10/01/2025

Mũ bảo hiểm dỏm bày bán đầy đường

Trong khi cảnh sát giao thông và người dân đều lúng túng trong câu chuyện xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, thì ngoài thị trường tình trạng sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo, nhái… gần như bị buông lỏng.

Mũ bảo hiểm dỏm bày bán đầy đường

Trong khi cảnh sát giao thông và người dân đều lúng túng trong câu chuyện xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, thì ngoài thị trường tình trạng sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo, nhái… gần như bị buông lỏng.

Chiều 2-7, tại khu vực công viên Phú Lâm (Q.6, TP.HCM) tình trạng bày bán mũ bảo hiểm (MBH) trái phép vẫn diễn ra. Gần chục sạp hàng lưu động gắn bánh xe đẩy vẫn treo đủ loại MBH. Trong đó, các loại mũ không phải MBH gắn mác mũ dành cho người đi bộ, xe đạp được bán với giá 50.000-70.000 đồng vẫn được người dân chọn lựa.

Mũ dỏm, mũ nhái tràn lan

“Anh cứ mua đi, tôi mới nghe thông tin không xử phạt đâu mà lo. Nếu không yên tâm, anh mua loại mũ “đạt chuẩn” này, tem nhãn đầy đủ cả” – ông Hưng, chủ sạp hàng tại đây, trấn an. Chiếc mũ ông Hưng đưa cho chúng tôi có đầy đủ ba thành phần, ghi nhà sản xuất là Công ty Hùng Phát và gắn tem CR do Quacert cấp. Tuy nhiên, khi lần theo địa chỉ công ty ghi trên nhãn hàng hóa tại số 155 Lê Bửu, P.5 Q.2, TP.HCM, chúng tôi nhận thấy đây là địa chỉ không có thật. Tương tự, hàng loạt MBH đang bày bán tại đây đều có tem nhãn CR cũng như thông tin công ty như: Trường Thịnh, Phát Lộc, Đông Dương… Nhưng qua kiểm tra địa chỉ thực tế cũng như rà soát lại danh sách công ty được cấp phép sản xuất MBH do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & công nghệ công bố thì tất cả những công ty này đều không có thực, địa chỉ sản xuất “ma”.

Chúng tôi liên lạc với ông Lưu, người chuyên sản xuất lắp ráp, phân phối các loại mũ thời trang tại Q.Bình Tân, TP.HCM. Ông Lưu khẳng định hàng loại 3 (các loại mũ thời trang) đang tạm ngưng sản xuất. “Cơ quan chức năng đang “dòm ngó” nên phải đợi tình hình lắng xuống một chút. Nếu muốn mua, mấy anh chọn MBH “xịn” dễ bán hơn, giá cũng vừa phải thôi!” – ông Lưu tư vấn. Ngồi với chúng tôi, ông Lưu cho biết hàng loại 3 thời điểm này khó tiêu thụ. Còn loại MBH đầy đủ ba thành phần ông “bao” số lượng và giá cả. Cụ thể, giá bỏ sỉ loại mũ này chỉ 40.000-45.000 đồng/chiếc với đủ mẫu mã. “Tem nhãn đầy đủ hết, kể cả tem CR. Mấy anh bán ra với giá 100.000-120.000 đồng/chiếc là được. Thời điểm này đang “sốt”, chúng tôi chỉ nhận đơn hàng trên 500 chiếc và đợi một tuần mới có hàng” – ông Lưu khẳng định.

 

Tăng cường kiểm soát

Trong kế hoạch số 69 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu rõ từng nhiệm vụ đối với các cơ quan chức năng và nhấn mạnh việc dẹp tận gốc MBH kém chất lượng, giả mạo. Trong đó trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát đơn vị sản xuất, kinh doanh được giao cho các cơ quan chức năng bộ và các sở khoa học – công nghệ, cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế thực hiện.

Ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết đơn vị đã bắt đầu triển khai kiểm tra đồng loạt các điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm và các đơn vị sản xuất. Trong tuần qua, đơn vị kiểm tra và phát hiện tám vụ kinh doanh MBH vi phạm, tịch thu gần 300 MBH không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng. “Chi cục Quản lý thị trường được phân công tập trung kiểm soát hoạt động kinh doanh MBH. Thực tế cho thấy các vi phạm phổ biến ở việc cơ sở kinh doanh trái phép, sản phẩm đưa ra thị trường sử dụng tem nhãn giả mạo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các thông tin về sản phẩm không đạt chuẩn đều được chúng tôi chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan như đơn vị cấp giấy chứng nhận để phối hợp xử lý” – ông Kiếm cho hay.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh MBH thời gian qua chiếm tỉ lệ lớn, đụng đâu vi phạm đó. Cụ thể, đơn vị thực hiện khoảng 300 vụ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH thì có đến gần 290 trường hợp vi phạm (chiếm 94%). Trong đó chủ yếu các vụ kinh doanh MBH không hóa đơn chứng từ, MBH giả mạo, không giấy chứng nhận hợp quy, không đạt chất lượng theo quy chuẩn…

LÊ SƠN

 

 

Để dân đội mũ dỏm là lỗi cơ quan chức năng

Theo kế hoạch số 69 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kể từ ngày 1-7 lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý đối với những trường hợp người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp điện máy không đội MBH hoặc đội MBH không đúng cách, MBH không phải là MBH cho người đi môtô, xe máy. Cụ thể xử phạt từ 100.000 -200.000 đồng đối với hành vi: người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ (điểm I, khoản 3, điều 6, nghị định 171).

Về điều khoản này, ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khẳng định: “Hành vi trên được hiểu là người đội mũ không phải MBH dành cho người đi môtô, xe gắn máy. Còn quy định thế nào là MBH đạt chuẩn dành cho người đi môtô, xe máy đã rất rõ rồi. Đó là loại mũ có cấu tạo gồm ba thành phần: vỏ mũ, lớp xốp hấp thu xung động, quai đeo. Sản phẩm được chứng nhận hợp quy chuẩn thể hiện qua tem CR do các tổ chức chứng nhận cấp phép, trên nhãn sản phẩm thể hiện rõ thông tin “MBH dành cho người đi môtô, xe máy”.

“Tôi nghĩ bằng trực quan, người dân hoàn toàn có thể phân biệt được. Khi chọn mua sản phẩm người dân cứ theo những quy chuẩn đó để lựa chọn, các loại mũ khác thì không nên mua và không nên sử dụng.

Kế hoạch số 69 không phải nhắm đến việc xử phạt người dân mà trọng tâm là tập trung xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, kinh doanh bát nháo nhằm hạn chế tối đa MBH dù có tem nhãn CR nhưng không đảm bảo chất lượng cũng như tuyên truyền để người dân chủ động lựa chọn MBH chất lượng cho bản thân và gia đình. Việc để người dân đội MBH kém chất lượng là trách nhiệm của cơ quan chức năng”.

* Chiều 2-7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng có thông cáo báo chí giải thích về việc tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi môtô, xe gắn máy, xe đạp máy. Theo đó, cơ quan này cho biết từ ngày 1-7, CSGT chỉ thực hiện kiểm tra và xử lý các vi phạm về đội MBH đối với người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, theo đúng quy định tại nghị định 171/2013 của Chính phủ, chỉ xử phạt hai hành vi sau của người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy là: không đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách.

(L.SƠN – T.PHÙNG)