27/11/2024

Thế giới ít vị tha

Thế giới thời toàn cầu hóa dựa trên sự phát triển vượt bực của khoa học công nghệ từng gieo vào lòng người những hy vọng về một tương lai sung túc và hòa bình hơn. Đã từng có hy vọng rằng khoa học kỹ thuật sẽ đưa con người xích lại gần nhau hơn bao giờ hết để họ hiểu biết và cảm thông lẫn nhau. Cũng đã từng có hy vọng rằng công nghệ thông tin với mạng xã hội rộng khắp sẽ giúp thúc đẩy giá trị con người, rằng những cái xấu xa sẽ bị phơi bày ra ánh sáng và nhường chỗ cho sự văn minh, tiến bộ. Một thế giới mà học giả Fukuyama từng cho rằng lịch sử loài người đã chấm hết cho một giai đoạn dài xung đột các quan điểm chính trị xã hội khác biệt.

 

Thế giới ít vị tha

Thế kỷ 21 này cần lắm những tấm lòng vị tha của con người cho nhau để cùng tận hưởng cuộc sống loài người.

Thế giới thời toàn cầu hóa dựa trên sự phát triển vượt bực của khoa học công nghệ từng gieo vào lòng người những hy vọng về một tương lai sung túc và hòa bình hơn. Đã từng có hy vọng rằng khoa học kỹ thuật sẽ đưa con người xích lại gần nhau hơn bao giờ hết để họ hiểu biết và cảm thông lẫn nhau. Cũng đã từng có hy vọng rằng công nghệ thông tin với mạng xã hội rộng khắp sẽ giúp thúc đẩy giá trị con người, rằng những cái xấu xa sẽ bị phơi bày ra ánh sáng và nhường chỗ cho sự văn minh, tiến bộ. Một thế giới mà học giả Fukuyama từng cho rằng lịch sử loài người đã chấm hết cho một giai đoạn dài xung đột các quan điểm chính trị xã hội khác biệt.

Thế nhưng, thế giới những ngày qua đã phơi bày một thực tế rõ ràng rằng con người vẫn còn quá tham sân si với các quan điểm khác biệt để có thể sẵn sàng vị tha hơn với đồng loại của mình. Người ta co cụm lại và khóa mình vào trong các tư tưởng cực đoan hẹp hòi, dưới sự chi phối của thù hận và lợi ích riêng biệt.

Ở thế kỷ 21 rồi nhưng khả năng đối thoại và hiểu biết của con người vẫn chưa đẩy lùi được súng đạn và bạo lực. Cảnh tượng nhóm phiến quân hành quyết tù binh ở Syria lột tả sự tận cùng của dã man khi hận thù lên đến đỉnh điểm. Khói súng, bụi và máu pha trộn lẫn nhau trên các tấm ảnh của hãng tin AFP tưởng như chỉ có trong các trò chơi của thế giới ảo. Vậy mà nó lại diễn ra ngay trong thời gian và không gian thực của chúng ta.

Ở thế kỷ 21 rồi nhưng người ta chưa thể chừa ra cho nhau chút lòng vị tha, ngay cả trong hoàn cảnh mà các giá trị nhân văn phổ quát có điều kiện làm chất xúc tác. Cuộc khủng hoảng nhân đạo với sự ra đi của 298 sinh mạng con người trên chuyến bay MH17 vẫn không đủ độ thuyết phục các bên tham chiến ở Ukraine rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”, để họ có thể sắp xếp thời gian ngừng bắn đủ dài cho công tác nhân đạo tại hiện trường. Dường như người ta đã mất đi lòng tin cho nhau và dường như sự tôn trọng giá trị cuộc sống không còn vị trí ưu tiên trong tâm tư họ nữa.

Thế kỷ 21 tại dải Gaza là những cuộc nã pháo đẫm máu tới mức người ta cáo buộc nhau sử dụng tính mệnh thường dân, kể cả của phe mình, để tạo chứng cứ kết tội, đổ lỗi cho nhau. Là những cuộc giao tranh dữ dội ở Tripoli, Lybia. Thế giới những ngày qua là một chuỗi những sự kiện với điểm chung là các đồng loại của chúng ta vẫn không ngừng cãi vã và bắn giết lẫn nhau. Đến mức độ mà giáo hoàng Francis đã phải thốt lên bi thảm: “Tôi kêu gọi quý vị bằng tất cả tấm lòng của tôi, đã đến lúc dừng lại. Xin hãy dừng lại!”.

Khoa học kỹ thuật dù phát triển với tốc độ như vũ bão cũng khó có thể tìm ra phương thuốc hay máy móc nào đó giúp cho con người trau dồi lòng trắc ẩn, trở nên vị tha với nhau hơn. Mạng xã hội dù phủ rộng khắp, liên kết hàng tỉ tỉ người đã không giúp ích gì được cho các phe phái kết nối với nhau. Thay vào đó, nó truyền đi các bằng chứng về sự dã man và vị kỷ của phần con trong con người. Những hình ảnh tin tức bạo lực lan truyền khắp hành tinh, trớ trêu và nguy hại thay, lại có thể tạo ra cảm nhận sai lệch về sự phổ biến cũng như bình thường hóa sự tàn bạo trong thế giới hiện đại, làm chai sạn cảm giác của con người cho số phận của nhau.

Hãy lắng nghe những lời nói đầy xúc cảm của ngoại trưởng Hà Lan khi nhắc đến thi thể của những người đồng hương bị kẹt trong trò chơi chính trị của các bên. “Tôi đã không ngừng suy nghĩ tới sự khủng khiếp tới mức nào, về khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời của họ, khi họ biết máy bay đang lao xuống đất. Họ có được nắm tay những người thân yêu không? Họ có được ôm những đứa trẻ thật chặt trong lòng không? Họ có kịp trao nhau ánh mắt yêu thương hay đơn giản là nói một lời từ biệt vào thời khắc cuối cùng không?”.

Hãy nhìn những gì còn sót lại của MH17: một cuốn sách lữ hành có lẽ đang được đọc dở dang, hay một tấm hình em bé còn đang chập chững bước vào đời. Thế kỷ 21 này cần lắm những tấm lòng vị tha của con người cho nhau để cùng tận hưởng cuộc sống loài người, và để khi “nằm xuống nghe tiếng ru”, ta mãn nguyện vì đã không hững hờ với cuộc đời.