Thực tại tình yêu trong Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi

Ngày hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là ngày lễ của Thiên Chúa, của trọng tâm đức tin chúng ta. Khi suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi, điều xuất hiện đầu tiên trong tâm trí chúng ta là chiều kích của mầu nhiệm: Thiên Chúa là Ba và Thiên Chúa là Một, một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị.

 Thực tại tình yêu trong Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi

 

Viếng thăm mục vụ giáo phận Saint-Marin-Montefeltro
Vận động trường Serravalle – Cộng hoà Saint-Marin
Chúa Nhật XII TN Lễ Chúa Ba Ngôi, 19/6/2011

Anh chị em thân mến!

Tôi hết sức vui mừng được cùng anh chì em bẻ Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể và  gửi lời chào thân ái nhất của tôi đến anh chị em, thưa anh chị em Saint-Marin thân mến. Tôi đặc biệt chào các vị Thủ lĩnh Nhiếp chính và các cấp chính quyền chính trị và dân sự đang hiện diện trong buổi cử hành Thánh Thể này; với tâm tình quý mến, tôi xin chào Đức cha Luigi Negri, Mục tử của anh chị em. Tôi xin cảm ơn những lời chào đón của ngài và cùng với ngài, tôi xin chào các linh mục và tín hữu thuộc giáo phận Saint-Marin – Montefeltro; xin chào mỗi người trong anh chị em. Xin cảm ơn anh chị em đã đón tiếp tôi một cách chân thành và quý mến. Tôi đến chia sẻ với anh chị em những niềm vui và hy vọng, những khó khăn và cam kết, những lý tưởng và khát vọng của cộng đoàn giáo phận này. Tôi biết rằng nơi đây cũng không thiếu những khó khăn, những vấn nạn, những lo âu. Tôi xin nói với tất cả anh chị em tôi luôn gần gũi và nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện, và cùng với lời cầu nguyện, tôi khuyến khích anh chị em bền tâm làm chứng cho những giá trị nhân bản và Kitô giáo đã được bén rễ sâu trong đức tin và lịch sử của vùng đất này và của dân tộc này, cùng với đức tin sắt đá đã được Đức Giám mục của anh chị em nói tới.

Ngày hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là ngày lễ của Thiên Chúa, của trọng tâm đức tin chúng ta. Khi suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi, điều xuất hiện đầu tiên trong tâm trí chúng ta là chiều kích của mầu nhiệm: Thiên Chúa là Ba và Thiên Chúa là Một, một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị. Trong thực tế, Thiên Chúa trong sự cao cả của ngài không thể là điều gì khác ngoài một mầu nhiệm đối với chúng ta, thế nhưng Ngài lại mạc khải cho chúng ta: chúng ta có thể biết Thiên Chúa trong Con của Ngài, và như thế, cũng biết được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng phụng vụ hôm nay không làm cho chúng ta chú ý đến mầu nhiệm cho bằng thực tại của tình yêu được chứa đựng trong mầu nhiệm đầu tiên và cao cả nhất của đức tin chúng ta. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một bởi vì các Ngài là tình yêu và tình yêu là sức mạnh tuyệt đối phát sinh sự sống; sự hợp nhất do tình yêu tạo nên thì cao cả hơn sự hợp nhất thuần tuý tự nhiên. Chúa Cha ban tất cả cho Chúa Con; Chúa Con nhận lãnh tất cả từ Chúa Cha với lòng tri ân; và Chúa Thánh Thần như hoa quả của tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Các bản văn trong Thánh lễ hôm nay đều nói về Thiên Chúa, và như thế, nói về tình yêu; các bản văn này không nói nhiều về Ba Ngôi vị cho bằng nói về tình yêu là bản tính của Thiên Chúa và đồng thời là duy nhất tính và tam vị.

Đoạn văn đầu tiên mà chúng ta vừa nghe được trích từ sách Xuất Hành – tôi đã dừng lại suy nghĩ về bản văn này trong bài huấn giáo mới đây vào ngày thứ Tư – và thật đáng ngạc nhiên là Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Ngài sau khi dân chúng phạm một lỗi nặng. Giao ước trên núi Sinai vừa được ký kết xong thì dân chúng đã bất trung. Ông Môisen vắng mặt lâu ngày và dân chúng đã nói với nhau: «Nhưng ông Môisen đã đi đâu rồi và Thiên Chúa của ông đâu?», và dân chúng đã xin Aaron đúc cho họ một vị thần hữu hình, có thể tới gặp, có thể thao túng trong tầm tay của con người, để thay cho vị Thiên Chúa huyền nhiệm, vô hình, ngàn trùng xa cách này. Ông Aaron bằng lòng và đúc cho họ một con bê bằng vàng. Khi xuống núi Sinai, ông Môisen thấy sự việc xảy ra, ông liền đập vỡ hai bia giao ước, và chúng đã bị vỡ tan tành, hai bia đá mà trên đó «Mười Giới răn» là nội dung cụ thể của thoả thuận với Thiên Chúa đã được khắc. Tất cả dường như đã bị đánh mất, tình bạn, ngay từ lúc bắt đầu, dường như đã bị cắt đứt ngay lập tức. Thế nhưng, cho dù dân chúng đã phạm lỗi lớn này, Thiên Chúa, qua lời cầu khẩn của Môisen, đã quyết định tha thứ và gọi ông lên núi để nhận lại luật của Ngài là Mười Giới răn và ký lại Giao ước. Lúc đó, Môisen xin Thiên Chúa mạc khải chính mình, xin cho ông thấy mặt của Ngài. Nhưng Thiên Chúa không cho ông xem thấy dung mạo của Ngài, mà đúng hơn, Thiên Chúa lại mạc khải hữu thể đầy nhân từ của Ngài qua những lời sau đây: «Đức Chúa, Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và hay thương xót, chậm bất bình, giàu ân sủng và trung tín» (Xh 34,8). Đó chính là Gương Mặt của Thiên Chúa. Câu Thiên Chúa định nghĩa mình biểu lộ tình yêu giàu lòng nhân hậu của Ngài: một tình yêu chiến thắng tội lỗi, phủ che tội lỗi, loại trừ tội lỗi. Và chúng ta có thể luôn luôn tin chắc chắn rằng lòng nhân từ này sẽ không bỏ rơi chúng ta. Không có sự mạc khải nào rõ ràng hơn thế. Chúng ta có một vị Thiên Chúa từ bỏ ý định tiêu diệt tội nhân và muốn chỉ cho họ thấy tình yêu của Ngài qua một đường lối còn sâu xa và lạ lùng hơn nữa, để luôn cho họ khả năng hoán cải và nhận được ơn tha thứ.

Bài Tin Mừng kiện toàn mạc khải mà chúng ta đã nghe trong bài đọc I, bởi vì bài Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa đã chứng tỏ lòng nhân từ của Ngài đi đến mức độ nào. Thánh sử Gioan đã ghi lại câu nói sau đây của Đức Giêsu: «Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một mình, để bất cứ ai tin vào Người Con sẽ không phải hư mất, nhưng được sống đời đời» (3,16). Trên trần gian có sự dữ, ích kỷ, độc ác, và Thiên Chúa có thể đến xét xử trần gian này, để huỷ diệt sự dữ, để trừng phạt những ai hành động trong tối tăm. Nhưng trái lại, Thiên Chúa chứng tỏ Ngài yêu thế gian, Ngài yêu con người, mặc dù con người phạm tội, và Ngài gửi đến cho thế gian điều quý giá nhất đó, Người Con duy nhất của Ngài. Thiên Chúa không chỉ gửi Con của Ngài, mà  còn ban Con của Ngài như món quà cho thế gian. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người đã sinh ra vì chúng ta, Người đã sống vì chúng ta, Người đã chữa lành các bệnh nhân, đã tha thứ tội lỗi, đã tiếp đón mỗi người. Để đáp lại tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con đã thí mạng sống mình vì chúng ta: trên cây Thánh giá, tình yêu giàu lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã đạt tới đỉnh điểm. Và chính trên Thánh giá mà Con Thiên Chúa  đã cho chúng ta được tham dự vào đời sống vĩnh cửu, và sự sống này đã được thông ban cho chúng ta cùng với ân huệ Thánh Thần. Như thế, trong mầu nhiệm Thánh giá đã hiện diện Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha ban tặng Người Con duy nhất của mình để cứu chuộc thế gian; Chúa Con chu toàn trọn vẹn chương trình của Chúa Cha; Chúa Thánh Thần – mà Đức Giêsu đã đổ tràn cho chúng ta qua cuộc tử nạn của Người – đến làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh, đến biển đổi cuộc đời chúng ta để được sinh động nhờ tình yêu của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến! Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là đặc tính của Giáo hội Saint-Marin-Montefeltro này theo dòng lịch sử cổ xưa thật quang vinh. Việc rao giảng Phúc Âm cho vùng đất này đã được gán cho hai thánh làm nghề đẽo đá là Thánh Marin và Thánh Léon sống giữa thể kỷ III sau Chúa giáng sinh. Có lẽ các ngài đã từ Dalmatie  cập bến đến Rimini. Nhờ cuộc sống thánh thiện của các ngài, các ngài đã được Giám mục Gaudence phong cho một người làm linh mục, và người kia làm phó tế và đã sai cả hai vào trong đất liền, một người lên núi Feretro với tên gọi là San Leo, còn vị kia lên núi Titano với tên gọi là Saint-Marin. Ngoài vấn đề lịch sử – mà chúng ta không cần phải bận tâm đào sâu – thật thú vị khi chúng ta khẳng định rằng Thánh Marin và Léon đã mang vào bối cảnh thực tế địa phương này, cùng với niềm tin vào Thiên Chúa mạc khải trong Đức Giêsu Kitô, những viễn tượng và những giá trị mới, xác định việc khai sinh ra một nền văn hoá và một nền văn minh đặt trọng tâm vào con người là hình ảnh của Thiên Chúa, và như thế là người mang đến đây những quyền có trước mọi pháp chế của con người. Nét đa dạng của các sắc tộc khác nhau – người Rôma, người Goths và sau đó là người Lombards – đã bắt đầu tiếp xúc với nhau, đôi khi trong những tình huống xung đột, đã tìm thấy trong đức tin một nhân tố mạnh mẽ để xây dựng một nền đạo đức, văn hoá, xã hội, và một cách nào đó, chính trị. Đối với họ, một dự án văn minh chỉ được hoàn thành bao lâu mọi hợp phần dân chúng đã trở nên một cộng đoàn Kitô giáo sống động và có cấu trúc rõ ràng được xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, anh chị em Saint-Marinais thân mến, chúng ta có lý khi nói rằng nét phong phú của dân tộc này, nét phong phú của anh chị em đã là và vẫn còn là đức tin, và rằng đức tin này đã sản sinh một nền văn minh thực sự có một không hai. Ngoài đức tin ra, chúng ta cũng phải nhắc lại lòng trung thành tuyệt đối với Giám mục Rôma luôn được Giáo Hội này tôn kính và yêu mến; ngoài ra chúng ta cũng phải nhắc đến sự quan tâm của Giáo Hội này đối với truyền thống lâu đời của Giáo hội Đông Phương và lòng đạo đức sâu xa đối với Đức Trinh Nữ Maria.

Anh chị em có lý khi hãnh diện và biết ơn những gì mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện theo dòng thời gian trong lòng Giáo Hội của anh chị em. Nhưng anh chị em cũng biết rằng cách tốt nhất để đánh giá cao một di sản, đó là trau dồi và phong phú hoá nó. Trong thực tế, anh chị em được kêu mời phát triển kho tàng quý giá này vào một trong thời kỳ có tính quyết định nhất của lịch sử. Ngày hôm nay, sứ mệnh của anh chị em là đương đầu với những biến đổi sâu xa và nhanh chóng về mặt văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị đã xác định những định hướng mới và đã thay đổi các tâm tính, thói quen và  tính nhạy cảm. Thật thế, ở đây cũng thế, không hề thiếu những khó khăn và chướng ngại, nhất là do những lối sống khoái lạc làm hoen mờ tâm trí và có nguy cơ làm tiêu tan mọi giá trị đạo đức. Ta bị cám dỗ cho rằng sự phong phú thật sự của con người không phải là đức tin, mà là quyền hành về mặt cá nhân và xã hội, khả năng hiểu biết,  văn hoá và khả năng của con người trong việc thao tác thực tế về mặt khoa học, công nghệ và xã hội. Như thế, trên những vùng đất này, người ta đã bắt đầu thay thế đức tin và những giá trị Kitô giáo bằng những cái được xem là của cải mà cuối cùng cũng chứng minh cho thấy chúng mâu thuẫn và không giữ được lời hứa về chân lý, sự thiện, vẻ đẹp và công lý mà tổ tiên của anh chị em đã trải qua biết bao thế kỷ để nhận diện nhờ kinh nghiệm của đức tin. Ngoài ra một số lớn gia đình đang trải qua cơn khủng hoảng càng trở nên nặng nề hơn do sự mỏng giòn về mặt tâm lý và tinh thần của các đôi vợ chồng, cũng như những khó khăn mà nhiều nhà giáo dục đã gặp phải để đưa ra  một nền đào tạo liên tục cho các bạn trẻ là những người chịu ảnh hưởng của nhiều tình trạng tạm bợ khác nhau, mà tình trạng bất ổn đầu tiên là vai trò trong xã hội và thời cơ nghề nghiệp của họ.

Các bạn thân mến! Tôi biết rõ mọi thành phần trong Giáo Hội địa phương này đều nỗ lực làm việc để đẩy mạnh những khía cạnh khác nhau của đời sống Kitô hữu. Tôi khuyến khích mọi tín hữu sống như men trong trần gian, tại Montefeltro cũng như tại Saint-Marin như những Kitô hữu dám nghĩ dám làm và kiên định. Ước gì các linh mục, các tu sĩ nam nữ luôn sống hiệp thông thân tình và cụ thể, giúp đỡ và lắng nghe vị mục tử giáo phận của mình. Ước gì anh chị em cũng cảm thấy nhu cầu cấp bách trong việc hồi sinh các ơn gọi linh mục và ơn gọi sống đời thánh hiến đặc biệt: tôi kêu gọi các gia đình và các bạn trẻ mở rộng lòng nhanh nhẹn đáp lại tiếng Chúa gọi. Không ai được nuối tiếc khi sống quảng đại với Thiên Chúa! Còn với anh chị em là những tín hữu giáo dân, tôi khuyên nhủ anh chị em dấn thân cách tích cực trong cộng đoàn, để ngoài những bổn phận công dân, chính trị, xã hội và văn hoá đặc biệt của mình, anh chị em có thể tìm ra thời giờ và sẵn sàng cho đời sống đức tin, cho đời sống mục vụ. Anh chị em Saint-Marinais thân mến! Hãy cương quyết sống trung thành với di sản đã được xây dựng theo dòng thời gian dưới sự thúc đẩy của những vị Thánh Quan thầy vĩ đại của anh chị em, là Thánh Marin và Léon. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban phước lành xuống cho anh chị em trên bước đường phụng sự Chúa hôm nay và mãi về sau, và tôi cầu xin cho tất cả anh chị em: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em!” (2Cr 13,13). Amen!