13/01/2025

Bộ ơi, sao không làm ngay?

Phải đến năm 2016 Bộ GD-ĐT mới tiến hành nhất thể hoá kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Sự cẩn thận của bộ cũng có những lý lẽ riêng, song nhiều người trong cuộc đều tha thiết gửi nguyện vọng đến bộ: chấm dứt ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng rẽ!

Bộ ơi, sao không làm ngay?

Phải đến năm 2016 Bộ GD-ĐT mới tiến hành nhất thể hoá kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Sự cẩn thận của bộ cũng có những lý lẽ riêng, song nhiều người trong cuộc đều tha thiết gửi nguyện vọng đến bộ: chấm dứt ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng rẽ!

Thí sinh làm thủ tục trước khi thi môn lý tại hội đồng thi Trường THPT Bình Phú, Q.6, TP.HCM kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 – Ảnh: Như Hùng 

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT ba năm gần đây đều đạt kết quả rất cao: năm 2012 hệ THPT 98,87%, hệ GDTX 95,47%; năm 2013: hệ THPT 97,52%, GDTX 78,08%; năm 2014: hệ THPT 99,02%, GDTX 86,977%. Kết quả đó có làm chúng ta phấn khởi, tự tin? Câu trả lời là người vui rất ít, còn số đông vẫn hoài nghi, băn khoăn, trăn trở và gửi gắm nhiều đề nghị mà trong đó đề nghị nóng bỏng, tâm huyết nhất là thực hiện một kỳ thi với hai mục tiêu: công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học.

Là cán bộ quản lý trường THPT, tôi xin có mấy ý kiến:

1. Thực tiễn từ những năm gần đây cho thấy các trường THPT đã có những chuyển động tích cực từ cán bộ quản lý, thầy cô, học sinh… Đổi mới phương pháp dạy – học, kiểm tra, đánh giá đã tác động mạnh đến nhà trường THPT, dạy và học khác trước nhiều, đã chín muồi cho việc tổ chức một kỳ thi với hai mục tiêu.

2. Đề thi có phải là trở ngại? Cũng có ý kiến cho rằng không thể hoặc khó ra đề thi để đáp ứng hai trong một. Đành rằng là khó nhưng không thể không làm được. Một đề thi với hai phần: phần cơ bản đáp ứng yêu cầu để xét công nhận tốt nghiệp THPT; phần phân hóa (nâng cao) đáp ứng yêu cầu thi tuyển vào đại học, cao đẳng là hoàn toàn có thể ra được. Tập thể nhà giáo giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn sâu sắc, cao sẽ đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó để tập dượt, có thể bộ ra đề kiểm tra học kỳ I, học kỳ II cho các trường THPT ở năm học 2014-2015, vừa kết hợp đánh giá cả quá trình vừa tập dượt cho thầy và trò các trường.

Một điều nữa là trắc nghiệm khách quan, bài thi nên có nhiều loại câu hỏi: ngoài kiểu câu có nhiều phương án lựa chọn nên kết hợp thêm câu hỏi điền khuyết, đúng – sai, ghép câu… để hạn chế học sinh trao đổi bài, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dạy học một cách tích cực thông qua kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

3. Khâu tổ chức: có lẽ lo lắng nhất là ở đây mà tập trung là việc chống tiêu cực trong kỳ thi gay cấn này (thực hiện một kỳ thi hai mục tiêu).

– Việc sắp xếp hội đồng coi thi: mỗi địa bàn (huyện, thị xã, thành phố) chỉ nên thành lập từ hai đến ba hội đồng coi thi, chọn các trường THPT mà cơ sở vật chất có đủ điều kiện và ở vị trí thuận lợi cho học sinh.

– Bố trí người làm công tác coi thi, bảo vệ phục vụ kỳ thi: mạnh dạn chuyển đổi từ lãnh đạo hội đồng coi thi đến giám thị, chuyển đổi ngoài tỉnh là phương án cần áp dụng. Đừng ngại tốn kém vì một kỳ thi rồi mà!

– Mỗi hội đồng coi thi nên kết hợp giữa lãnh đạo hội đồng, giám thị từng phòng là giáo viên phổ thông và giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng và đại học.

– Và phải đổi (luân chuyển khỏi địa phương) ngay cả đối với bộ phận bảo vệ và phục vụ kỳ thi. Thực tế cho thấy ở những kỳ thi vừa qua từ bộ phận này đề thi ra ngoài, bài giải vào phòng thi đã xảy ra tại một số hội đồng coi thi.

Tổ chức kỳ thi hai trong một sẽ khó khăn, thử thách, vất vả hơn nhưng không thể là không làm được ngay từ năm học 2014-2015. Khi kết hợp hai kỳ thi làm một, chính yêu cầu nghiệt ngã thi tuyển ngay thí sinh cũng sẽ tự mình nghiêm túc chứ không “thả lỏng” như thi riêng rẽ chỉ để công nhận trình độ THPT. Còn tiêu cực trong kỳ thi, nếu bộ quyết tâm cao, có biện pháp đúng đồng thời cả hệ thống chính trị chúng ta vào cuộc, tin chắc sẽ làm được và thành công.

Một kỳ thi hai mục tiêu sẽ thổi một luồng gió mới vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với nhà trường THPT. Chắc chắn các trường sẽ tích cực hơn, năng động hơn, đổi mới hơn nữa và lẽ tất nhiên sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Vậy thì bộ ơi, còn chần chừ gì nữa, sao không làm ngay từ năm học 2014-2015?

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
(hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)