Nhà không có đàn ông
Thiếu bóng người chồng – người con trụ cột, nhưng vẫn đầy đặn mọi tảo tần, lo toan của người vợ – người mẹ, hiến tặng đất nước mọi sự nhung nhớ bình thường, cho người lính yên lòng giữ biển.
Nhà không có đàn ông
Thiếu bóng người chồng – người con trụ cột, nhưng vẫn đầy đặn mọi tảo tần, lo toan của người vợ – người mẹ, hiến tặng đất nước mọi sự nhung nhớ bình thường, cho người lính yên lòng giữ biển.
|
Lê Thị Khánh Vân, sinh năm 1980 là giáo viên tiểu học ở xã An Thái (An Lão, TP.Hải Phòng) là vợ của kiểm ngư viên (KNV) Đào Huy Cận (tàu KN-634, Vùng KN 1) vốn là cô gái “phố” Kiến An, từ bé cho đến khi học Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng, chả bao giờ biết đến hái rau, nhổ cỏ. Ấy thế nhưng khi gặp và lấy chàng lính biển Đào Huy Cận, nhà ở tít tắp giữa thôn Thạch Lựu (An Thái, An Lão) Vân khăn gói về nhà chồng, lóc cóc đi xin việc.
“Bố ơi ! Bế… cháu !”
Năm 2005 và 2011, bé gái Đào Phương Trang và Đào Phương Thúy chào đời, khi bố vẫn đang lênh đênh ngoài biển. Sợi dây nối giữa 3 bố con, chỉ là những cuộc điện thoại hiếm hoi khi tàu về bờ. Đến tận giờ, khuôn mặt bố Cận chỉ khắc họa trong lòng con trẻ qua những tấm ảnh và ngay bé Thúy, nói chuyện suốt vậy nhưng cứ khi bố về vẫn nhầm: “Bố ơi! Bế… cháu!”.
Nói về gia đình anh Đào Duy Cận, người dân xã An Thái lắc đầu: “Quá vất vả!”. Lương của Cận gần 7 triệu đồng, trừ tiền ăn, mỗi tháng anh gửi 5 triệu cho vợ. Cô giáo Vân, 12 năm qua vẫn trong diện hợp đồng lao động, nhận 22.000 đồng/tiết dạy, tổng thu nhập khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng.
Buổi sáng tháng 5 nóng bỏng, tôi ngồi trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo, nghe người mẹ 77 tuổi nhắc đến con, người vợ 34 tuổi kể chuyện chồng và 2 đứa con gái chưa tròn 10 tuổi bi bô gọi tên cha. Tháng 11.2013, anh Cận về nghỉ phép năm. Vừa từ Đà Nẵng ra đến quê, chưa đặt ba lô đã nhận điện thoại: “Cơn bão số 14 Hai Yan – Hải Âu chuẩn bị đổ bộ vào Đà Nẵng, vào ngay để làm nhiệm vụ cứu hộ – cứu nạn!”. Cô giáo Vân xin nghỉ dạy buổi chiều, tất tưởi về nhà, thấy chồng lặng lẽ ngồi đút cơm cho con, thắc mắc: “Hay em mắc lỗi gì?”. 2 tiếng sau, chồng bước chân ra ngõ dặn dò: “Việc đơn vị, anh không bỏ được!” và mẹ chồng động viên: “Chồng con việc dân việc nước, thông cảm cho nó!”, cô mới òa khóc.
Đầu tháng 5, trước khi tàu nhổ neo rời cảng Đà Nẵng ra Hoàng Sa đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou – 981) của Trung Quốc, anh Đào Duy Cận gọi điện về báo: “Ra biển làm nhiệm vụ dài ngày!”. Bằng trực giác của người mẹ, bà Vũ Thị Nhàn biết ngay con mình làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm: “Phải thế nào, nó mới gọi cho từng người, dặn dò kỹ lưỡng như vậy!” và lau nước mắt: “Ruột gan nóng bừng từng ngày chú à!”.
Hôm giỗ bố anh Cận, mãi tối 4 mẹ con bà cháu mới hì hục làm xong mâm cơm cúng. Cả nhà vừa bưng bát cơm thì VTV phát phóng sự đầu tiên trên chương trình Thời sự thông tin việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng vào tàu KN, Cảnh sát biển. Bà mẹ hực lên đau đớn: “Thằng Cận đang ở ngoài Hoàng Sa rồi!”, bát cơm vỡ tan dưới đất, 2 đứa trẻ òa khóc theo. Khoảng thời gian đó ngoài Hoàng Sa, tàu KN-634 bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, vỡ hết kính lái và Đào Huy Cận bị thương vào phần mềm.
Thiếu úy Trần Kim Ba (người mặc quân phục, giơ tay) đón các phóng viên từ tàu KN sang tàu CSB-4032 trên vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Nhìn con qua điện thoại
Ngày 15.5, sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Biên đội tàu KN Vùng 4, tôi được tàu CSB-4032 đón về bờ. Thiếu úy lái ca nô vượt sóng cập mạn tàu KN và đưa tôi lên CSB-4032 là Trần Kim Ba, quê Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa. Suốt hành trình từ Hoàng Sa về Đà Nẵng, Ba hầu như không ngủ, căng mắt lựa từng con sóng đưa tàu (bị tàu Trung Quốc đâm hỏng mạn phải) cập bờ an toàn. Nói chuyện mới biết, hoàn cảnh gia đình của Ba rất khó khăn: Mẹ bị ung thư thanh quản, điều trị khắp nơi và bây giờ đang nằm tại Bệnh viên Ung thư Đà Nẵng, mỗi mình ông bố Trần Kim Ngọ chăm sóc; vợ Nguyễn Thị Vân sinh năm 1988, làm cô nuôi tại trường mầm non của xã, một mình chăm sóc đứa con Trần Long Phú mới 5 tháng tuổi. Chia tay ở cảng, Trần Kim Ba dặn: “Em về sửa tàu rồi lại đi ngay. Có lẽ cũng chả kịp sang bệnh viện thăm mẹ. Anh có công tác qua Thanh Hóa, ghé qua nhà thăm vợ con hộ em. Từ tết đến giờ, chưa được gặp!”.
Đầu tháng 6, tìm đến nhà Trần Kim Ba ở gần chợ Quảng Thái, trao số tiền 10 triệu đồng do bạn đọc chương trình Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông của Báo Thanh Niên gửi tặng, cứ thấy xon xót trong lòng khi thấy cô vợ trẻ ẵm đứa con trai, ngồi trước màn hình ti vi đợi xem thời sự mong nhìn mặt chồng, trong căn nhà vắng ngắt, chỉ 2 mẹ con bữa bột – hộp sữa qua ngày. Vân cười qua nước mắt: “Anh chụp cho mẹ con mấy tấm hình, chuyến sau có ra đưa chồng em xem. Từ hồi sinh thằng cu, chồng em toàn nhìn con qua điện thoại!”.
Hai bà chăm 2 cháu
Kề bên con đường xuyên qua thôn Lâm Tây (xã Đồng Lâm, Tiền Hải, Thái Bình), có một ngôi nhà 2 tầng mới xây nằng nặng khói hương. Hỏi ra mới biết đó là căn nhà của KNV Phan Thanh Vỹ (tàu KN-799, Vùng KN 3) đang làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa từ đầu tháng 5 đến nay. Trong căn nhà, bàn thờ cô giáo Đoàn Thị Liễu, vợ anh Vỹ, vẫn tạm bợ mặt bàn, nép bên tường bởi chưa đủ 100 ngày cúng cơm, đóng bàn thờ mới theo phong tục.
Buổi chiều, bà Đoàn Thị Huê (sinh năm 1947, mẹ anh Vỹ) tất tưởi nhờ hàng xóm qua trường đón 2 cháu đang học thêm. Vừa về đến nhà, cậu cả Phan Thanh Hải (sinh năm 2006) đã kéo em gái Phan Thị Hương Trà (sinh năm 2011) vào chắp tay vái mẹ. 2 đứa trẻ lũn cũn không cao quá mặt bàn thờ tạm, nên có muốn lắm cũng phải nhờ bà thắp và cắm hương.
Nhà anh Vỹ neo người. Cả bên nội và ngoại, chỉ còn bà sống đơn chiếc trong căn nhà đã mất bóng đàn ông. Hồi chị Liễu còn sống, suốt ngày tất tả qua lại chăm sóc 2 bà, thay cho chồng biền biệt ngoài biển. Chị Liễu mất, bà nội khóa cửa nhà mình ra ở nhà anh Vỹ, vừa chăm cháu vừa cúng cơm. Được mấy ngày mệt quá, bà ngoại xin “chia lửa” việc nấu ăn tối, tắm giặt và lo 2 đứa trẻ ngủ đêm, thay cho bố Vỹ biệt tăm không một dòng tin cuộc điện.
Tôi tìm đến nhà anh Vỹ, nhìn cảnh 2 đứa trẻ mặt buồn rười rượi, mắt ngân ngấn nước dính chặt vào màn đêm mờ dần cuối đường chờ bố mẹ, thấy cuộc sống chỉ giá trị với 2 chữ trọn vẹn: Gia đình. Bà nội Đoàn Thị Huê kể: Tối nào, 2 đứa cũng dán mắt vào màn hình ti vi đợi xem tin tức của phóng viên VTV truyền về từ tuyến đầu Hoàng Sa. Cứ nhìn thấy tàu KN màu vàng đỏ, con bé lại bi bô hỏi: “Bố kia kìa, phải không?”, khiến thằng anh gật gù: “Bao giờ về bờ, bố đưa anh em chúng mình vào Đà Nẵng chơi, nhỉ!”.
Thằng anh bảo đứa em: “Sau này lớn, anh làm bộ đội hải quân, thay cho bố Vỹ về nhà chăm em, nhé!”. Con bé lúc lắc đuôi tóc: “Bố Vỹ về với em!” và ngước mắt buồn lóng lánh nước, nhìn ra cuối đường làng xa hút: Chỗ ấy là biển Tiền Hải nổi cồn sóng bạc đầu, hướng thẳng tới Hoàng Sa…
Những ngày đầu tháng 6.2014, phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại các vùng miền đã tìm đến gia đình thân nhân của 48 cán bộ chiến sĩ KN, Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại vùng biển Hoàng Sa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc bị thương, để động viên và chia sẻ. Bên cạnh đó, Báo Thanh Niên cũng trao tận tay gia đình phần quà của bạn đọc đóng góp vào chương trình Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông với số tiền 10 triệu đồng/gia đình. Tổng số tiền là 480 triệu đồng.
|
Mai Thanh Hải