10/01/2025

Vì sao mất 872 giờ cho thủ tục thuế?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong buổi gặp ngành thuế ngày 3-7 đã phải kêu “đau đầu” vì tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ thuế, đặc biệt thủ tục thuế rườm rà khiến mỗi doanh nghiệp, người dân phải mất đến 872 giờ/năm.

 

Vì sao mất 872 giờ cho thủ tục thuế?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong buổi gặp ngành thuế ngày 3-7 đã phải kêu “đau đầu” vì tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ thuế, đặc biệt thủ tục thuế rườm rà khiến mỗi doanh nghiệp, người dân phải mất đến 872 giờ/năm.
Người dân được hướng dẫn nộp các chứng từ liên quan về kê khai quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm

 

Vì sao có con số kinh khủng như vậy?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Minh Thảo, phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói:

– Thời gian phải dành ra để làm các thủ tục thuế lên tới 872 giờ/năm là kết quả tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) thể hiện trên Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing bussiness) hằng năm.

Nó dựa trên các cơ chế, chính sách mà VN ban hành, đo lường số lần khai thuế doanh nghiệp phải thực hiện, số giờ phải bỏ ra để chuẩn bị, nộp hồ sơ và chi trả…

Chúng tôi đã có nghiên cứu về cách đánh giá này của WB và có so sánh từng chỉ tiêu với các nước lân cận. Kết quả, thời gian phải dành ra để nộp thuế ở VN thuộc dạng cao và có nhiều “nút thắt” chúng ta có thể cải cách được.

* Thưa bà, tại sao lại lên tới 872 giờ? Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao con số lại cao đến thế?

 

“Các cơ quan liên quan cần phải có quyết tâm rất cao và giải pháp rất mạnh thì mới có thể đạt được mục tiêu giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm”

 

– Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của WB, VN đang yêu cầu tới 32 lần khai, nộp thuế/năm trong khi mức trung bình của các nước châu Á – Thái Bình Dương chỉ 25 lần.

Phân tích chi tiết hơn, chúng tôi thấy trong tổng 872 giờ có thể phân ra riêng thời gian để nộp thuế VAT cần tới 320 giờ, 335 giờ cho các loại thuế và đóng góp an sinh xã hội của người lao động, 217 giờ cho việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Sở dĩ thời gian cần để nộp thuế VAT nhiều như thế vì VN yêu cầu quá chi tiết trong hồ sơ khai.

Trước đây chúng ta yêu cầu doanh nghiệp khai, nộp mỗi tháng một lần thuế VAT (12 lần/năm), từ 1-7-2013 đã giảm xuống còn bốn lần nhưng các thủ tục và quá trình chờ đợi các thủ tục liên quan đến thuế VAT vẫn cao. Như cơ quan thuế đặt ra quy định cần tới 40 ngày để xử lý một số trường hợp doanh nghiệp yêu cầu hoàn thuế…

* Nhưng ngành thuế giải thích 872 giờ là WB tính cả thời gian phải nộp các khoản cho bảo hiểm xã hội và bản thân họ đã cải cách rồi?

– Chúng tôi có tìm hiểu thì thấy WB có tính cả thời gian nộp các khoản bảo hiểm xã hội vào thời gian nộp thuế. Tính toán tách ra thì thấy thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội là 335 giờ.

Đây đúng là con số cao, liên quan đến các quy định yêu cầu phải tuân thủ trong nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, rồi liên quan cả quy định giao người sử dụng lao động phải làm các thủ tục liên quan đến hoàn thuế thu nhập cá nhân…

Đó là cách tính của WB. Bản thân thời gian chỉ liên quan đến ngành thuế sau khi trừ thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội thực tế còn tới 537 giờ. Điều này cho thấy cùng ngành thuế, bảo hiểm xã hội cũng cần phải nghiêm túc vào cuộc để cải thiện tình hình.

 

Thời gian nộp thuế của doanh nghiệp VN và Thái Lan – Đồ họa: N.Khanh

 

* Thời gian dành cho thủ tục thuế của doanh nghiệp VN so với các nước trong khu vực như thế nào, thưa bà? Nó ảnh hưởng ra sao đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?

– Nếu tính mỗi ngày làm việc tám tiếng, thì khoảng thời gian 872 tiếng tương đương tới 100 ngày làm việc. Đây là chi phí thời gian lớn của doanh nghiệp VN, trong khi thời gian để nộp thuế trung bình của các doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương chỉ khoảng 208 giờ/năm, tức thấp hơn 4 lần.

VN đang yêu cầu tới bốn lần khai, nộp thuế VAT/năm, trong khi Thái Lan chỉ cần một lần. Tổng thời gian doanh nghiệp, tổ chức… phải dành ra để nộp thuế ở Thái Lan chỉ 264 giờ, bằng khoảng 25% so với VN. So với Malaysia, họ chỉ yêu cầu bốn loại giấy tờ để hoàn thành thủ tục nhập khẩu thì VN yêu cầu tám.

Ngoài ra, có tính toán nêu rõ chi phí cần thiết để hoàn thành thủ tục xuất khẩu một container của Malaysia chỉ 485 USD thì VN cần tới 600 USD! Rõ ràng, tất cả chi phí liên quan đến thuế, hải quan đều sẽ được tính vào giá thành. Thời gian cũng là tiền bạc của doanh nghiệp.

Vì vậy, với thời gian phải bỏ ra nộp thuế cao hơn hẳn, đương nhiên sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và đây là điều đáng tiếc.

* Theo bà, để rút ngắn thời gian ngang bằng với các nước trong khu vực, ngành thuế VN phải cải cách mất bao lâu?

– Chính phủ đã có nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu đến năm 2015 phải giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm. Tại sao lại có con số trên? Đó là số giờ trung bình phải dành ra để nộp thuế của ASEAN 6, tức sáu nước ASEAN thuộc nhóm phát triển hơn, gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei và Philippines.

Tức là con số 171 giờ/năm nhiều nước trong ASEAN đã đạt và tiến sát rồi. VN cũng có thể tiến tới con số đó. Tuy nhiên, muốn đạt là khó, cần cả ngành thuế và bảo hiểm xã hội vào cuộc thật sự.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện

 

 

Buộc phải giảm số giờ nộp thuế xuống

Sáng 4-7, Bộ Tài chính đã tổ chức họp sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm. Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhận định số thời gian để một doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuế trong mỗi năm là 872 giờ có giảm so với mấy năm trước nhưng vẫn còn rất cao. Ngành thuế buộc phải giảm số giờ nộp thuế xuống.

Ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đề nghị cần phải rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Dẫn lại một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương mới hoàn thiện, ông Phúc cho hay nếu chúng ta rút ngắn được thời gian nhập khẩu xuống 15 ngày và xuất khẩu 14 ngày sẽ giúp GDP của nước ta tăng lên mỗi năm hơn 27 tỉ USD.

L.THANH

 

 

 

Anh Nam (kế toán một công ty dịch vụ tư vấn thuế tại TP.HCM):

Không am hiểu pháp luật sẽ bị ép

Vừa rồi doanh nghiệp (DN) tôi nộp báo cáo sử dụng hóa đơn quý chậm hai ngày, theo quy định là không bị phạt, cao nhất chỉ bị cảnh cáo nhưng cơ quan thuế điện thoại kêu DN lên trình bày. Dựa trên những hiểu biết có được, tôi đã tranh luận lại với cán bộ thuế. Đuối lý, cán bộ thuế nói tôi ký đại vào biên bản, cơ quan thuế chưa ra quyết định phạt đâu. Tôi không đồng ý bởi nếu ký vào biên bản chẳng khác nào chúng tôi tự nguyện chịu phạt. Nhưng cán bộ thuế nói nếu cơ quan thuế ra quyết định phạt thì DN vẫn có thể làm đơn khiếu nại. Tôi không đồng ý thì cán bộ thuế “hù” nói sẽ gọi cho giám đốc, nhưng rốt cuộc vị cán bộ này vẫn không gọi cho giám đốc DN phản ảnh dù tôi kiên quyết không ký vào biên bản. Qua sự việc này có thể thấy nếu DN không am hiểu pháp luật sẽ rất dễ bị thiệt.

Một đại lý thuế tại TP.HCM:

Văn bản thay đổi liên tục

Hiện cơ quan thuế ban hành văn bản mới liên tục, văn bản cũ áp dụng chưa bao lâu đã có văn bản mới thay thế. DN nếu không theo dõi kỹ khó nắm bắt được các thay đổi này dẫn đến vẫn làm theo mẫu cũ, đến nơi cơ quan thuế không nhận hồ sơ lại phải về chỉnh sửa theo mẫu mới. Việc này lặp lại liên tục khiến DN mệt mỏi khi đi làm thủ tục.

Chưa kể câu chữ trong nhiều văn bản pháp luật chưa rõ ràng, đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau. Đây cũng chính là “kẽ hở” cho cán bộ thuế tận dụng nhằm làm khó DN. Nhiều DN phải tìm đến các dịch vụ thuế để nhẹ bớt gánh nặng. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã bắt đúng căn bệnh của ngành thuế, vậy hãy mau bốc thuốc chữa căn bệnh này.

* Ông Bùi Văn Nam (tổng cục trưởng Tổng cục Thuế):

Sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ

Vướng mắc về thuế của DN lớn nhất là khoản thu liên quan đến thuế thu nhập cá nhân khi có số người nộp thuế lớn lên tới 17,8 triệu mã số thuế. Vướng mắc thứ hai là chính sách thuế về đất đai. Do đó thời gian tới, ngành thuế đặt mục tiêu cao nhất là phải cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển kinh doanh và giảm sự kêu ca, phiền hà của người nộp thuế.

Liên quan đến phẩm chất của cán bộ ngành thuế, dư luận nói rất nhiều đến việc cán bộ thuế hách dịch, cửa quyền, không nắm vững chính sách… Cái này cần đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ để hạn chế tiêu cực, nâng cao chất lượng đội ngũ và đi kèm với thanh tra xử lý sai phạm.

* Ông Phi Văn Tuấn (cục trưởng Cục Thuế Hà Nội):

Một hồ sơ hoàn thuế gồm 18 chữ ký

Chính sách về hoàn thuế thu nhập cá nhân còn một số điểm chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đơn cử như công tác quyết toán thuế. Đến nay, Hà Nội đang phải xử lý gần 9.000 bộ hồ sơ hoàn thuế. Có đơn vị có gần 2.000 hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Một hồ sơ hoàn thuế gồm 13 bản giấy A4 với 13 chữ ký, chưa kể năm chữ ký của lệnh hoàn trả. Như thế, chỉ ký và sắp xếp hồ sơ cũng hết thời gian. Do vậy, Cục Thuế Hà Nội đề nghị chính sách nên sửa theo hướng đưa ra ngưỡng nhất định thì hoàn lại cho người nộp thuế, còn không thì bù trừ vào lần quyết toán sau đó.

ÁNH HỒNG – L.THANH ghi