26/11/2024

Con thật có lỗi với mẹ

Tôi từng rất tệ với mẹ mình. Khi mẹ qua đời, tôi càng thấm hiểu sự tệ bạc của những đứa con dành cho đấng sinh thành. Kỳ lạ thay, theo thời gian, những chuyện ấy không phai mờ mà càng hiện rõ mồn một, in đậm trong ký ức.

Con thật có lỗi với mẹ

Tôi từng rất tệ với mẹ mình. Khi mẹ qua đời, tôi càng thấm hiểu sự tệ bạc của những đứa con dành cho đấng sinh thành. Kỳ lạ thay, theo thời gian, những chuyện ấy không phai mờ mà càng hiện rõ mồn một, in đậm trong ký ức.

Tấm lòng người mẹ như bệ phóng giúp con trưởng thành – Ảnh: Như Hùng 

Là con gái trong gia đình đông con, hồi nhỏ tôi bị bỏ bê là chuyện hiển nhiên.

Tôi từng rất tệ

 

Có lần con nhìn mẹ bằng đôi mắt chan chứa yêu thương và lòng biết ơn, hỏi mẹ: “Lớn lên, con biết làm gì để đền ơn mẹ?”. Mẹ nói rất thật lòng: “Con nuôi được cháu ngoại của mẹ như mẹ nuôi con là con đã trả ơn cho mẹ rồi đó!”

 

Mẹ làm lụng đầu tắt mặt tối, chẳng có thì giờ trông coi lũ trẻ. Tôi lớn lên thiếu vắng sự âu yếm của mẹ và không khỏi tủi thân, thèm khát khi nhìn thấy cảnh người mẹ có những cử chỉ âu yếm, dịu dàng với con cái. Tôi thấy ngán ngẩm học hành vì mẹ tôi nghiêm khắc quá đỗi. Tuy nhiên, khi có đứa con nào đột nhiên đổ bệnh hay bị một tai nạn giáng xuống, mẹ rất lo lắng, cưng chiều. Một lần, tôi bị bệnh khá nặng, mẹ tất tả đưa tôi đến nhà ông y sĩ khám bệnh, mua áo đẹp, mua cặp, bút viết đẹp cho tôi, thể như những việc ấy sẽ làm cho tôi lành bệnh. Tôi có cảm giác khi bị bệnh, trong mắt mẹ, tôi mới tồn tại trên đời. Tôi ao ước mình bị bệnh hoài, bệnh mãi…

Vì muốn được mẹ quan tâm, cưng chiều, tôi giả bộ vẫn chưa hết bệnh, vẫn không muốn ăn gì. Khi mẹ sờ tay lên trán, tôi nằm thiêm thiếp như ngủ khiến mẹ vô cùng lo lắng. Tôi làm bộ ho lên từng tràng. Tôi cho tay vào miệng, cắn vào ngón tay, mửa ra cả bụm máu. Mẹ xanh mặt, hốt hoảng, tôi lại thấy sung sướng, đơn giản vì tôi thấy mình quan trọng. Có một lần nửa đêm có tràng súng nổ, mẹ hốt hoảng kéo chúng tôi xuống hầm trú ẩn. Mẹ mang mùng mền gối xuống hầm cho chúng tôi. Tuổi thơ vô tư, vô tâm, vô tình, với bản tính hiếu động, đang tuổi ăn tuổi lớn, mấy anh chị em chúng tôi nhanh chóng biến căn hầm thành một thế giới để vui chơi, khám phá. Trong lúc chúng tôi chơi đủ thứ trò trong căn hầm thì mẹ tôi lặng lẽ bò ra ngoài, bất chấp lằn đạn bỏng rát từ hai phía, mang thức ăn nước uống tiếp tế cho chúng tôi, đậy lại nắp hầm cho kín… Trong lúc mẹ mong cuộc chiến nhanh chóng trôi qua để mẹ còn kịp ra đồng làm lụng, cấy hái thì tôi cứ muốn súng nổ hoài để được chui xuống hầm, mong được đổ bệnh để được mẹ quan tâm, lo lắng, tôi quả là đứa con quá tệ.

Tôi nhớ mình còn tệ rất nhiều chuyện. Tôi ghét cay đắng ai sai bảo, nhắc nhở mình. Tôi dự định lấy vở ra học bài nhưng nghe mẹ nhắc: “Sao con không học bài đi?” là tôi nổi giận đùng dùng, giậm chân phản kháng, thậm chí quăng tung tóe cặp sách. Nhà làm mấy mẩu ruộng, việc trong nhà ngoài đồng dồn lên đôi vai mẹ, rất cần người đỡ đần. Nhưng thấy anh chị em chúng tôi học bài mẹ không bao giờ sai bảo điều gì. Mẹ lặng lẽ làm mọi việc cho chúng tôi an tâm học hành. Mẹ vẫn thường nói: “Lấy gạo đong chữ, miễn các con học giỏi là mẹ mừng, hết mệt!”. Lợi dụng điều này, mỗi khi cần trốn việc, tôi ngồi vào bàn làm ra vẻ chú tâm học hành, kỳ thực đôi khi chỉ để đọc truyện kiếm hiệp… Mất mẹ, tôi càng nhớ ra những chuyện tệ của mình trong đời thường, dài dằng dặc. Ngẫm ra, tôi lúc còn nhỏ đủ thói hư tật xấu: ăn cắp, nói dối, điêu ngoa, hỗn láo, lười biếng.

Kỳ lạ thay, mẹ độ lượng vô ngần khi lý giải cái sự tệ của tôi: “Ôi, con nít mà!”. Đọc báo, biết những sự đối xử tàn bạo của người lớn với trẻ con, tôi vẫn thường tự hỏi: “Ngày ấy, nếu đứa con nít quá tệ như tôi không có được sự giáo dục của nhà trường, của gia đình, mà trên tất cả là tấm lòng người mẹ, liệu tôi có trưởng thành như ngày hôm nay không?!”.

Cố gắng là người mẹ tốt

Rồi tôi làm mẹ. Một lần muốn “định hướng” lòng hiếu thảo, tôi kể cho con nghe truyện sự tích bông vạn thọ. “Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ, có một em bé mồ côi cha, nhà nghèo nhưng rất hiếu thảo. Một hôm, mẹ em đột ngột ngã bệnh. Bệnh của bà ngày càng nặng. Khi nghe thầy lang giỏi nhất trong làng nói bà sẽ không qua khỏi, cô bé ôm mẹ than khóc đau xé lòng, làm ông tiên cảm động hiện ra trước mặt em, mách rằng ở núi Vạn Thọ có loài cây có thể cứu sống mẹ em. Tuy nhiên, em phải tự đi hái thuốc về, đường đi rất nguy hiểm, vất vả… Đi tìm cây thuốc cho mẹ, cô bé phải vượt qua cánh rừng đầy cọp, beo, sư tử…; vượt qua sa mạc nóng như thiêu đốt vào ban ngày, lạnh buốt vào ban đêm; vượt qua dòng sông đầy sóng dữ, đầy cá sấu; đi qua những cánh đồng hoang vu đầy tuyết giá… Cuối cùng cô bé cũng lên được đỉnh núi Vạn Thọ nhưng chẳng thấy gì. Dưới chân em chỉ là mặt đất lổn nhổn đá… Em tuyệt vọng gục xuống òa khóc. Nước mắt em rơi xuống đá. Kỳ diệu thay, từ đá nứt ra mọc lên một cái cây. Em bé mừng rỡ mang cây thuốc về nhà. Nhờ cây thuốc quý ấy mà mẹ em được cứu sống. Em trồng cây thuốc chữa bệnh thêm cho nhiều người. Dân làng nhờ cây thuốc ấy mà trường thọ nên đặt tên cho cây thuốc quý ấy là Vạn Thọ”…

Sau câu chuyện, tôi hỏi con: “Con có thích cô bé trong truyện sự tích bông vạn thọ không?”. “Dạ thích”. “Vì sao con thích?”. “Vì cô bé rất hiếu thảo”. “Vậy nếu mẹ lâm bệnh nặng, con có hiếu thảo và dũng cảm như cô bé trong truyện sự tích bông vạn thọ không?”. Con bé lắc đầu quầy quậy: “Không, không đâu mẹ. Đi như vậy cọp ăn thịt con sao? Con sẽ té từ trên đỉnh núi tan xác, cá sấu sẽ ăn thịt con! Không, con sợ lắm!”. Tôi trợn mắt đầy thất vọng: “Trời đất, vậy con để mặc mẹ chết sao?”. Con bé hốt hoảng: “Mẹ ơi, mẹ đừng chết. Con không đi lên núi Vạn Thọ tìm cây thuốc nhưng con đưa mẹ đi đến bác sĩ Diệu (vị bác sĩ tư có phòng mạch gần nhà tôi) như mỗi lần con bệnh… Bác sĩ cho nhiều thuốc lắm. Mẹ uống thuốc là hết bệnh liền, không cần phải lên núi Vạn Thọ, hả mẹ?”. “Ờ cũng…”.

Tôi trở nên lúng túng. Con không dám vượt qua hiểm nguy đi tìm thuốc cho mẹ như cô bé hiếu thảo trong truyện nhưng cũng tìm một giải pháp rất thực tế. Con tệ mà mẹ mừng muốn khóc vì biết con mình biết phản biện ở tuổi lên 5! Cũng như khi con gái cằn nhằn không muốn nghe mẹ giảng giải chuyện kỹ năng sống, chuyện chọn nghề, chuyện giới tính… vì đã quá khuya, con cần ngủ đủ giấc để ngày mai không ngủ gục trên lớp, mẹ không khỏi chạnh lòng vì con lớn, mẹ không còn ôm nổi con trong vòng tay, nựng nịu mọi lúc mọi nơi như lúc con còn nhỏ. Vậy mà con thức khuya đợi cô bạn đi diễn văn nghệ về, ân cần hỏi bạn ăn cơm chưa, tìm bàn chải đánh răng cho bạn, giúp bạn tẩy trang, chuyện trò rôm rả, tíu tít với bạn đến 1g sáng, mẹ lại mừng vì con biết chia sẻ, quan tâm, săn sóc người thân như mẹ từng chăm sóc con! Có lần con nhìn mẹ bằng đôi mắt chan chứa yêu thương và lòng biết ơn, hỏi mẹ: “Lớn lên, con biết làm gì để đền ơn mẹ?”. Mẹ nói rất thật lòng: “Con nuôi được cháu ngoại của mẹ như mẹ nuôi con là con đã trả ơn cho mẹ rồi đó!”. Một điều sâu thẳm tôi không thể nói: “Mẹ cố gắng làm người mẹ tốt là để chuộc lỗi đã từng quá tệ với bà ngoại của con”…

TRẦM HƯƠNG