11/01/2025

Không cắt đất bán lâu dài cho nước ngoài

Không chỉ muốn thành lập đặc khu kinh tế riêng với cơ chế đặc biệt ưu đãi về thuế khóa, nguồn cung ngoại tệ, tín dụng…, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Formosa, Đài Loan) còn muốn được cắt đất bán lâu dài cho nhân viên với số lượng lên đến 15.000 người.

 

Không cắt đất bán lâu dài cho nước ngoài

Không chỉ muốn thành lập đặc khu kinh tế riêng với cơ chế đặc biệt ưu đãi về thuế khóa, nguồn cung ngoại tệ, tín dụng…, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Formosa, Đài Loan) còn muốn được cắt đất bán lâu dài cho nhân viên với số lượng lên đến 15.000 người.

 

 Không cắt đất bán lâu dài cho nước ngoài
Khu nhà làm việc, nghỉ ngơi của cán bộ Formosa tại Vũng Áng – Ảnh: Nguyên Dũng

 

Xin ưu đãi cho công ty con

Trao đổi với Thanh Niên chiều 27.6, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng đề nghị của Formosa Hà Tĩnh đã được gửi lên Bộ, nhưng mục đích không nằm ở việc xin thành lập đặc khu kinh tế (ĐKKT) gang thép riêng. Thực chất tập đoàn này chỉ muốn Chính phủ cho hưởng một số chính sách, cơ chế riêng dành cho các công ty con, vốn là đơn vị thành viên của tập đoàn hoạt động công nghiệp phụ trợ. Ông Vinh giải thích thêm, với một “đại công trường” quy mô vốn lên tới 15 tỉ USD, tập đoàn này có một loạt các công ty thành viên phụ trợ nhằm sản xuất các mặt hàng khác nhau cung cấp cho công ty mẹ.

 

 
 

Formosa đã đưa ra một yêu sách cao khác thường theo thông lệ quốc tế, vượt xa so với khung pháp luật của Việt Nam, và cao bất thường so với tất cả những gì các nhà đầu tư nước ngoài khác đề nghị. Có thể nói yêu cầu của họ là vô tiền khoáng hậu. Trong lịch sử đầu tư nước ngoài chưa thấy có câu chuyện nào như vậy

 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

 

 

Nhưng hiện nay trong khu kinh tế (KKT) Vũng Áng mới có công ty mẹ của Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh được hưởng các cơ chế ưu đãi, còn các công ty con dù đã xin nhiều lần vẫn chưa được Chính phủ đồng ý. Chính vì vậy, thời gian qua Tập đoàn Formosa muốn đề nghị thành lập ĐKKT riêng, bởi chỉ có như vậy thì tất cả các công ty nằm trong đặc khu này mới được hưởng quyền lợi, ưu đãi như nhau và như công ty mẹ.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, ngay khi nhận được đề xuất, qua phân tích xem xét, Bộ KH-ĐT thấy không ổn. Bởi việc “đẻ” thêm một ban quản lý KKT riêng nằm trong Ban quản lý KKT Vũng Áng là hoàn toàn không cần thiết, không phù hợp. Đối với đề xuất ưu đãi về thuế khóa, nguồn cung ngoại tệ… trong các quy định hiện hành đã có ưu đãi từ rất lâu, nên không đồng ý.

Liên quan đến đề nghị khá nhạy cảm “cắt đất để bán lâu dài cho nhân viên” vốn là người nước ngoài của Formosa Hà Tĩnh, ông Vinh cho biết, nguyên nhân do tập đoàn này hiện đang có mấy vạn công nhân nên muốn đề nghị để có chỗ ăn, chỗ ở ổn định cho họ giống như quy định trong KKT, khu công nghiệp dành đất để thành lập khu nhà mẫu giáo, nhà trẻ.

Tất cả những đề xuất, kiến nghị trên Bộ đã có báo cáo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng cũng đã có kết luận không đồng ý. “Thông báo cũng được gửi tới Formosa Hà Tĩnh, lãnh đạo của họ cũng đã hiểu và không thấy đề nghị, đề xuất gì nữa”, ông Vinh cho biết.

Đề nghị phi lý

Bày tỏ quan điểm của mình, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, không nên nhìn sự việc chỉ dưới góc độ Formosa Hà Tĩnh mượn danh KKT để xin hỗ trợ cho công ty con. Bởi đề nghị lập ban quản lý giao Chính phủ quản lý, xin các ưu đãi miễn toàn bộ thuế khóa, cung cấp ngoại tệ… là những đề nghị hết sức phi lý. Những đề xuất kiểu như vậy vượt lên trên luật pháp, xé rào và gây ra tiền lệ rất xấu.

Đối với đề xuất “cắt đất để bán cho hàng vạn công nhân”, TS Liêm cho rằng bản thân ông thấy “mùi” bất ổn. Nếu không thận trọng rất có thể cả khu công nghiệp này sẽ biến thành một làng người nước ngoài. “Nếu họ được cắt đất, được ưu đãi rồi lập rào trong đó, nội bất xuất ngoại bất nhập thì các cơ quan chức năng, địa phương sẽ quản lý, kiểm soát thế nào”, TS Liêm bày tỏ lo ngại.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, trong vụ việc này cần phải đặt vấn đề ở một khía cạnh khác rộng hơn và thận trọng hơn. Hiện nay luật Nhà ở mới chưa cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở trên đất, mới chỉ cho ở chung cư, nên có thể áp dụng quy định này để xử lý. Còn dự thảo luật Nhà ở sửa đổi mở khá thoáng cho người nước ngoài, cho phép người nước ngoài ở xen lẫn người VN trong khu dân cư, nhưng cũng quy định không được thành lập một khu riêng, không ở với mật độ dày.

Đối với đề xuất lập một KKT đặc biệt mà có đầu tư dài hạn của người nước ngoài, GS Võ đề nghị cần phải tính toán và cân nhắc nhiều mặt. Từ hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội đến quốc phòng an ninh. Thu hút đầu tư FDI mang lại nguồn thu cho ngân sách, tăng trưởng GDP nhưng về nguyên tắc phải ưu đãi cho lao động bản địa. Dự án phải khuyến khích được xuất khẩu, sản phẩm của nước bản địa chứ không thể 100% của nước ngoài. Chuyên gia này cũng khuyến nghị, miền Trung vốn là dải đất hẹp với khoảng cách 50 – 70 km từ đường bờ biển đến biên giới. Do đó, phải tính đến khả năng xấu nhất tác động đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Không thể đòi bồi thường bằng chính sách

TS Lê Đăng Doanh bình luận: “Đây là một điều hết sức không bình thường, sau khi Chính phủ đã tỏ thiện chí hợp tác và bồi thường. Formosa đã đưa ra một yêu sách cao khác thường theo thông lệ quốc tế, vượt xa so với khung pháp luật của Việt Nam, và cao bất thường so với tất cả những gì các nhà đầu tư nước ngoài khác đề nghị. Có thể nói yêu cầu của họ là vô tiền khoáng hậu, trong lịch sử đầu tư nước ngoài chưa thấy có câu chuyện nào như vậy”.

Chia sẻ quan điểm trên, TS Suiwah Leung, chuyên gia về kinh tế Việt Nam của ĐH Quốc gia Úc (ANU), nói với Thanh Niên:  “ĐKKT được lập ra, nếu được quản lý tốt, là để cả một đất nước hưởng lợi, chứ không phải để bảo vệ bất kỳ một công ty riêng biệt nào”. TS Leung cảnh báo: “Bảo hộ ngành thép có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, theo tôi, điều đáng quan ngại nhất chính là đề xuất “được cắt đất để bán lâu dài cho nhân viên”. Với một công ty lớn như Formosa thì chắc chắn phải thuê một lượng lớn lao động phổ thông từ nước ngoài sang đây làm việc với visa du lịch. Khi đó vấn đề quản lý lao động nước ngoài là cực kỳ khó khăn. Ở Úc, một số nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc đề nghị cho công nhân của họ sang làm việc tại công trường, và chính phủ Úc đã không đồng ý vì quan ngại vừa nói trên”.

 

“Ưu đãi là chính sách rất tốn kém”

Báo cáo nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam năm 2011 của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) và Bộ KH-ĐT công bố ngày 26.6 khuyến cáo rằng, việc cấp ưu đãi đầu tư nên được xem xét kỹ hơn vì đây là một chính sách rất tốn kém tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế quốc gia và những hạn chế về ngân sách mà nó tạo ra đối với nước sở tại. “Về tổng thể, dường như không có nhiều khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi và các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi”, báo cáo viết. “Các ưu đãi cần phải được rà soát liên tục nhằm đánh giá tính hiệu quả của các ưu đãi hơn là tác động hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, nên có sẵn cơ chế thực hiện và giám sát để xác định liệu các ưu đãi đó có thực sự mang lại kết quả đầu tư như mong đợi về hiệu quả năng suất và tạo nên giá trị gia tăng hay không”.

 

Anh Vũ – An Điền