30/12/2024

Đòi lại quyền nuôi con

Người phụ nữ gầy ốm cương quyết trả lời tòa rằng chị phải được chăm sóc con, vì chị là mẹ ruột. Còn bị đơn cũng cho rằng đứa trẻ đã coi bà là mẹ ruột, bà cũng đã làm lại khai sinh cho đứa bé là con bà nên nhất quyết không muốn trao con.

Đòi lại quyền nuôi con

Người phụ nữ gầy ốm cương quyết trả lời tòa rằng chị phải được chăm sóc con, vì chị là mẹ ruột. 

Còn bị đơn cũng cho rằng đứa trẻ đã coi bà là mẹ ruột, bà cũng đã làm lại khai sinh cho đứa bé là con bà nên nhất quyết không muốn trao con.

 

 

 

Theo trình bày của chị Trịnh Mai Tr. (hiện sống ở P.6, Q.10, TP.HCM) tại phiên toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM ngày 7-5-2014, chị và cha đứa bé vốn là bạn học và thương yêu nhau từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên gia đình nhà bạn trai không đồng ý cho kết hôn nên hai người cứ chung sống với nhau để có con. Lúc ấy cả hai người đều hi vọng khi có con rồi thì gia đình nhà bạn trai vì thương cháu, thương con mà chấp nhận cho tình yêu của họ. Đây cũng là điều người đàn ông mà chị đã thương yêu hứa hẹn với chị.

Nhận cháu, không nhận dâu

Đứa bé trai chào đời, người mẹ làm khai sinh cho con, nhưng để trống phần tên người cha. Rồi hai người đưa con về ra mắt gia đình nhà nội. Tuy nhiên, cháu thì gia đình nhận, còn dâu thì không. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khi cháu bé được 6 tháng tuổi, chị Tr phải kiếm việc làm nên gửi con lại cho cha đứa bé và bên nội nuôi.

Dăm ba ngày được nghỉ, Tr. lại chạy về thăm con, đều đặn như vậy, cũng không ai ngăn cản chị nhưng cách đây ba năm, cha đứa bé làm thủ tục ra nước ngoài sinh sống và giao con lại cho chị ruột của mình. Vợ chồng người chị ruột này đã lớn tuổi mà không có con, họ yêu thương và chăm sóc đứa bé như con ruột.

Tuy nhiên, từ khi cha bé ra nước ngoài sinh sống, mỗi lần chị Tr. đến thăm con đều bị xua đuổi, ngăn cấm. Tìm hiểu thì chị được biết đứa trẻ đã được thay tên đổi họ, làm lại khai sinh mới, đổi luôn cả tên của cha mẹ ruột, và chị chẳng còn chút gì liên quan đến đứa bé. Vừa thương con, vừa lo sợ mất con nên chị đưa đơn kiện, yêu cầu cha mẹ nuôi của đứa bé trả lại con cho chị.

Tại toà, mẹ nuôi của đứa trẻ cho rằng khi Tr. sinh con xong thì mang về nhà nội để trả, suốt bảy năm qua không ngó ngàng gì tới con, mà bà lại là người nuôi nấng chăm sóc và yêu thương đứa trẻ như con ruột. Bởi vậy bà không muốn giao trả đứa trẻ.

Toà đã tuyên giao trả cháu bé cho người mẹ bởi người mẹ đã chứng minh mình đủ điều kiện chăm sóc con.

Nghị lực của người mẹ

Bước chân ra khỏi phòng xử cùng luật sư, chị Tr. cho biết suốt bảy năm qua mẹ con chị đã không được ở bên nhau. Khi sinh con ra chị cũng muốn được chăm sóc và nuôi dưỡng con nhưng vì nghèo quá.

“Lúc ấy tôi nghĩ mình không đi làm thì còn không nuôi nổi mình, sao nuôi nổi con, nhà nội của cháu có điều kiện hơn, họ chăm cháu, làm sao cho cuộc sống của cháu tốt hơn là được” – chị Tr. nói.

Bảy năm qua, chị rời quê, chấp nhận xa con để vừa học vừa làm với mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống và cũng chuẩn bị cho ngày đón con về lại với mình.

“Nếu cha cháu vẫn ở Việt Nam và vẫn chăm sóc cho cháu tốt thì việc cháu ở với cha hay với mẹ đều không thành vấn đề. Nhưng khi cha cháu ra nước ngoài sinh sống không thể trực tiếp chăm con, mà tôi thì không được gặp con, tôi sợ rằng khi lớn lên cháu không còn biết đến người mẹ đã mang nặng đẻ đau và cũng chẳng còn tình cảm gì với mẹ ruột. Đó là điều không gì đau đớn hơn đối với một người mẹ” – chị Tr. nói.

Điều chị lo lắng là trong thời gian gần ba năm, chị không được tiếp xúc với con ruột của mình mà chỉ có thể nhìn thấy cháu từ xa nên tình cảm của bé dành cho mẹ chắc sẽ không được như trước. “Tôi đã chuẩn bị tất cả các thứ cho cháu, hi vọng cháu sẽ làm quen được với môi trường mới, nơi học mới và một cuộc sống mới. Máu mủ ruột rà chắc cháu sẽ chóng quen thôi”.

Luật sư của chị Tr. nói: “Việc chính quyền cấp xã đã tự ý thay giấy khai sinh, thay tên cha mẹ ruột cho cháu mà không hề có sự cho phép của cô ấy là không đúng, nhưng Tr. không khiếu nại về việc đó, cô ấy sẽ sửa lại khai sinh cho con để con được tiếp tục đi học”.

Về lý do để người mẹ đòi lại được quyền nuôi con ruột của mình, luật sư nói rằng suốt thời gian qua người mẹ này đã cần mẫn lao động, kiếm việc làm để có mức thu nhập ổn định, thậm chí chị cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ lập gia đình để chờ ngày được đón con về. “Nếu Tr. không có một công việc ổn định đảm bảo cuộc sống của hai mẹ con, hoặc người cha không đi nước ngoài thì sẽ rất khó cho Tr. nếu muốn được trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng con mình” – luật sư nói.

HOÀNG ĐIỆP