09/01/2025

WHO hướng dẫn cách phòng bệnh Ebola

Các quốc gia Tây Phi đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử, lo ngại căn bệnh dịch gây sốt, xuất huyết này có thể tràn qua biên giới và lây lan cho nhiều quốc gia khác. Trước tình hình này, theo AFP, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra một số hướng dẫn về cách mọi người tự bảo vệ mình.

WHO hướng dẫn cách phòng bệnh Ebola

Các quốc gia Tây Phi đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử, lo ngại căn bệnh dịch gây sốt, xuất huyết này có thể tràn qua biên giới và lây lan cho nhiều quốc gia khác.

Đội ngũ của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới chuẩn bị mang thức ăn cho các bệnh nhân bị cách ly tại trung tâm điều trị ở Kailahun (Sierra Leone) – Ảnh: Reuters 

Hôm qua, một hội nghị cấp vùng đã được tổ chức tại Conakry (Guinea) với mục tiêu huy động 100 triệu USD cho kế hoạch ngăn chặn Ebola.

Trước tình hình này, theo AFP, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra một số hướng dẫn về cách mọi người tự bảo vệ mình.

Theo đó, mọi người phải theo dõi các triệu chứng khi mắc bệnh. Các triệu chứng của Ebola bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ và khớp, suy nhược, tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày, biếng ăn và trong một số trường hợp có thể dẫn đến xuất huyết. “Ebola không lây nhiễm cho đến khi các triệu chứng này xuất hiện” – ông Stephan Monroe, phó giám đốc Trung tâm quốc gia về bệnh dịch và bệnh truyền nhiễm từ động vật thuộc CDC, chia sẻ.

Do đó chúng ta cần tránh tiếp xúc với chất dịch tiết ra từ cơ thể người mắc bệnh như chất nhầy, nước bọt, tinh dịch, nôn mửa, mồ hôi hoặc máu vì virút Ebola dễ lây lan qua chất dịch cơ thể. “Hầu hết người bị lây nhiễm Ebola là những người sống cùng, chăm sóc người mắc bệnh và đang xuất hiện các triệu chứng của bệnh” – ông Monroe nhận định.

Ngoài ra, WHO cũng cảnh báo những người đàn ông đã khỏi bệnh Ebola vẫn có khả năng lây bệnh trong bảy tuần sau đó qua tinh dịch của họ. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần tránh tiếp xúc với thi thể bệnh nhân nhiễm Ebola. WHO khuyến cáo đối với thi thể người bệnh, cách tốt nhất và an toàn nhất là hỏa thiêu. Trong khi đó CDC khuyến cáo cần cách ly theo dõi ngay những trường hợp bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Đối với nhân viên y tế, hai tổ chức trên kiến nghị nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như mang khẩu trang, găng tay và áo dài tay để bảo vệ bản thân khi điều trị cho bệnh nhân.

Đặc biệt, chúng ta cần tránh ăn thịt tái hoặc sống bởi Ebola có thể lây nhiễm sang người từ máu, nội tạng hay chất dịch của các loài động vật nhiễm virút này. Thời gian ủ bệnh của Ebola kéo dài 21 ngày và đến nay vẫn chưa có văcxin ngừa Ebola cho người hay động vật.

ANH THƯ