Giọt nước tràn ly
Tan sở. Trong khi chị em nhanh nhẹn phóng xe ra chợ mua mấy món cho bữa cơm gia đình thì Liên ra vẻ chẳng có gì phải vội. Liên biết rõ mình không muốn về nhà.
Giọt nước tràn ly
Tan sở. Trong khi chị em nhanh nhẹn phóng xe ra chợ mua mấy món cho bữa cơm gia đình thì Liên ra vẻ chẳng có gì phải vội.
|
Những đêm “thơ”… phờ phạc
Liên biết rõ mình không muốn về nhà. Có gì vui đâu? Một ông chồng, nhân viên văn hoá phường, lúc nào cũng đứng trên… lập trường “máu mủ” mà phê phán vợ. Cả tá “láng giềng” gồm cha mẹ chồng, em chồng cùng một lô lít nhít những đứa cháu, cũng… bên chồng, hay ngang dọc trong nhà như những ông chủ, bà chủ, không người này thì người khác.
Lấy nhau được hai năm, vợ chồng tích cóp mua được mảnh đất trăm mét vuông ở ngoại ô. Đang tính giã từ căn phòng ẩm thấp và loang lổ, xây cái nhà cho đàng hoàng thì gia đình chồng bảo bán đất, làm nhà ở gần bà con cật ruột để bảo bọc nhau. Liên lưỡng lự thì chồng thúc giục, nói đất mặt phố bây giờ là vàng, ba má thương mới cho. Tiền bán đất mình “đắp” vô cái nhà cho cao thêm. Từ “ổ chuột”, mình lên một trệt một lầu, sướng quá còn gì. Cám ơn ba má không hết, em còn bày đặt đắn đo.
Liên xuôi theo. Từ khi vợ chồng Liên có ngôi nhà khang trang, Mẹ chồng hay đưa mấy bạn già “lên lầu cho mát” rồi trải chiếu đánh bài cả buổi, cãi nhau ầm ầm. Liên ngán nhứt nhóm 4 ông “thi hữu về hưu”. Đều đặn mỗi tháng 2 lần họ đều kéo nhau tới đây theo lời mời của cha chồng để “sinh hoạt thơ ca”. Vậy là Liên phải tất bật chạy chợ, làm cơm đãi khách, bê từng món lên lầu muốn rũ cẳng, tất nhiên không thiếu khoản bia bọt vì có tiếng “thu nhập ổn định, lại là dâu trưởng”. Những lần như vậy, sinh hoạt gia đình rối tùng phèo. Liên bới cho bé Na đĩa cơm “lưu động”, muốn bưng đâu thì bưng, còn mình thì ăn qua quýt dưới bếp. Ông xã Liên, cha chồng và mấy ông khách ngất ngưởng trên lầu. Họ vừa ăn uống vừa triển khai chương trình “Tiếng thơ đêm”.
Giá như mỗi ông đọc một mạch bài của mình thì đỡ khổ. Đằng này, ông nào cũng đọc vài câu thì dừng lại, giải thích vì sao mình dùng từ này, từ kia, rồi tự đánh giá hay như thế này, “ho” như thế khác. Cuối cùng hỏi mấy ông thấy sao? Ai cũng nói “sâu sắc, súc tích… dzô”. Điều làm Liên thấy ngượng là nghe chồng đọc bài thơ “mới viết”, trong đó nhiều câu Liên biết rõ là được “trích” từ sách ngữ văn 12. Nhà thơ con đã thế, nhà thơ cha lê thê hơn: “Ôi em hỡi phố phường ta đẹp nhỉ/Gái lịch trai tân… chân thiện mỹ từng ngày”. Cả nhóm khen nức nở, vỗ tay rôm rốp, cụng ly côm cốp. Không ai biết Liên phờ phạc chờ đêm thơ “xì tốp”.
“Nhà khách” của dòng họ
Hầu như ngày nào Liên cũng bực mình. Nhiều bữa cơm chưa kịp dọn lên mâm, mấy đứa em chồng đã kéo sang, đứa thì “gắp đẹp” mấy khúc cá chiên; đứa thì “tạm ứng” tô canh chua về lai rai với bạn. Chanh, trứng, dưa, cà… trong tủ lạnh thường bị mấy cô em chồng sang “mượn tạm”. Tới chừng vào bếp, Liên tức muốn khóc vì đụng đâu thiếu đó. Cả nải chuối, túm bánh ở bàn thờ ông Địa chưng chưa trọn ngày cũng bị đám cháu chồng “hồn nhiên” bê xuống, bày ra sa lông nhấm nháp tỉnh bơ. Túm hột dưa dành tiếp khách để trong hộc bàn cũng bị chúng lôi ra ăn xả tùm lum. Đi chợ về, có nửa ký thịt bò chưa kịp lên bếp thì mẹ chồng qua “chia bớt” 2 lạng về “xào với bông thiên lý cho ba mày”. Liên chua chát nhận ra nhà mình đang là “nhà khách” của dòng họ.
Liên tỏ thái độ không vui thì đám em chồng cho là “nhỏ mọn”, nói chị biết nhà này làm trên đất của ai không? Cô trút nỗi ấm ức sang chồng. Anh không chia sẻ mà còn nói đó là máu mủ của tôi. Cô có sang sớt cho người dưng đâu mà tiếc. Mới đây, chồng gằn giọng: “Nếu… mất vợ tui kiếm vợ khác được. Còn mất mẹ cha, tui mất vĩnh viễn. Cô liệu mà ăn ở”.
Liên nghẹn ngào. Cô thấy giọt nước đã tràn ly sau câu nói của chồng.
Trần Cao Duyên