29/12/2024

Củi khóc

Người lớn lo làm ăn xa, sợi dây liên kết giữa những bậc sinh thành và con cái cũng vì thế trở nên lỏng lẻo. Những đứa trẻ bị “bỏ quên” ấy cứ từng bước, từng bước tiến về phía vùng tối mà không hề hay biết. Cái kết đau lòng đến như một sự tất yếu.

 

Củi khóc

Người lớn lo làm ăn xa, sợi dây liên kết giữa những bậc sinh thành và con cái cũng vì thế trở nên lỏng lẻo. Những đứa trẻ bị “bỏ quên” ấy cứ từng bước, từng bước tiến về phía vùng tối mà không hề hay biết. Cái kết đau lòng đến như một sự tất yếu.

Gần 7g sáng, bị cáo được dẫn đến trước vành móng ngựa. Mặc lên mình chiếc áo sơ mi cũ nhăn nhúm, bị cáo rụt rè trả lời tuần tự những câu hỏi của chủ toạ.

Thỉnh thoảng bị cáo lại quay về phía cha mẹ của mình nhìn thật lâu rồi nhoẻn miệng cười. Có thể dễ dàng thấy đôi lúm đồng tiền hiện rõ trên gương mặt còn non nớt ở cái tuổi 17.

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng nụ cười là một đường cong làm cho mọi thứ trở nên thẳng, và hôm nay tôi đã thấy nụ cười có thể làm mọi trách phiền từ mẹ cha, nếu có, được hóa giải.

Những đứa trẻ bị “bỏ quên”

Phiên toà có đôi phần khác thường khi không có người nào của bên bị hại đến dự. Trong khi đó gia đình bị cáo đan chặt tay vào nhau trong giây phút nghe toà tuyên án. Liệu có chút hi vọng nào không?

TAND tỉnh Tiền Giang đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “hiếp dâm trẻ em”. Theo cáo trạng, N.L.H.A. (17 tuổi) quen biết với em K.M. (12 tuổi), cùng trú thị trấn Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang. Khoảng 23g ngày 11-6 A. rủ M. đi chơi, cả hai cùng vào khách sạn tại huyện Châu Thành.

Tại đây A. đã giao cấu với M. một lần. Chưa dừng lại, ngày 17-6 A. tiếp tục rủ M. đi chơi và được M. đồng ý. A. tiếp tục thực hiện hành vi giao cấu với M. hai lần tại một khách sạn ở xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho.

Do thấy M. đi chơi không về nhà nên gia đình đi tìm, đến khoảng 12g ngày 18-6 thì gặp M. và em đã kể lại toàn bộ sự việc cho gia đình biết. Sáng hôm sau cha của M. gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Mỹ Tho tố cáo việc M. bị A. hiếp dâm.

Khi chủ toạ phiên toà hỏi: “Bị cáo và M. quen nhau lâu chưa, bị cáo có biết lúc quan hệ M. mới 12 tuổi ba tháng không?”, A. trả lời một cách ngây ngô: “Bị cáo không biết M. sinh năm nào, nhìn M. “lớn” nên bị cáo đoán khoảng 17, 18 tuổi”.

Chủ toạ tiếp tục truy vấn: “M. bao nhiêu tuổi, học lớp mấy bị cáo không biết, bị cáo nói yêu M. mà không tìm hiểu, không biết rõ về nhau thì sao gọi là yêu”, đáp lại chỉ là cái cúi đầu im lặng từ phía bị cáo A..

Tiếp đó khi trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát: “Bị cáo có phân biệt được tuổi thành niên và tuổi vị thành niên không? Bị cáo 17 tuổi là thành niên hay chưa thành niên?”, A. vò đầu suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Tuổi bị cáo là tuổi thành niên” (!).

Được toà hỏi về cách giáo dục con cái, bà Lương Thị Tuyết Phượng, mẹ bị cáo A., rưng rưng nước mắt kể: “Tui từng nói với nó đời này cha mẹ khổ lắm rồi, con lo mà ăn học đàng hoàng nhưng nó không nghe, nhất quyết đòi nghỉ học từ năm lớp 3”.

Đưa tay vào túi áo lấy chiếc khăn mùi xoa cũ kỹ lau vội nước mắt, mẹ bị cáo giãi bày: “Nhà nghèo, ảnh phải đi làm thuê cuốc mướn cho người ta, tui thì làm công nhân khu công nghiệp. Chiều về mệt quá nên ngủ sớm, không có thời gian chăm sóc cho con. Hằng ngày cho nó vài chục ngàn, tưởng thế là đủ, nào có ai ngờ… Lỗi này tất cả là do tui”.

“Mỗi ngày anh chị dành cho con cái được mấy phút? Giây phút vui vẻ, êm ấm giữa những thành viên trong gia đình sau bữa cơm chiều không thể tính bằng tiền chị à”, chủ toạ hỏi. Như bị xát muối vào nỗi đau, mẹ bị cáo ôm mặt khóc nức nở.

Rất nhiều nước mắt

Toà nghị án khá lâu, vẫn không người nào trong gia đình A. rời khỏi chỗ. A. quay ra phía sau, dúi vào tay cha mẹ vật lưu niệm mà cậu đã tự tay làm trong thời gian bị tạm giam.

Đó là một chiếc móc khóa dễ thương màu hồng được kết từ những cọng len nhỏ, bên trong là chữ A. được làm một cách tỉ mỉ và không kém phần đẹp mắt.

Nãy giờ ngồi im suốt phiên xét xử, nhìn thấy chiếc móc khóa của con, người cha bật khóc. Tiếng khóc lại càng vang hơn sau khi toà tuyên án A. 10 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em.

Trước đó, khi nói lời cuối cùng trước toà, A. bộc bạch: “Thật sự trước đây bị cáo không biết rằng làm như vậy là sai pháp luật. Giờ bị cáo chỉ mong ra tù sớm để phụ giúp cha mẹ. Con xin lỗi vì đã làm cha mẹ phải khổ”.

Nước mắt lần thứ hai chảy dài trên gương mặt non choẹt tuổi 17 của A., sau cái lần toà hỏi: “Bị cáo có bao giờ nghĩ cho cha mẹ bị cáo không?”.

A. bị giải ra xe bít bùng. “Mấy anh ơi, cho thằng cháu nội của tui hút một điếu thuốc được không?”. Khi được cho phép, người ông nhanh nhảu rút điếu thuốc đã chuẩn bị từ trước châm lửa rồi run run đưa cho thằng cháu A. Khói thuốc loang ra, khét cả một góc sân toà.

Chúng tôi tìm đến gia đình bị hại M.. Trời vần vũ mây đen rồi trút mưa vội vã. Người cha tranh thủ đem mấy thanh củi ngoài sân vào nhà.

Nhấp ngụm trà nóng, cha M. tâm sự: “Thấy hai đứa quen nhau tui cũng ngăn cản. Bữa đó biết sự việc, bức xúc quá nên tui viết đơn tố cáo thằng A.. Giờ nghĩ lại thấy cũng chẳng được ích lợi gì, còn làm nó và gia đình nó khổ. Lỡ rồi, biết phải làm sao?”.

Nghe có tiếng người lạ, bà nội của M. bước ra đon đả tiếp chuyện: “M. sống với bà cả cấp I, ngày xưa nó ngoan lắm. Lên cấp II thì…”.

Bỏ lửng câu chuyện, bà nội của M. thở dài rồi nhìn về phía con trai. “Má tui trách tui với bà xã đi làm biền biệt không có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái” – cha M. phân trần.

Một chút trầm ngâm, ông kể tiếp: “Ngày thằng A. còn bé, tui với cha nó thân nhau lắm. Những lúc thiếu gạo vẫn hay san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Thiếu thốn vật chất nhưng ấm lòng tình xóm giềng. Hôm qua ảnh gọi điện nói như trách “thằng A. đi tù 10 năm rồi!” mà tui thấy mủi lòng quá. Cha mẹ nào mà chẳng thương con”.

Trời tạnh mưa. Người cha lại mang đống củi trong nhà ra sân phơi. Trong đám củi ấy không bị dính mưa mà lại lốm đốm những chỗ ướt nhoè. “Củi khóc!”.

THÀNH NHƠN