09/01/2025

Đuổi học thì quá dễ!

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, nếm trải bao nhiêu niềm vui, niềm tự hào với nghề nhưng lòng tôi vẫn trắc ẩn về trường hợp các học sinh cá biệt. Làm sao để các em không bỏ cuộc, không gục ngã là câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm can tôi…

Đuổi học thì quá dễ!

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, nếm trải bao nhiêu niềm vui, niềm tự hào với nghề nhưng lòng tôi vẫn trắc ẩn về trường hợp các học sinh cá biệt. Làm sao để các em không bỏ cuộc, không gục ngã là câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm can tôi…

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

LTS: Nhiều bạn đọc là giáo viên đã gửi thư về Tuổi Trẻ chia sẻ câu chuyện dạy học sinh cá biệt như thế nào. Từ số báo này, Tuổi Trẻ xin giới thiệu những bài viết quanh chủ đề này và mong đón nhận phản hồi từ bạn đọc.

>> Cần nâng tầm nhìn về sự nghiệp trồng người
>> Dạy “học sinh cá biệt”

 

Tôi dạy toán và chủ nhiệm một lớp từ năm lớp 6 đến lớp 9. Thanh luôn là học sinh chăm ngoan, học giỏi. Tôi nhớ em vì hồi lớp 6 em làm lớp trưởng, rất gương mẫu lại đảm nhận việc dạy kèm cho mấy bạn học yếu trong lớp. Sau đó tôi được đề bạt lên làm hiệu phó, không còn làm công tác chủ nhiệm nữa, ít gần gũi với học trò hơn.

Vậy mà nay, ngồi trước mặt tôi cậu học sinh xuất sắc ngày nào trở thành học trò “cá biệt”. Cô giáo chủ nhiệm hiện tại của em cho biết: “Em ấy là thành phần bất hảo của lớp, cách nào cũng không sao uốn nắn được”. Tôi giật mình: “Thanh trước học lớp tôi là học sinh giỏi toàn diện cơ mà”. Từng đưa đoàn học sinh đi thi học sinh giỏi cấp quận, rồi thành phố, thế nên nay khi nhìn bộ dạng em thất thểu, bị liệt vào danh sách học sinh cá biệt của trường, tôi thấy nhói lòng.

Mẹ Thanh nước mắt ngắn dài: “Cũng tại chúng tôi cô ạ. Nếu vợ chồng tôi không ly hôn thì cháu đâu có ra nông nỗi này”. Rồi vị phụ huynh này kể lể về cuộc sống của cậu con trai sau khi gia đình tan vỡ. Thanh vẫn ngồi yên, mặt không lộ cảm xúc.

Ba mẹ ly hôn, em ở với mẹ nhưng vì mẹ bận rộn nên em chủ yếu phải thui thủi một mình trong căn nhà ba em để lại. Khi mẹ đi bước nữa với người đàn ông khác, em trở nên cứng đầu, không còn chú tâm vào bài vở nữa. Thầy cô giáo bộ môn thường xuyên phản ảnh em “bùng” tiết đi chơi, cãi lời thầy cô nhem nhẻm. Nhìn bảng thành tích học tập hiện tại của em, tôi thấy tiếc nuối cho thời em đang còn mái ấm hạnh phúc, em luôn là niềm tự hào của lớp, nhất là em từng đem giải nhất môn toán toàn thành phố về cho trường.

Một đồng nghiệp rút ra kinh nghiệm: “Trong số hơn chục em học sinh cá biệt của trường mình có đến hơn nửa có gia đình phức tạp như cha mẹ ly hôn, con cái bị bỏ bê, không được quan tâm, dạy dỗ đúng mực. Phần còn lại là do cha mẹ quá nuông chiều nên đổ đốn”.

Tôi nén tiếng thở dài, trộm nghĩ nếu em còn mái ấm hạnh phúc chắc có lẽ tôi đã không có buổi “làm việc” căng thẳng với em như hôm nay. Sau khi trao đổi qua lại, cô giáo chủ nhiệm xin ý kiến tôi có thể cho em tiếp tục theo học hay không khi mà em tỏ ra bất cần, nhất là gần đây nhất em to tiếng lại với một thầy giáo bộ môn. Em thuộc diện bị đuổi học vì đã vi phạm quá nhiều nội quy của trường lớp, đánh bạn ngay trong giờ học, lên Facebook nói xấu thầy cô, bạn bè, bỏ học liên miên, không thuộc bài cũ, cãi lời thầy cô giáo… Nhưng ánh mắt còn vương chút ngây thơ của em cùng đôi mắt đỏ hoe của mẹ em khiến tôi mủi lòng.

Tôi quay ra nói với cô giáo chủ nhiệm của em: “Hãy cho em ấy một cơ hội”. Đôi mắt em tự nhiên rưng rưng. Tôi nhìn em, một chút cảm thông hiển hiện. Tôi lại nhìn mẹ em, tay mẹ em run run, miệng ấp úng không rõ lời: “Trăm sự nhờ các cô, bây giờ nhà trường đuổi cháu chắc tôi chết”.

Tôi biết không ít học trò cũng là nạn nhân bất đắc dĩ khi gia đình “tan đàn xẻ nghé”, thiếu tình thương của cha mẹ. Vượt qua được cú sốc này không phải là điều dễ dàng, khi mà sau đó các em cảm thấy lẻ loi, bị bỏ rơi, ngoài rìa cuộc sống của cha mẹ.

Nhưng trường hợp của Thanh, từ cậu học trò từng ngoan, giỏi trở thành “cá biệt” là điều khá đáng tiếc. Đuổi học em thì quá dễ, mà như nhiều người nói rằng sẽ nhẹ gánh vì trường sẽ bớt đi một học sinh cá biệt, nhưng rồi tương lai của em sẽ về đâu khi gia đình ít quan tâm, giờ nhà trường cũng quay lưng, từ chối em?

NGUYỆT HẢI