Nguy cơ từ những bồn nước trên đầu

Đầu tháng 6 vừa qua, một người dân ở Hà Nội phát hiện bồn nước inox trên sân thượng nhà mình bị gãy giá đỡ, suýt lăn xuống nhà hàng xóm. Sự cố trên cảnh báo nguy cơ những bồn nước nặng hàng tấn nếu không lắp đặt đúng chuẩn có thể gây tai hoạ bất cứ lúc nào.

 

Nguy cơ từ những bồn nước trên đầu

Đầu tháng 6 vừa qua, một người dân ở Hà Nội phát hiện bồn nước inox trên sân thượng nhà mình bị gãy giá đỡ, suýt lăn xuống nhà hàng xóm.
Bồn nước đặt ngay trên đầu nhà ông K. ở chung cư 316 Phú Hòa, P.8, Q.Tân Bình (TP.HCM), phía sau là bể ximăng chứa nước – Ảnh: M.Hoa

 

Sự cố trên cảnh báo nguy cơ những bồn nước nặng hàng tấn nếu không lắp đặt đúng chuẩn có thể gây tai hoạ bất cứ lúc nào.

Khảo sát ở TP.HCM, việc lắp đặt bồn nước trên mái nhà, sân thượng không theo một quy chuẩn nào.

Sống dưới hàng chục bồn nước

 

Chưa quản lý việc lắp đặt bồn nước

Ông Nguyễn Thanh Xuyên, phó phòng quản lý chất lượng công trình thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết việc lắp đặt các bồn chứa nước trên cao ở chung cư, nhà cao tầng phải tuân theo bản vẽ thiết kế đã được duyệt, với tính toán cụ thể về khả năng chịu lực và kết cấu công trình. Với nhà ở riêng lẻ, việc này do các phòng quản lý đô thị quận, huyện quản lý.

Trưởng phòng quản lý đô thị một quận tại TP.HCM cho biết theo quy định, cấp phép xây dựng hiện nay không yêu cầu bản vẽ kết cấu công trình, việc lắp đặt các bồn nước sinh hoạt hiện cũng chưa có quy định nào điều chỉnh. Vị này nhìn nhận việc lắp đặt bồn nước tràn lan tại nhà dân không có tính toán là rất nguy hiểm.

 

Sân thượng chung cư 316 Phú Hòa, P.8, Q.Tân Bình (TP.HCM) có 20 bồn nước dung tích từ 500-1.500 lít/bồn và được lắp đặt đủ kiểu đứng, nằm. Tất cả bồn này đều dẫn nước từ một bể ximăng đặt trên đầu nhà ông K. xuống để dự trữ. Bể ximăng khoảng 9m³, cộng thêm năm bồn inox, bồn nhựa đặt ngay phía trên cửa ra vào nhà ông. Ông K. cho biết “cảm thấy  hơi lo lắng vì chung cư đã quá cũ, xây từ trước năm 1975”.

Hàng xóm của ông K. là nhà anh Đặng Văn Tài. Từ nhà anh Tài nhìn ra khoảng sân rộng là năm chiếc bồn loại 700-1.000 lít. “Về lâu dài là không ổn. Cách đây vài năm, chân đế bồn nước của một quán cà phê bên Gò Vấp bị han gỉ, bồn lăn xuống bancông tầng dưới, chứ lăn xuống đường thì… Tôi vừa đi chống thấm cho một chung cư. Cả chung cư này dùng nước từ một bồn nhựa khổng lồ đặt trên sân thượng. Lâu ngày, sàn sân võng xuống, gây thấm cho hộ dân phía dưới nhìn rất ghê” – anh Tài nói.

Tương tự, nhà chị Trần Thị Thu Cúc sống dưới bồn nước nhựa khổng lồ của chung cư 133 Phú Hòa (P.8, Q.Tân Bình) cũng vừa mất 2,5 triệu đồng để chống thấm dột. Ở chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) vốn “nổi tiếng” vì sự xuống cấp, đến thời điểm có chủ trương giải tỏa, hàng trăm hộ dân vẫn sống dưới những “quả bom nước” lủng lẳng trên đầu!

Lắp đặt… vô tư, dẹp không được!

Ngoài những khu chung cư, nhà cao tầng được xây dựng gần đây, khi lắp đặt bồn nước đều phải tuân theo thiết kế với tính toán chịu lực và kết cấu công trình thì hiện nay hầu hết các hộ dân có nhà ở riêng lẻ đều tự lắp đặt các bồn nước trên cao để sử dụng. Nhà ông B.Q.L. (đường Đỗ Tấn Phong, Q.Phú Nhuận) có một bồn nhựa đặt trên mái nhà, ông mua về cho con trai tự lắp. Khi được hỏi có tuân theo quy trình lắp đặt gì không, ông hồn nhiên: “Lắp bồn nước dễ mà, lắp điện mới khó chứ”. Ông cũng không kiểm tra bồn nước vì tin rằng “chả có trục trặc gì bao giờ”.

Trước căn nhà trên đường Nguyễn Thái Bình (P.11, Q.Tân Bình), chủ nhà đặt một bồn nước nhựa khoảng 500 lít cheo leo ngay phía trên bancông trong khi phía dưới nhà là tiệm bán bún bò. Bồn nước nhựa trên nhô cả ra ngoài và chỉ được buộc hai vòng dây để giữ cho không bị rơi xuống đất.

Thông thường khi bán bồn nước, các đại lý có bán kèm giá đỡ, hướng dẫn hoặc có thợ về lắp đặt tận nhà. Tuy nhiên anh Nguyễn Văn Thành, thợ hàn giá đỡ làm việc cho một đại lý bán bồn nước trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho biết khi đến nhà thấy không có đủ điều kiện an toàn, nhưng nhiều người vẫn yêu cầu lắp bằng được. Ông Nguyễn T., một chủ thầu xây dựng ở Q.Thủ Đức, kể rằng nhiều chủ nhà cứ mua bồn nước về rồi nhờ đơn vị của ông lắp. “Nhưng khi hàn chân bồn thì nhiều người tiết kiệm, không mua loại thép không gỉ, mà tận dụng sắt phế liệu, sắt thừa, chúng tôi góp ý nhưng không được” – ông T. nói.

Ẩn hoạ khôn lường

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng (TP.HCM) cho rằng việc lắp đặt bồn nước trên sân thượng các toà nhà, xét về mặt chịu lực thì không có vấn đề gì, vì thông thường mỗi mét vuông sàn có thể chịu được chừng 700kg. Tuy nhiên theo ông Thắng, nếu lắp đặt không đúng chuẩn có thể gây nguy hiểm. Để an toàn, giá đỡ bồn phải bằng inox hoặc thép tốt, loại V5, dày 4-5mm. Khi sử dụng, cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sự cố.

Thực tế cho thấy loại bồn inox được các công ty sản xuất khuyến mãi chân đỡ kèm theo. Chân đỡ loại này được hàn đơn giản bằng vài cây sắt chữ L với một vòng sắt lớn nhỏ theo kích cỡ của bồn. Bà Hoàng Anh, chủ một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất ở Q.10, kể nhiều chủ nhà không sử dụng loại chân đỡ khuyến mãi này vì nó mỏng manh. Tại đây có giới thiệu thợ để làm chân đỡ theo yêu cầu, giá chân đỡ có nhiều loại từ một vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Nhiều loại bồn nước cũ được bày bán tại những cửa hàng bán đồ gia dụng, trang trí nội thất cũ trên đường Phạm Văn Bạch, Trần Thái Tông (P.15, Q.Tân Bình). Ông N., chủ cửa hàng PN – giới thiệu bồn nước inox cũ loại 1.000 lít giá 1,5 triệu đồng. Chúng tôi hỏi mua bồn cũ có được tặng chân đỡ không, ông N. lấy ra một chân đỡ gỉ sét hàn bằng sắt, rồi nói: “Nhìn cũ vậy nhưng chắc hơn mấy loại chân đỡ mới bán theo bồn nhiều”. Quan sát, chúng tôi thấy những mối nối hàn ở chân đỡ này đã gỉ sét. Khi chúng tôi yêu cầu tìm một chân đế “xịn” hơn thì ông N. tư vấn: “Cái chân này tốt khối, anh cứ đặt bồn lên trên, nếu sợ thì chêm thêm mấy viên gạch là ổn” (?!).

ĐỨC THANH – MAI HOA – MINH PHƯỢNG