09/01/2025

Sống sót sau 103 giờ bị vùi trong kho lạnh

Anh Mai Thanh Sang bị vùi lấp khoảng 103 giờ trong kho đông lạnh, nhiệt độ có lúc âm 220C nhưng vẫn sống sót diệu kỳ. Hơn bốn ngày đêm bị vùi lấp, anh Sang không ăn uống gì.

Sống sót sau 103 giờ bị vùi trong kho lạnh

Anh Mai Thanh Sang bị vùi lấp khoảng 103 giờ trong kho đông lạnh, nhiệt độ có lúc âm 220C nhưng vẫn sống sót diệu kỳ. Hơn bốn ngày đêm bị vùi lấp, anh Sang không ăn uống gì.

Anh Mai Thanh Sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Đồng Tháp - Ảnh: Thanh Tú 

Lúc nhập viện, huyết áp anh rất thấp, hai chân bầm do phỏng lạnh… nhưng anh đã qua cơn nguy kịch.

Điều kỳ diệu

Như Tuổi Trẻ thông tin, chiều 19-7 một số công nhân cùng phương tiện xe nâng đang làm việc tại kho đông lạnh của Công ty cổ phần Vạn Ý, Cụm công nghiệp Bình Thành, tỉnh Đồng Tháp. Lúc các kiện hàng đổ ập xuống, hầu hết công nhân kịp chạy thoát theo đường thoát hiểm, chỉ còn hai công nhân bị kẹt trong đống hàng đổ ngã. Qua tìm kiếm, lực lượng chức năng chỉ tìm được anh Tiêu Văn Túp (46 tuổi). Hiện anh Túp đã hồi phục sức khỏe. Mãi đến rạng sáng 24-7, lực lượng cứu hộ mới tìm được anh Sang.

 

“Mấy ngày qua, gia đình chỉ mong tìm được thi thể con. Nhưng Sang còn vợ, còn con mới hơn 1 tháng tuổi, tôi tin Sang không thể ra đi được. Trời đất đã phù hộ Sang và gia đình tôi, cảm ơn trời đất đã phù hộ để Sang còn sống và về với gia đình”

Bà Nguyễn Thị Tú (mẹ của Mai Thanh Sang)

 

Trưa 24-7, còn khá yếu và đang được điều trị tích cực ở phòng hồi sức cấp cứu, anh Sang (23 tuổi, công nhân Công ty cổ phần Vạn Ý) thều thào nói ngắt quãng: “Thấy hàng đổ ngã, chạy ngược ra cổng, hàng đổ ngược vô nên chạy trở vô…”, rồi nước mắt anh chảy ra nơi khóe mắt.

Thấy vậy, anh Nguyễn Văn Tài – trưởng phòng tổ chức Công ty cổ phần Vạn Ý, người túc trực chăm sóc anh Sang từ khi nhập viện – tiếp chuyện và thuật lại những lời kể của anh Sang sau giờ phút được cứu sống: “Sang nói sau hai ngày bị vùi lấp, anh nhiều lần nghe lực lượng cứu hộ kêu mình nhưng do bị kẹt dưới đống hàng nên anh lên tiếng mà không ai nghe. Lúc đó chân phải Sang bị kiện hàng đè, chân trái tê cóng. Tay trái cũng bị kiện hàng đè. Chỉ còn tay phải động đậy. Trong đêm thứ hai do quá khát nước, Sang xé bịch cá để uống nước nhưng quá tanh không uống được, thậm chí bị ói nên Sang không uống nữa. Suốt bốn đêm bị vùi lấp, Sang ngất đi tỉnh lại nhiều lần”.

Rạng sáng 24-7, khi đang làm việc thì lực lượng cứu hộ nghe tiếng kêu cứu nhỏ, ngay lập tức họ dỡ đống hàng đổ nát ra và bất ngờ thấy anh Sang còn sống. Ngay sau đó anh Sang được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Đồng Tháp.

Theo bác sĩ Tạ Tùng Lâm – giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Đồng Tháp, dù sức khỏe anh Mai Thanh Sang lúc nhập viện hơi yếu, huyết áp tụt thấp, hai chân bầm do phỏng lạnh… nhưng nhìn chung đã qua cơn nguy kịch. Anh Sang đã nói được và nhận biết được người quen. Sau buổi hội chẩn chiều 24-7, bác sĩ Châu Minh Đức, phó giám đốc bệnh viện, cho biết sinh niệu anh Sang ổn định, mạch huyết áp ổn. Tuy nhiên men gan hơi cao, rối loạn điện giải. Hai bàn chân phỏng lạnh bị tím, nhất là ở các ngón chân, nên cần theo dõi hoại tử. Theo nguyện vọng của gia đình, anh Sang được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chiều cùng ngày để điều trị.

Gần 2.000 lượt tìm kiếm

Thiếu tá Nguyễn Văn Vàng – cán bộ Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Đồng Tháp, người túc trực tìm kiếm trong mấy ngày qua – cho biết lúc phát hiện anh Sang, thấy anh có mặc áo bảo hộ chống lạnh cùng đội mũ bảo hộ. “Anh em làm nhiệm vụ như chúng tôi hai giờ là chạy ra ngoài vì không chịu lạnh nổi. Vậy mà anh Sang vẫn sống được trong chừng đó thời gian là quá kỳ diệu” – ông Vàng nói.

Ông Trần Văn Hân, phó giám đốc Công ty cổ phần Vạn Ý, cũng cho biết khi có sự cố, trong kho lạnh (diện tích 3.000m²) đang chứa 6.000 palette thùng hàng cá tra philê thành phẩm, tổng giá trị khoảng 180 tỉ đồng. Nhiệt độ tại thời điểm xảy ra sự cố là âm 22oC. Dù công ty đã chủ động tắt hệ thống lạnh, mở cửa kho để ưu tiên cứu công nhân nhưng nhiệt độ giảm cũng rất chậm. Sau hơn bốn ngày tìm kiếm mới phát hiện được công nhân Sang, khi đó nhiệt độ trong kho mới ở mức 5oC.

Cũng theo ông Hân, khi sự cố xảy ra, công ty đã huy động liên tục mỗi ngày 200-300 công nhân cùng khoảng 120-150 cán bộ chiến sĩ Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, lực lượng quân đội, dân quân… vừa bốc hàng ra vừa tìm kiếm nạn nhân còn lại. Tính ra có khoảng 2.000 lượt người tham gia tìm kiếm và chuyển hàng. “Do anh Sang được phân công nhiệm vụ lái xe nâng nên mọi công tác tìm kiếm đều tập trung vào xung quanh vị trí chiếc xe nâng. Tuy nhiên, vị trí khi lực lượng cứu hộ phát hiện anh Sang lại cách xe nâng đến 50m, điều chẳng ai ngờ” – ông Hân nói.

THANH TÚ

 

 

Trở về từ nơi lạnh giá

Thế giới từng ghi nhận một số ca sống sót diệu kỳ khi nạn nhân phải chống chọi với lạnh giá, đói rét. Điển hình như trong tai nạn máy bay đâm vào ngọn núi thuộc dãy Andes ngày 13-10-1972, hai tuyển thủ trẻ của đội bóng bầu dục Uruguay là Nando Parrado và Roberto Canessa đã vượt qua dãy Andes ở độ cao 3.600m trong thời tiết lạnh giá, chống chọi với việc hạ thân nhiệt trong vùng núi tuyết và thiếu thức ăn. Mười ngày vượt núi với một ít thức ăn và uống nước tuyết tan, họ được một người Chile sống dưới chân núi giúp đỡ liên hệ hỗ trợ với nhà chức trách. Năm 1985, Joe Simpson và Simon Yates đã gặp tai nạn khi rơi ở độ cao 6.400m trên đỉnh núi Siula Grande đầy tuyết tại Peru và họ đã sống sót sau vài ngày tìm đường về nơi cắm trại.

ANH THƯ

 

 

 

Phỏng lạnh rất hiếm gặp

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết nhiều năm qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy chưa từng tiếp nhận điều trị ca phỏng lạnh nào. Phỏng lạnh thường xảy ra ở xứ lạnh có nhiệt độ từ 00C trở xuống do tiếp xúc với không khí lạnh kéo dài và không che hết phần cơ thể, còn tại nước ta phỏng lạnh rất hiếm gặp. Những người có nguy cơ bị phỏng lạnh ở nước ta thường làm trong hầm đông đá, nơi làm đông hải sản… Nhiệt độ gây phỏng lạnh thường từ 00C trở xuống. Tuy nhiên có một số quan điểm cho rằng ở trong môi trường ẩm ướt, nhiệt độ từ 1-40C kéo dài cũng gây ra phỏng lạnh. Phỏng lạnh thường gây hạ thân nhiệt và làm chết tế bào.

THÙY DƯƠNG