhà nhỏ lại chia làm 2 mâm ăn riêng. Mỗi lần ăn cơm, bà chỉ được ăn chưa đầy chén cơm vì cô con gái bắt phải thế. Bà lẳng lặng vừa ăn vừa nhìn con ăn xong phần ăn rồi dọn dẹp cho cả hai. Cứ thế, cho đến khi cô con gái mất.

Nhiều người bây giờ chỉ ước mong được một lần nữa trở về ngôi nhà xưa, ăn bữa cơm mẹ nấu, được ăn cùng mẹ, ôm mẹ ngủ một đêm… Ước mong đó lại quá xa xôi vì nhà thì còn nhưng mẹ đã mất. Còn ở ngôi nhà này thì còn mẹ. Bữa cơm trong một gia đình đủ đầy như thế, lẽ ra phải là thời điểm người mẹ già vui nhất trong ngày nhưng lại khiến bà thấy mình cô đơn và lạc lõng.

Ngày cứ thế trôi qua lặng lẽ…

 

Tâm Ngọc