09/01/2025

Nỗi đau trong “ngôi nhà cười”

Để chăm lo cho năm đứa con bị bệnh, vợ chồng ông Tư Minh đã thay nhau một người ở nhà canh giữ, người kia đi hái rau, bắt cá làm thức ăn. Sau hàng chục năm vất vả, sức khoẻ vợ chồng ông Tư Minh bị vắt kiệt dần, trong khi sức ăn của năm anh con trai lực lưỡng cứ tăng dần.

 

Nỗi đau trong “ngôi nhà cười”

“Nghe ai nói chuyện lớn tiếng tụi nó rất dễ nổi khùng dù không hiểu người ta nói gì. Chú em vào nhà ấy phải tỏ ra thân thiện, cười thật nhiều vô, chả có chuyện gì vui cũng… cứ cười, không thì coi chừng tụi nó đánh à nghe!”.
Vợ chồng ông Tư Minh ăn cơm cùng bốn người con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam – Ảnh: Tấn Đức

 

Ông chủ vựa tràm ở đầu kênh Năm Dương (ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) dặn dò kỹ lưỡng khi chúng tôi hỏi nhà ông Tư Minh (Nguyễn Văn Minh), một cựu chiến binh có tới năm người con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Năm anh em – một cảnh đời

 

“Sau hàng chục năm vất vả, sức khoẻ vợ chồng ông Tư Minh bị vắt kiệt dần, trong khi sức ăn của năm anh con trai lực lưỡng cứ tăng dần. Đầu năm 2014, tới lượt ông Tư Minh lên cơn động kinh. Qua mấy ngày nóng lạnh, co giật, ông lại rơi vào trạng thái lơ mơ không nhớ nổi tên mình”

 

Nhìn bên ngoài, căn nhà ông Tư Minh khá khang trang. Nhà trên (phía trước) lợp tôn, vách tường trông tươm tất. Nhưng khi bước vào, khách mới giật mình nhận ra căn nhà trống hoác, ngoài chiếc tủ thờ cũ, trên có bát hương và tấm biển bằng nhựa ghi mấy dòng chữ “nhà tình thương”. Phía sau là căn nhà xập xệ, cột kèo nứt toác, tưởng như sắp sập tới nơi (có lẽ là nhà cũ trước khi gia chủ được tặng nhà tình thương) được tận dụng làm căn bếp.

Nhớ lời dặn của ông chủ vựa tràm, chúng tôi đã cố gọi thật nhỏ nhưng không biết từ đâu, bốn thanh niên lực lưỡng tuổi đời trên dưới 30 đã ùa ra, gương mặt người nào cũng nghềnh nghệch. “Bốn anh em nó đứa nào cũng ngây ngây dại dại vậy đó. Còn một thằng nữa “điên” hơn mấy đứa này, nó đánh tôi dữ quá nên đã gửi người cô bên xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) nuôi giữ giùm” – bà Nguyễn Thị Nương, vợ ông Tư Minh, nói.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện với vợ chồng ông Tư Minh, bốn thanh niên lực lưỡng cứ vây quanh. Anh con đầu Nguyễn Văn Tính (32 tuổi) hết vuốt ve lại nắn tay, nắn chân cậu em Nguyễn Văn Toán (30 tuổi), ú ớ nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ của người điên, rồi phá lên cười khùng khục. Một người em của Toán là Nguyễn Văn Nhất (26 tuổi) ngồi mép ngoài, giương ánh mắt tròn vo, hết nhìn chúng tôi lại ngửa mặt lên trần nhà cười hềnh hệch. Trong khi cậu em Nguyễn Văn Thật (24 tuổi) sà vào lòng mẹ như đứa trẻ lên ba, đăm đăm nhìn khách lạ. “Mấy bữa nay trời mưa, tụi nó cũng hiền, chứ gặp khi trời nóng bức mấy đứa hay điên lắm, hết đập phá ly chén, lu tủ trong nhà lại xé quần áo rồi đi tồng ngồng ngoài đường hoặc ngồi lì cả ngày bên gốc bạch đàn sau nhà, mặc kệ nắng mưa” – bà Nương kể.

Bà Út Giàu, hàng xóm của ông Tư Minh, thấy có khách lạ thì sang chơi, góp thêm câu chuyện: “Mấy tháng trước bên nhà tôi có khách tới chơi, nói chuyện rôm rả, vậy mà anh em thằng Tính nghe được chạy qua, “chửi” hội đồng om sòm. Cũng may không ai hiểu tụi nó nói gì. Bận khác, thấy vợ chồng thằng Nuối đi ghe mua tràm giỡn chơi, tụi nó tưởng đánh nhau, nhảy vào đánh lung tung, không ai ngăn được. Báo hại vợ chồng nhà kia phải nhảy xuống kênh lội qua bờ bên kia mới yên thân”.

Miệng cười mà ruột héo hon

Ông Tư Minh năm nay 57 tuổi, theo bộ đội vô rừng đánh giặc từ năm 16 tuổi. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trong quân đội, đến năm 1983 thì nghỉ do ảnh hưởng của chất độc hoá học trong chiến tranh. Cuộc đời của vợ chồng ông Tư Minh có lẽ sẽ bình lặng như bao gia đình ở vùng đất U Minh Hạ nếu ông bà không bị thôi thúc bởi quan niệm muốn có con trai nối dõi. Sau khi sinh hai con đầu là gái (phát triển bình thường, hiện đã lập gia đình, ra ở riêng), tới người thứ ba là con trai, ông bà mừng hết sức, đặt tên là Nguyễn Văn Tính. Nhưng người tính không bằng trời tính, chưa tới tuổi thôi nôi, Tính đã thường xuyên bị nóng sốt, hay khóc thét ngằn ngặt. Đưa đi khám, người ta nói thằng bé bị động kinh. Tính lớn lên với hình hài bình thường nhưng chẳng biết nói năng gì, “biểu một đằng, làm một nẻo”. Vợ chồng ông Tư Minh gắng gượng sinh thêm đứa nữa, rồi tới đứa thứ ba, thứ tư, thứ năm. Thật trớ trêu cả năm anh em trai mang những cái tên đầy ước vọng: Tính – Toán – Thống – Nhất – Thật đều mắc chứng bệnh giống hệt nhau, tất cả đều “ngây ngây dại dại”. Tới đứa thứ sáu là Nguyễn Văn Ngoan thì số phận nghiệt ngã mới buông tha vợ chồng ông. Hiện tại Ngoan đã học hết lớp 12, đã lấy vợ, ở chung nhà để phụ cha mẹ lo cho các anh.

Những đứa con không bình thường được vợ chồng ông Tư Minh chạy chữa khắp nơi, từ Trung tâm Y tế huyện U Minh đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Cà Mau, cả những nơi khám chữa bệnh đông y vợ chồng ông cũng không bỏ qua, nhưng bệnh tình của các con vẫn không có chuyển biến gì. Có người khuyên ông bà nên đưa con vào cơ sở nuôi dưỡng người bệnh tâm thần, bà Nương nói: “Vợ chồng tui còn sức, để chúng ở nhà cho gần gũi, chịu khó cười nhiều một chút thì chắc cũng không sao”. Bà nói vậy, nhưng hàng xóm lắm bận thấy mấy đứa con, nhất là thằng Tính, thằng Toán, mỗi khi lên cơn hay đánh bà tới tấp. Vậy mà bà vẫn phải cười, chứ lớn tiếng rầy la tụi nó còn đánh dữ!

Thân già nuôi con khoẻ

Để chăm lo cho năm đứa con bị bệnh, vợ chồng ông Tư Minh đã thay nhau một người ở nhà canh giữ, người kia đi hái rau, bắt cá làm thức ăn. Mấy tháng mùa mưa, nước dâng ngập khắp miền U Minh Hạ, ông Tư Minh có thêm nghề cầm trâu mướn (giữ trâu thuê theo mùa). Sau hàng chục năm vất vả, sức khoẻ vợ chồng ông Tư Minh bị vắt kiệt dần, trong khi sức ăn của năm anh con trai lực lưỡng cứ tăng dần. Đầu năm 2014, tới lượt ông Tư Minh lên cơn động kinh. Qua mấy ngày nóng lạnh, co giật, ông lại rơi vào trạng thái lơ mơ không nhớ nổi tên mình. Nhìn chồng, bà Nương không giấu được nỗi lo lắng bấy lâu nay vẫn mang nặng trong người: không biết khi nào di chứng của những năm tháng tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc hoá học sẽ tàn phá cơ thể ông! Gần hai tháng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Cà Mau, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ rồi Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, bà đưa ông về nhà với một bọc thuốc chống động kinh. Để có tiền chạy chữa cho chồng, bà lần lượt mang sổ nhận trợ cấp hằng tháng của cả năm con thế chấp cho một người trong xóm để được vay tất cả 60 triệu đồng. Suốt mấy tháng qua, số tiền trợ cấp hằng tháng của năm người con được vợ chồng bà uỷ quyền cho chủ nợ nhận, xem như trả lãi hằng tháng, bao giờ vợ chồng bà có tiền chuộc lại sổ thì thôi.

Mất nguồn thu nhập từ trợ cấp, bao khó nhọc dồn vào đôi tay gầy guộc của người mẹ sắp bước vào tuổi 60. Để có đủ 4kg gạo mỗi ngày cho các con không phải mang bụng đói rồi nổi cơn phá phách lung tung, ngày nào bà cũng dậy thật sớm vô rừng hái rau muống, đọt choại rồi bó lại thành từng lọn cỡ nắm tay người lớn, cứ bốn lọn bà gửi cho người quen bán được 10.000 đồng. Ngày nào may mắn, mấy tay lưới trên rạch Năm Dương trước cửa nhà dính cá thì cả nhà có “món mặn”, không thì cứ rau luộc “thập cẩm” hay dưa rau muống. Có lẽ đã quen với thực đơn hằng ngày nên các con bà hễ thấy cơm dọn ra là xúm vào ăn rất “nhiệt tình”, bất kể thức ăn có nhiều hay ít.

TẤN ĐỨC