12/01/2025

14.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén

Mọi dữ liệu trên điện thoại sử dụng hệ thống điều hành Android khi cài đặt phần mềm Ptracker sẽ bị chiếm quyền điều khiển.

 

14.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén

Mọi dữ liệu trên điện thoại sử dụng hệ thống điều hành Android khi cài đặt phần mềm Ptracker sẽ bị chiếm quyền điều khiển.

Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao – PC50 cho biết vừa chuyển vụ việc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng kinh doanh phần mềm nghe lén điện thoại, vi phạm Luật công nghệ thông tin, cho Công an Hà Nội điều tra theo thẩm quyền.

Công ty trên do ông Đặng Hồng Đăng làm giám đốc, cấp phó là Nguyễn Việt Hùng, hoạt động kinh doanh liên quan đến xây dựng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Từ tháng 6/2013, công ty này phát triển, cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động gồm hai gói: cá nhân và doanh nghiệp – phần mềm Ptracker.

Theo cơ quan điều tra, thực chất đây là phần mềm nghe lén điện thoại. Dù khách hàng có mua phần mềm hay không, ngay từ khi cài bản dùng thử Ptracker, điện thoại đã chính thức bị chiếm quyền điều khiển. Tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi – đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy… sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ chỉ khoảng 5-10 phút. Máy chủ này được công ty thuê lại.

Khi phần mềm được lưu lại máy chủ, nhân viên kỹ thuật của công ty Việt Hồng có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản, mật khẩu của người đã mua phần mềm Ptracker. Nếu khách hàng nộp tiền thì công ty Việt Hồng sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu trên máy chủ.

Cũng từ việc đăng ký phần mềm giám sát trên, khách hàng chỉ cần đăng nhập vào trang web của công ty là có thể xem lại tất cả các thông tin của máy điện thoại bị giám sát. Phần mềm này còn có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật tắt 3G. Ngoài ra, người dùng phần mềm có thể sử dụng điện thoại bất kỳ rồi nhắn tin với các cú pháp định sẵn.

Khi có nhu cầu, khách hàng sẽ phải chuyển tiền vào một trong 3 tài khoản hoặc nạp mã số thẻ cào điện thoại cho công ty. Số tiền chuyển vào tuỳ theo gói thời gian sử dụng từ một tháng đến một năm hoặc gói vĩnh viễn, khoảng 400.000 đồng/tháng sử dụng.

Để hút khách hàng, công ty đã cho đăng tải thông tin liên quan đến các sản phẩm phần mềm này trên một số trang mạng xã hội và lập một số website… Kể từ khi cung cấp gói dịch vụ này, có hơn 14.000 khách hàng tham gia, trong đó một nửa tài khoản được lưu lại trong máy chủ. Khoảng 600 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm. Cơ quan chức năng cho rằng, ứớc tính công ty này thu được từ kinh doanh phần mềm trên là khoảng 900 triệu đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc Công ty Việt Hồng lập trình, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ đã vi phạm Khoản 2 Điều 71 Luật Công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn khả năng của người dùng điện thoại xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng Ptracker của Việt Hồng được cho là vi phạm khoản 4; hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số vi phạm khoản 5 Điều 71 Luật Công nghệ thông tin. Còn hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại vi phạm điểm đ, khoản 2 Điều 72 Luật Công nghệ thông tin.

Việc Công ty Việt Hồng quảng cáo trên trang web dịch vụ “theo dõi đối tượng” là dịch vụ cấm kinh doanh (sử dụng bất hợp pháp thông tin riêng, quy định cấm tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet trên mạng), vi phạm khoản 1, Điều 8 Luật Quảng cáo.

Hoàng Việt