Công lý không thể bị chối từ
Người chồng không chịu nhận con do vợ sinh ra vài tháng sau ngày cưới. Người mua tài sản không biết rằng người bán có được bằng cách không hợp pháp, hoặc người bán được thừa kế nhưng đã mất quyền thừa kế…
Công lý không thể bị chối từ
Người chồng không chịu nhận con do vợ sinh ra vài tháng sau ngày cưới. Người mua tài sản không biết rằng người bán có được bằng cách không hợp pháp, hoặc người bán được thừa kế nhưng đã mất quyền thừa kế…
Minh họa: Nguyễn Tài |
Gặp phải những tình huống như vậy, do không tự thoả thuận được, các bên đưa nhau ra toà, nhưng luật chưa có quy định thì toà sẽ ứng xử như thế nào?
Trước những tình huống đó, ở VN hiện nay toà án từ chối xét xử vụ kiện với lý do thiếu quy định luật pháp điều chỉnh vụ việc liên quan.
Điều này có thể dẫn đến hệ quả gây thiệt hại cho một bên tranh chấp, làm lợi cho một bên khác trong vụ việc, người dân không tìm được chỗ dựa pháp luật để giải quyết các tranh chấp của mình.
Xuất phát từ thực tiễn, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã có quy định mới, theo đó toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Theo Hiến pháp 2013, TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người như quyền được xét xử công bằng và công khai, quyền bình đẳng trước pháp luật. Nếu từ chối thụ lý, xét xử chỉ vì thiếu quy định thành văn, có nghĩa toà án từ chối thực hiện nhiệm vụ hiến định này.
Công lý không chấp nhận để xảy ra tình trạng những đứa con không được bố thừa nhận như vậy có hợp pháp, hợp với lẽ công bằng hay không; người mua và bán có những quyền gì, phân xử như thế nào.
Từ chối giải quyết những vụ việc với những nỗi lo lắng của con người chỉ vì không có luật tức là làm ngơ trước sự uẩn khúc đằng sau các vụ việc đó. Nhất là ở VN người dân vốn ngại ra tòa, bất đắc dĩ mới kéo nhau ra toà, “bí lắm mới tìm đến toà án” mà toà án lại từ chối “là không được”.
Hay nói cách khác, toà án phải là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.
Chính vì tinh thần vì công lý này mà pháp luật nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha đã quy định: nếu thẩm phán từ chối đưa ra phán quyết với lý do pháp luật không quy định về vấn đề đó, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, có thể bị kiện vì phủ nhận công lý.
Thậm chí, thẩm phán có thể bị truy tố về tội không thực hiện nghĩa vụ xét xử. Do vậy, thẩm phán phải thụ lý và đưa ra phán quyết.
Thông thường ở các nước, gặp trường hợp không có điều luật để áp dụng, thẩm phán sẽ quyết định theo tập quán; nếu không có tập quán, sẽ theo công bằng và lẽ phải mà xét xử.
Những bản án này sẽ thành án lệ để các thẩm phán sử dụng giải quyết những vụ việc tương tự, để các nhà lập pháp xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp luật.
Như vậy, trong những trường hợp không có quy định của luật, nếu toà án có nghĩa vụ pháp lý và được trao quyền để thụ lý, xét xử thì quyền lợi của người dân được đảm bảo, công lý được thực thi.
Tuy nhiên, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật dân sự để toà án giải quyết các vụ việc dân sự.
Toà án và thẩm phán cũng phải tự vận động, làm mới mình, trau dồi năng lực để làm được công việc khó khăn này, để thật sự là nơi chốn cho người dân viện cầu công lý.