13/01/2025

Kết thúc có hậu sau 38 năm

“Khi kết quả ADN cho biết chúng tôi là cha con, tôi nghĩ rằng mình có thể xoa dịu nỗi đau của cha bằng việc cho ông biết là gia đình hiện tại (cha mẹ nuôi) đã rất yêu thương tôi”. Tricia Houston nói khi đã tìm được cha, tức ông Phan Minh Triết, người cũng đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm con gái thất lạc suốt 38 năm qua.

Kết thúc có hậu sau 38 năm

“Khi kết quả ADN cho biết chúng tôi là cha con, tôi nghĩ rằng mình có thể xoa dịu nỗi đau của cha bằng việc cho ông biết là gia đình hiện tại (cha mẹ nuôi) đã rất yêu thương tôi”.

* Ông Triết (Bìa trái) * Tricia - Ảnh: M.H. 

Tricia Houston nói khi đã tìm được cha, tức ông Phan Minh Triết, người cũng đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm con gái thất lạc suốt 38 năm qua.

Bao năm qua, Tricia đã không chuẩn bị việc tìm kiếm cha mẹ ruột, mà chỉ muốn biết mình thuộc về dân tộc nào.

Niềm vui của con

Với niềm vui khôn xiết, Tricia cho biết cô đang sắp xếp công việc trở về VN vào năm 2015 để vừa đoàn tụ gia đình, vừa hội ngộ nhóm những người con nuôi VN trên thế giới.

“Tôi thật sự rất biết ơn tổ chức “Chiến dịch hội ngộ” với dự án hệ thống ADN cùng sự tận tâm, chuyên nghiệp trong công việc của cô Trista Goldberg và L.A.C.” – Tricia không giấu được xúc động và cho biết chính người bạn đồng cảnh ngộ L.A.C. đã phỏng vấn cha ruột của cô và chọn trường hợp của ông để tài trợ thủ tục tìm kiếm dữ liệu ADN.

Tricia hiện ở quận Cam, tiểu bang California. Sự phát hiện ngoài mong đợi này đã thật sự điền vào chỗ trống cho một câu hỏi lớn trong cuộc đời của cô, mặc dù 38 năm qua cô đã được sống trong sự dưỡng dục chu đáo của mẹ nuôi. “Tôi biết cha mẹ ruột rất yêu thương tôi” – Tricia tỏ ra hạnh phúc. Và từ khi nhận ra nhau, cô thường xuyên gửi hình cùng thư từ về thăm hỏi cha ruột.

Hạnh phúc của cha

Khi con gái được 5 tháng tuổi cũng là lúc giải phóng Sài Gòn, ông Triết lập tức từ An Giang trở về Sài Gòn sau thời gian trốn lệnh tổng động viên của quân đội VN Cộng hòa. Nhưng, hình ảnh trống vắng không tiếng trẻ con ở nhà ông đã khiến tim ông đập mạnh. Người em gái cho hay vợ ông đã mang con ông là Ngọc Như đem cho Hội Dục Anh rồi bỏ đi. “Tôi nghĩ ngay tới chuyện đòi con – ông Triết nhớ lại – Sau lễ 1-5, tôi tới Hội Dục Anh hỏi thăm thì thấy vắng hoe. Người ta bảo mấy đứa bé được gửi lên nhà trẻ World Vision gần nhà thờ Hàng Xanh.

Tôi liền chạy vô nhà thờ nhưng không thấy đứa bé nào…”.

Một tháng sau, ông Triết lại nghe nói hồi tháng 4, Mỹ đã chuyển hết trẻ mồ côi đi. Ngọc Như bị đưa đi trong chiến dịch Babylift (chiến dịch di tản trẻ mồ côi VN từ Sài Gòn sang Mỹ và một số nước khác vào tháng 4-1975).

Trước đó, ngày 4-4-1975, khi người ta đưa nhóm trẻ có Ngọc Như lên chiếc máy bay Lockheed C5A Galaxy (C5A) – chuyến bay chở 154 trẻ đầu tiên rời VN – thì bị từ chối vì quá đông. Nhưng nhờ vậy mà cô thoát nạn.

Chiếc máy bay đó đã rơi nổ tan tành thành nhiều mảnh. Cô đi chuyến thứ hai ngày 5-4. Ba ngày sau thì đến Mỹ. Tại đây, cô được một gia đình nhận nuôi và đặt tên là Tricia Houston.

Tricia hiện là giáo viên, nhà văn và là thư ký cho tổ chức phi lợi nhuận Operation Reunite (Chiến dịch hội ngộ) do chị Trista Goldberg (cũng là một trẻ Babylift) thành lập.

Đầu tháng 4-2010, Tricia cùng đoàn Babylift trở về VN, đúng 35 năm sau chuyến bay định mệnh. Ngày 6-4, đoàn thăm tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, ông Triết không hề hay biết.

Chiều 2-5, đoàn đã có cuộc giao lưu tại báo Tuổi Trẻ. Nhiều gia đình có con bị đưa đi trong chiến dịch này cũng có mặt và được lấy mẫu xét nghiệm ADN. Nhưng mãi đến hôm sau ông Triết mới hay.

“Khi tôi tìm đến thì đoàn đã rời VN. Tôi đau khổ ghê gớm, cảm thấy cơ hội rất quan trọng đã bị mình đánh mất” – ông Triết nhớ lại. Không từ bỏ hi vọng, ông liên hệ với phóng viên Tuổi Trẻ – những người đã theo đoàn Babylift suốt thời gian họ ở VN – đề nghị được giúp đỡ.

Tháng 12-2012, ông Triết được mời lấy mẫu ADN theo sự giới thiệu của PV báo Tuổi Trẻ, và từ đó ông đã tìm lại được Tricia. Ông Triết hạnh phúc kể: “Nó viết email cho tôi, chỉnh lại: con không có chữ “Thị”. Chỉ là Nguyễn Ngọc Như. Nó vẫn còn giữ giấy khai sinh của VN (ngày 24-10-1974)”.

“Ngày biết được tin con, tôi viết một hơi 4-5 tờ giấy gửi cho nó. Hai lá thư đầu bằng tiếng Việt nó không đọc được. Thấy trở ngại quá, tôi tập tành viết bằng tiếng Anh. Từ nào không biết thì tra từ điển” – ông Triết hào hứng kể. Và những ngày qua, người cha già 65 tuổi cặm cụi học tiếng Anh, có bữa tới 2g sáng chỉ để không còn rào cản ngôn ngữ ngăn cách hai cha con họ trong ngày đoàn tụ sắp tới.

MINH HUỲNH – MY LĂNG