26/11/2024

Cho con tuổi thơ hạnh phúc

Bắt đầu mùa hè là hàng loạt câu hỏi… cũ rích xuất hiện trong tâm trí phụ huynh: Kế hoạch hè cho con là gì? Có nên cho con học thêm không? Cho con đi chơi đâu? Để con ở nhà thì ai trông?…

 

Cho con tuổi thơ hạnh phúc

Bắt đầu mùa hè là hàng loạt câu hỏi… cũ rích xuất hiện trong tâm trí phụ huynh: Kế hoạch hè cho con là gì? Có nên cho con học thêm không? Cho con đi chơi đâu? Để con ở nhà thì ai trông?…

Cho con trẻ nhiều cơ hội được khám phá thế giới xung quanh – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Một lần người viết tiếp cận với một nhóm bạn nhỏ đang chơi ở nhà anh Q.D. (Q.3, TP.HCM). Có thể thấy mọi biểu hiện cảm xúc của trẻ từ hào hứng, sôi nổi, tranh luận, hò hét đến tiu nghỉu, giận dỗi… khi cả nhóm đang bu quanh một cái iPad. Đứa lớn nhất lớp 10, đứa nhỏ nhất lớp 4. Cả nhóm tranh nhau chơi luân phiên một game trên máy.

Thế nào là hạnh phúc?

 

“Cha tôi đã cho tôi một món quà quý giá nhất trên đời, đó là: luôn luôn tin tưởng ở tôi”

JIM VALVANO

 

Thỉnh thoảng chủ nhân – cậu bé lớp 6 – phải lớn tiếng phân xử xem tới lượt ai chơi. Vì vậy với câu hỏi trên, không đợi hỏi thêm, ba trong bốn bạn nhỏ đã nhanh nhảu trả lời ngay: “Chắc là sẽ rất hạnh phúc khi có một cái iPad giống con bác Hai”. Còn con bác Hai mơ ước: “Ước gì ngày nào con cũng được ba mẹ cho chơi máy giống như mấy bữa nay!”.

Nếu ai tiếp xúc nhiều với trẻ hẳn dễ dàng đồng tình là khi được hỏi trẻ thích gì, câu trả lời sẽ xoay quanh: ăn gà rán, đi chơi trung tâm thương mại, đi nhà sách, mua đồ chơi, mua quần áo – giày dép – đồ trang sức đẹp, thích đi chơi với bạn bè, đi xem phim, được cho nhiều tiền dằn túi, có cái điện thoại có thể lên Internet… Tùy độ tuổi, trẻ có những nhu cầu khác nhau, tuy nhiên chỉ trừ một số trường hợp do sự cá biệt thì trẻ sẽ có mong muốn đặc biệt, còn lại phần lớn trẻ ước ao những điều rất cụ thể và thực tế như vậy.

Nhưng nhiều người lớn ngày nay vẫn cho rằng thật tội nghiệp mấy đứa nhỏ bây giờ không còn tuổi thơ. Bởi họ quan niệm trẻ ngày nay phải đi học nhiều, không còn được tắm sông, không còn lượm nắp khoén, nhặt dây thun… Tóm lại, một tuổi thơ tươi đẹp là phải như người lớn ngày xưa, là thả diều bắt bướm, là dang nắng cưỡi trâu ngoài đồng, là tắm mưa, là đá banh giữa đường phố… Rồi cũng chính những người lớn này hằng ngày tặc lưỡi: thôi, biết làm sao được, vì tương lai con em chúng ta, lên kế hoạch cho chúng đi học càng nhiều càng tốt, kể cả ngày hè.

Phải chăng chính vì sự khác biệt này mà người lớn lẫn trẻ em đang loay hoay với việc tìm kiếm mùa hè tươi đẹp, đem lại tuổi thơ hạnh phúc, không đánh mất sự hồn nhiên? Nếu phân định thời gian thành ba mốc: quá khứ – hiện tại – tương lai, có vẻ người lớn đang “hoài cổ” về tuổi thơ của mình cùng với nỗ lực xây dựng tương lai cho trẻ, bỏ qua hiện tại của chính trẻ. Còn trẻ em chỉ biết đến những điều hướng tới việc thỏa mãn nhu cầu sở thích hiện tại của mình! Cũng đúng thôi, vì với trẻ quá khứ thì chưa có, mà tương lai thì chưa đến! Vì vậy, trẻ rất cần người lớn hướng dẫn định hướng tương lai, giúp trẻ những điều kiện phát triển trong thực tại, phù hợp với thời đại. Chính thực tại này sẽ là tuổi thơ tươi đẹp mà trẻ sẽ nhớ về khi chúng đã trưởng thành.

Điều gì đem lại hạnh phúc cho trẻ?

Tại sao phần lớn trẻ khi nói về những mong muốn của mình thường không quên “ước gì mình là người lớn nhỉ?”. Phải chăng làm người lớn sẽ giúp trẻ toại nguyện mọi điều mình thích? Có rất nhiều điều góp phần đem lại hạnh phúc cho tuổi thơ của các em. Tuy nhiên sẽ có những điều bản thân trẻ cũng chưa thể nhận thức hết, người lớn cần định hướng và hỗ trợ tối đa cho trẻ.

– Vui chơi. Bất cứ hoạt động vui chơi lành mạnh nào cũng đem lại cho trẻ những niềm vui và vô vàn cảm xúc đa dạng khác. Trẻ đặc biệt thích chơi cùng nhóm bạn.

– Khen thưởng. Được khen ngợi và có những quà thưởng nho nhỏ tương xứng sẽ đem lại niềm phấn khích khó quên đối với trẻ.

– Tự quyết định và tự làm những điều mình thích.

– Được yêu thương, có cha mẹ, ông bà, người thân chăm sóc.

– Cha mẹ hiểu, tôn trọng và chia sẻ với trẻ, không cãi nhau, nuôi nấng dạy dỗ trẻ tử tế.

– Đọc sách, truyện, coi tivi, xem phim.

– Đi du lịch.

– Ăn uống và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

– Đi học.

– Được bảo vệ. Không bị sỉ nhục, làm tổn thương hoặc xâm hại.

– Đối xử công bằng, giảm thiểu những bất công đối với trẻ…

Còn rất nhiều điều tốt đẹp mà người lớn có thể làm để con trẻ vui và hạnh phúc hơn. Nếu quan tâm và yêu thương trẻ em, ai cũng có thể tiếp tục điền thêm nhiều điều vào danh sách này.

“Ngày cũ của tương lai”

Người ta nói: “Kỷ niệm đẹp không phải vì nó vui hay buồn, mà vì nó không bao giờ trở lại”. Tuổi thơ của mỗi người luôn duy nhất, không có sự lặp lại lần thứ hai. Cũng chính tuổi thơ trong quá khứ đó sẽ là tiền đề, nền tảng tương lai sau này. Một giáo sư Ngô Bảo Châu với tuổi thơ sống cùng ông bà bố mẹ chú bác là những người nghiên cứu toán học, là những ngày ông ngoại chở đi học toán bằng xe đạp. Những nghệ sĩ tài danh Thành Lộc, Bạch Long với những tháng ngày sống cùng đoàn hát của ông bà cha mẹ suốt thời thơ ấu. “Chim công làng múa” – diễn viên Linh Nga với gần trọn tuổi thơ trong trường múa tận phương trời xa. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tạo nên những trang sách lôi cuốn, hấp dẫn bằng chính quãng đời thơ ấu được sống với gia đình, quê hương làng xóm, với thiên nhiên tươi đẹp quanh mình… Những con người ấy cũng phải đi qua tuổi thơ để đến lúc trưởng thành như bao người khác.

Vì vậy, muốn tương lai con trẻ mình tươi đẹp thì người lớn đừng bỏ quên tuổi thơ của trẻ. Đừng để câu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” mãi là khẩu hiệu. Các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con. Quý thầy cô giáo hãy yêu thương trẻ nhiều hơn. Các nhà quản lý cần đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa cho trẻ và các hoạt động dành cho trẻ. Người lớn trong xã hội phải luôn quan tâm, chăm sóc và cư xử tử tế đối với mọi trẻ em. Những điều này khi được làm đồng bộ sẽ không còn trẻ em bất hạnh, sẽ không còn những người trưởng thành cứ mãi dằn vặt về “tuổi thơ dữ dội” của mình.

Xin mượn thông điệp của một bộ phim để nói rằng: tuổi thơ hạnh phúc của trẻ hôm nay là ngày cũ của một tương lai tươi đẹp phía trước!

LINH TRANG