11/01/2025

Lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu

Khi sửa Luật lao động năm 2012, các nhà làm luật, làm chính sách đặt mục tiêu như một cam kết với người lao động và phấn đấu đến năm 2015 thực hiện cho được là lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu. Nhưng đến nay, tình hình cho thấy bước qua năm tới vẫn không thể đạt được yêu cầu tối thiểu này

 

Lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu

Trao đổi với Tuổi Trẻ xoay quanh việc đề xuất tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2015, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN ĐẶNG NGỌC TÙNG nói:

Mức lương tối thiểu áp dụng cho doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và chỉ số giá tiêu dùng của từng năm so với năm trước – Ảnh: Tiến Long – Đồ ho: Như Khanh

 

– Khi sửa Luật lao động năm 2012, các nhà làm luật, làm chính sách đặt mục tiêu như một cam kết với người lao động và phấn đấu đến năm 2015 thực hiện cho được là lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu. Nhưng đến nay, tình hình cho thấy bước qua năm tới vẫn không thể đạt được yêu cầu tối thiểu này, nghĩa là lương tối thiểu của người lao động chưa thể chạm được mức sống tối thiểu tương ứng với từng vùng.

Tổng liên đoàn Lao động VN đã giao trách nhiệm cho Viện Công nhân và công đoàn tiến hành một khảo sát độc lập về tình hình tiền lương và đời sống của công nhân lao động, nhằm xem xét thực tế khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu của nhóm dân cư này tương ứng với từng vùng như thế nào. Đáng buồn là kết quả khảo sát cho thấy tiền lương tối thiểu tương ứng với bốn vùng hiện đang áp dụng chỉ đạt từ 67% đến gần 70% mức sống tối thiểu.

Nếu bước sang năm 2015, chúng ta thực hiện được cam kết nói trên với công nhân lao động thì quá tốt, rất phấn khởi. Thực tế không thể thực hiện được với tình hình hiện nay, nghĩa là không thể đột ngột tăng lương tối thiểu 30-33% vào đầu năm 2015.

Nhưng không lẽ năm nào cũng cho anh em công nhân ăn bánh vẽ, cứ nói hoài lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu mà trên thực tế không thực hiện được. Do vậy, Tổng liên đoàn Lao động VN kiến nghị với các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia cần thống nhất với nhau một lộ trình để thực hiện cam kết này với người lao động.

Theo đó, thời điểm có thể chấp nhận được, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, lợi ích chung của đất nước, được nhiều ý kiến đồng tình là lấy mốc năm 2017 mức lương tối thiểu của người lao động ở khu vực doanh nghiệp phải đạt mức sống tối thiểu.

* Ông nói Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất lộ trình ba năm nữa để thực hiện cam kết lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu, nghĩa là năm nào cũng sẽ tăng lương tối thiểu…

– Đúng là phải làm như thế thì mới đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện đúng quy định của Luật lao động, lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu của người lao động.

Từ kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn của chúng tôi và tính toán của Tổng liên đoàn Lao động VN thấy rằng để đạt mục tiêu này, bước sang năm 2015 lương tối thiểu phải tăng thêm 23% so với mức đang áp dụng, cụ thể là mức cao nhất (vùng 1) phải là 3,4 triệu đồng/tháng và thấp nhất (vùng 4) phải là 2,3 triệu đồng/tháng.

Đề xuất tăng lương tối thiểu với mức nói trên của chúng tôi đã được tranh luận rất quyết liệt tại cuộc họp mới đây của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Tại cuộc họp này, phía đại diện của giới chủ đề xuất lương tối thiểu năm 2015 so với năm 2014 chỉ nên tăng 11%. Nhưng chúng tôi thấy rằng lấy tỉ lệ tăng này trừ đi trượt giá dự tính của năm nay thì không biết đến năm nào lương tối thiểu mới bằng mức sống tối thiểu.

Từ tính toán này, Tổng liên đoàn Lao động VN không thống nhất với ý kiến của phía đại diện cho giới chủ.

* Vậy đâu là điểm dung hòa có thể chấp nhận được?

 

Ông Đặng Ngọc Tùng – Ảnh: Việt Dũng

 

– Tiền lương tối thiểu hiện nay thấp hơn mức sống tối thiểu từ 30-33%. Muốn đến năm 2017 lương tối thiểu đạt mức sống tối thiểu thì mỗi năm phải tăng 10-11%, cộng với trượt giá trong năm (khoảng 8%).

Như vậy, mức lương tối thiểu mà tại đó sẽ dung hòa được quyền lợi của người lao động với người sử dụng lao động và bảo đảm sự ổn định, phát triển kinh tế bền vững cho đất nước là 19-20%.

Chúng tôi đã nói thẳng, nói thật với các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia rằng đây là những người lao động làm công hưởng lương thuần túy, ngoài tiền lương ra, họ không có khoản thu nhập thêm đáng kể nào khác.

Chúng tôi đề nghị những nhà làm chính sách, có vai trò quyết định hãy đặt mình vào vị trí của người lao động để xem xét tiền lương tối thiểu đã hợp lý hay chưa, ở mức nào là phù hợp.

Tất cả ông chủ trong cả nước đều hiểu rằng người lao động đang phục vụ họ không thể sống được với mức lương tối thiểu hiện nay, không công nhân nào làm việc cho họ với mức lương tối thiểu, họ phải trả cao hơn nhiều dưới hình thức phụ cấp chuyên cần, phụ cấp xăng, phụ cấp nhà… mà thực chất là lương.

* Nếu cả xã hội lo lắng khoảng cách giàu nghèo đang có dấu hiệu ngày càng giãn ra, so với các giai tầng khác trong xã hội thì đời sống của người công nhân đang ở mức nào?

– Chúng tôi mong muốn những nhà làm luật, làm chính sách hãy đến với công nhân ở các khu chế xuất và khu công nghiệp, thấy cuộc sống thực của họ thì tôi tin rằng các vị sẽ hiểu được sâu sắc hơn những bất công về mức lương.

* Ông nghĩ sao về lập luận chi phí tiền lương thấp (hay lợi thế lao động giá rẻ) là điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới…

– Tôi thấy lập luận này không thực tế vì có nhiều nhà đầu tư cùng kinh doanh trong một ngành nghề, một lĩnh vực nhưng họ đảm bảo thu nhập, phúc lợi của người lao động rất tốt và rất ổn định, trong khi những nhà đầu tư khác trong nhóm lại vi phạm chế độ chính sách đối với người lao động…

Tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nếu không muốn nói vẫn còn một bộ phận trong bộ máy này thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm, kể cả vô cảm…

Tình trạng này vô hình trung để tồn tại trong xã hội một thực tế đầy nghịch lý, bất công là có một bộ phận vi phạm pháp luật lại có lợi hơn những người chấp hành nghiêm pháp luật; nhất là chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, tước đoạt quyền bảo hiểm xã hội của người lao động.

Đó cũng là một trong những tồn tại đã và đang tiếp tục gặm nhấm niềm tin của xã hội.

QUỐC THANH thực hiện

 

 

Lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu căn bản

 

Theo ông Củ Phát Nghiệp – chủ tịch công đoàn Công ty Pou Yuen (Q.Bình Tân, TP.HCM), mức lương tối thiểu 2,7 triệu đồng áp dụng cho khu vực 1 hiện nay là quá thấp, tăng lên 3,4 triệu đồng vẫn còn thấp.

Đặc biệt là đối với lao động ngoại tỉnh, mức tăng như vậy mới chỉ gọi là cải thiện thêm đời sống chứ chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống căn bản.

Theo những thống kê xã hội, để một người bình thường sống được ở TP.HCM thì thu nhập tối thiểu phải khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Công ty Pou Yuen hiện có khoảng 83.000 người lao động với mức thu nhập thấp nhất khoảng 4,2 triệu đồng, thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu, cao hơn lương tối thiểu.

Nhưng làm một phép tính đơn giản: ăn sáng đủ chất tối thiểu 600.000 đồng/tháng, cơm trưa công ty lo, ăn tối khoảng 1 triệu đồng/tháng, nhà trọ 1 triệu đồng/tháng, tổng cộng là 2,6 triệu đồng. Ngoài ra còn các khoản để nuôi con, về quê, cưới hỏi và cả những chi tiêu khó tính đến.

Việc tăng lương tối thiểu là cần thiết, tuy nhiên nếu điều chỉnh lên cao nhanh quá thì doanh nghiệp không chịu nổi. Bởi việc tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo tăng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ngay cả mức tăng từ 2,7 triệu lên 3,4 triệu đồng thì nhiều doanh nghiệp đã không chịu nổi.

Ông Trần Minh Phụng – chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí Thủ Đức – cũng cho rằng mức lương tối thiểu tăng lên 3,4 triệu đồng là vẫn còn thấp. Mức lương của một người phải đủ nuôi một người nữa, nhưng mức này thậm chí còn không đủ để nuôi bản thân.

Hiện công ty áp dụng thỏa ước lao động tập thể ngành may, mức lương thấp nhất của người lao động được quy định là 3.150.000 đồng (lương tối thiểu 2,7 triệu đồng nhân với 1,15), thu nhập trung bình từ 4,7-4,8 triệu đồng/tháng.

VŨ THỦY