27/11/2024

Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em

Sáng 9-9, Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã tổ chức hội thảo xây dựng dự án Hỗ trợ năng lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam.

 

Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em

Sáng 9-9, Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã tổ chức hội thảo xây dựng dự án Hỗ trợ năng lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam.

Công Vinh giơ thẻ đỏ với lao động trẻ em – Ảnh chụp từ video clip

Theo báo cáo về thực trạng lao động trẻ em từ kết quả cuộc điều tra quốc gia được thực hiện từ năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% số trẻ em trên cả nước.

Trong số đó, 55% số lao động trẻ em không được đi học, tỉ lệ các em phải làm việc bình quân trên 42 giờ/tuần (6 tiếng/ngày) chiếm tới hơn 32% số lao động trẻ em với tỉ lệ trên 96% không được đến trường.

Trẻ em cũng có độ tuổi bắt đầu làm việc khá sớm, phổ biến từ 12 tuổi trở lên.

Không phải trẻ em nào làm việc cũng là lao động trẻ em

Tại hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp – thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết tỉ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực và các chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng đã đánh giá là không hề trầm trọng.

“Nhưng nếu trẻ em phải lao động sớm thì các quyền được phát triển, học hành, quyền được bảo vệ không bị xâm hại, bóc lột không được bảo đảm. Đồng thời nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất sử dụng lao động trẻ em sẽ bị đưa vào các danh mục các mặt hàng sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức gây ra nhiều bất lợi. Do đó chúng ta phải tìm giải pháp để chuyển lao động trẻ em sang trạng thái trẻ em làm việc”, thứ trưởng Diệp nhận định.

Giải thích thêm về điều này, thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết hiện nay Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về lao động trẻ em và trẻ em làm việc. Thế giới có một quan điểm chung rằng không phải đứa trẻ nào làm việc cũng là lao động trẻ em. Gia đình nghèo thì trẻ em cũng phải giúp đỡ gia đình làm một vài công việc để trang trải cuộc sống.

Để trẻ em làm việc không hề xấu nhưng trẻ em làm việc quá giờ, ảnh hưởng học hành, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần - trở thành lao động trẻ em thì cần phải ngăn cấm.

Cụ thể với nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi thì thời gian làm việc khoảng 1 giờ/ngày thì được gọi là trẻ em làm việc chứ không phải là lao động trẻ em.

Tương tự với nhóm tuổi 12-14 thì thời gian làm việc phải dưới 4 giờ/ngày, độ tuổi 15-17 không được làm việc quá 7 giờ/ngày thì được gọi là trẻ em làm việc.

Nếu trẻ em làm quá số giờ trên hoặc làm các công việc nguy hiểm, độc hại, công việc cấm trẻ em tham gia thì sẽ trở thành lao động trẻ em.

May mặc và gạch ngói chịu thiệt

Theo thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện nay Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển phải đối mặt với sự công kích sử dụng quá nhiều lao động trẻ em.

Việc đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) luôn có điều kiện về tự do hiệp hội và lao động trẻ em.

Từ năm 2012, Việt Nam có hai mặt hàng là may mặc và gạch bị đưa vào danh danh mục các mặt hàng có sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức của chính phủ Mỹ. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hai ngành hàng này.

Cụ thể dệt may khi bị đưa vào danh mục này thì rất nhiều khách hàng phản ứng. Ở Mỹ nhiều người tiêu dùng tẩy chay không mua hàng, từ đó thị phần giảm xuống dẫn đến mất đơn hàng, lao động mất việc, thu nhập giảm đi, con cái bị ảnh hưởng…

Như vậy việc sử dụng lao động trẻ em lại gián tiếp tổn hại đến quyền lợi của trẻ em và gia đình các em.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các bộ ngành khác xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm đưa hai mặt hàng này ra khỏi danh sách sử dụng lao động trẻ em, có cơ hội chiếm lĩnh lại thị trường, tăng mức tiêu thụ cũng như đơn hàng đồng thời không để các mặt hàng khác bị đưa vào danh sách.

Các giải pháp gồm tăng cường luật pháp về lao động trẻ em, tăng cường thanh tra, giám sát và có khảo sát, điều tra cụ thể để có bằng chứng cho thấy chính phủ, doanh nghiệp có những nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em.

Đồng thời tăng cường truyền thông cho gia đình, cộng đồng, người sử dụng lao động hiểu thế nào là trẻ em làm việc và lao động trẻ em, không vượt qua ngưỡng để không biến các em thành lao động trẻ em.