16/01/2025

Cô bé bóc hạt điều sẽ trở lại trường

Với sự giúp đỡ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Thị Ngọc Như – nhân vật trong bài viết “Cô học trò từ bỏ ước mơ đến trường” (Tuổi Trẻ 16-6), tác giả bức thư lay động “Em muốn mang khăn quàng đỏ” – sẽ trở lại trường.

Cô bé bóc hạt điều sẽ trở lại trường

Với sự giúp đỡ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Thị Ngọc Như – nhân vật trong bài viết “Cô học trò từ bỏ ước mơ đến trường” (Tuổi Trẻ 16-6), tác giả bức thư lay động “Em muốn mang khăn quàng đỏ” – sẽ trở lại trường. 

Niềm vui đã quay trở lại với Ngọc Như – Ảnh: Bùi Liêm

 

Tại xưởng bóc hạt điều ở thôn 3, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), nơi Nguyễn Thị Ngọc Như đã làm một năm qua. Như cho biết suốt mấy ngày qua thầy cô, bạn bè trong trường đến tận nhà chúc mừng, động viên Như đi học trở lại. Như cũng đã nhận được điện thoại từ nhiều người hứa sẽ hỗ trợ kinh phí, miễn là Như có quyết tâm đi học lại. Và Như hứa với mọi người sẽ chuẩn bị hành trang ngay từ bây giờ để đến trường học.

 

“Mấy ngày nay ngồi làm trong xưởng thấy Như vui lắm. Hỏi thì Như nói là sắp được đi học lại vì có nhiều người giúp đỡ. Thấy Như vui, nhiều người cũng vui lây, mừng cho con bé”

Chị HOAlàm chung xưởng 
với Ngọc Như

 

Các thầy cô cũ của Như cho biết sẽ ôn luyện, củng cố, bồi dưỡng kiến thức miễn phí tại nhà riêng bất kể lúc nào khi Như có thời gian rảnh. Cô Sương, giáo viên chủ nhiệm của Như trước đây, nói: “Ngọc Như sinh ra trong một gia đình nghèo, nghèo về vật chất và thiếu thốn về tình cảm nhưng đầy nghị lực sống. Tôi tin nếu được tạo điều kiện, em sẽ học tập tốt và trở thành công dân có ích cho xã hội sau này”. Chính cô Sương đã chở Như ra ngân hàng mở tài khoản để mọi người tiện giúp đỡ Như.

Bạn bè của Như cũng sẽ đồng hành với Như trong hè này. “Chúng em sẽ giúp sách vở, xây dựng tổ nhóm học tập để Như theo kịp bạn bè trước khi bước vào năm học mới” – Phương, bạn học của Như, nói. Ngọc Như tâm sự những đêm qua trong giấc ngủ Như mơ mình đang ngồi ngay ngắn trong lớp nghe thầy cô giảng bài rồi tung tăng dưới sân trường giữa đông đúc bạn bè nô đùa, chạy nhảy…

Như mong muốn được xét đặc cách học tiếp lên lớp 9 thay vì lớp 8. “Sau khi học xong lớp 7, em đã tự học kiến thức lớp 8 và trong hè này sẽ cố gắng tiếp tục học tập để đến ngày nhập học đảm bảo sẽ theo kịp chương trình lớp 9 nếu được đặc cách”. Như cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn Như phải đi học muộn 2 tuổi, bây giờ nếu học lớp 8 thì Như quá “già” so với các bạn trong lớp. Hiện Như đã lên kế hoạch cho việc đi học trở lại. Như sẽ vừa học vừa làm, tức nửa ngày đi học trên lớp, nửa ngày còn lại tiếp tục đi bóc hạt điều để lấy tiền lo cuộc sống, thuốc men cho bà ngoại và đóng học phí cho đứa em con dì.

Sau khi hay tin con gái mình được giúp đỡ, bà Nguyễn Ngọc Dung, mẹ Như, cũng rất vui và đồng ý cho em đi học lại. Người phụ nữ ấy nói bà đã làm hết sức để con mình được ăn học, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên không thể lo liệu nổi, đành để con bỏ học giữa chừng lao vào đời làm lụng kiếm sống. Bà Dung chia sẻ: “Người mẹ nào sinh con ra chẳng muốn cho con được ăn học đến nơi đến chốn để trở thành người hữu ích, nhưng cũng vì quá khó khăn mà tôi phải để cháu nghỉ học. Nhìn con phải nghỉ học đi làm tôi thấy rất đau đớn, nhiều lúc nghĩ sao con gái bất hạnh thế. Con phải như vậy lỗi cũng tại tôi. Khi báoTuổi Trẻ đăng bức thư, tôi đọc mà nuốt ngược nỗi đau vào lòng. Nhân đây tôi xin cảm ơn tấm lòng của mọi người, nếu được giúp đỡ tôi tin cháu sẽ học tập tốt”.

BÙI LIÊM

 

 

Quỹ “Trò nghèo vùng cao” hỗ trợ Ngọc Như đến trường

Bên cạnh các nhà hảo tâm, Ngọc Như còn được quỹ “Trò nghèo vùng cao” (tổ chức thực hiện chương trình “Cơm có thịt”) hỗ trợ mỗi tháng để Như yên tâm, tiếp tục đến trường. Cụ thể, quỹ sẽ liên kết với nhà trường, đều đặn gửi 3 triệu đồng/tháng vào tài khoản do thầy Nguyễn Thanh Hồng – hiệu trưởng nhà trường – đứng tên. Hằng tháng thầy Hồng sẽ rút số tiền ấy gửi gia đình Như, giúp Như trang trải việc học và những sinh hoạt khác trong gia đình.

“Quỹ sẽ cố gắng kết hợp với nhà trường để giúp Như tiếp tục đi học và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Dù lên các cấp lớp cao hơn, quỹ vẫn sẽ đảm bảo cho Như học tốt, không phải đi làm như bây giờ” – ông Trần Đăng Tuấn, chủ tịch sáng lập quỹ “Trò nghèo vùng cao”, nói.

Thầy Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ: “Nhà trường đã đến vận động gia đình Ngọc Như cho em ra lớp vào năm học 2014-2015 và sẽ động viên, giúp đỡ em học tốt. Đồng thời nhà trường sẽ phối hợp với quỹ trong việc cấp tiền hỗ trợ, theo dõi, đảm bảo sử dụng hiệu quả, thông báo những biến động trong hoàn cảnh và báo cáo với quỹ”.

MỸ DUYÊN