08/01/2025

Thế giới này không ai làm vậy

Có mặt trên con tàu CSB 2012 đi đón các ngư dân vừa cập cảng Lý Sơn, đại tá Trần Văn Dũng – chính ủy Cảnh sát biển Vùng 2 – bức xúc: “Hành động của Trung Quốc rõ ràng rất hung hăng và vô nhân đạo. Dùng tàu đâm chìm tàu cá của ngư dân rồi bỏ mặc là hành động phải lên án. Có lẽ cả thế giới này không ai làm như Trung Quốc đang làm với ngư dân Việt Nam. Luật đi biển quốc tế nếu thấy người bị nạn trên biển thì cứu vớt nhưng đâm người ta chìm và bỏ mặc thì trên thế giới văn minh này không ai làm như vậy”.

 

Thế giới này không ai làm vậy

Chiều 29-5, mười ngư dân tàu Đna 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm may mắn thoát chết đã được đưa về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

 

Ngư dân tàu ĐNa 90152 về đến cảng Lý Sơn chiều 29-5

 

 

Tàu cá ĐNa 90152 chỉ còn nổi lên một mỏm gỗ nhỏ được tàu lai dắt kéo về đến Lý Sơn – Ảnh: Trần Mai

 

Những ngư dân can trường về từ Hoàng Sa sau những cú đâm cố tình đoạt mạng của tàu Trung Quốc.

Chiếc tàu kéo còn ở xa gần 6 hải lý nhưng trên cầu cảng hàng trăm ngư dân Lý Sơn đã có mặt để đón mười ngư dân can trường.

Hai cú đâm đoạt mạng người

 

Đưa tàu vào bảo tàng làm chứng tích

Ông Nguyễn Tài Luân – phó bí thư Huyện ủy Lý Sơn – cho biết hành động của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là tội ác.

Theo ông Luân, tàu cá ĐNa 90152 đã hư hại quá nhiều, khó có thể phục hồi sửa chữa để ra biển trở lại. Hơn nữa do sóng to gió lớn nên việc kéo tàu về Đà Nẵng sẽ dễ dẫn đến tàu bục nát và chìm.

“Nên việc kéo tàu về Lý Sơn là có thể mang vào bảo tàng để làm chứng tích cho sự nhẫn tâm và dã man này” – ông Luân đề xuất.

 

Từ xa, con tàu 450 CV chỉ là một chấm đỏ nổi bồng bềnh trên mặt nước. Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu Đna 90152, từ Đà Nẵng lặn lội vào đây lúc sáng sớm để đón các ngư dân trở về. Tận mắt chứng kiến con tàu của gia đình mình chỉ nổi lên một mảnh gỗ nhỏ, đôi mắt bà lạc đi như người vô hồn.

“Là con người mà sao họ ác quá! May là anh em không sao. Nợ ngân hàng thì từ từ trả, còn người là quý rồi” – bà Hoa nói.

Những giọt nước mắt xen trong nụ cười, những cái bắt tay hạnh phúc của người thân các ngư dân trong phút giây trùng phùng trên bến cảng.

Bà Hoa cứ luýnh quýnh, chẳng biết nói gì, ngoài đôi tay cố nắm chặt từng ngư dân may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trên biển.

Những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, những bàn tay đầy thương tích, những ngư dân ôm chầm lấy người thân nước mắt ngắn dài.

Ngay tại cầu cảng, nhiều ngư dân bị thương được các bác sĩ nhanh chóng băng bó vết thương để tránh nhiễm trùng, đồng thời động viên tinh thần ngư dân sau phút giây hoảng loạn trên biển.

Khuôn mặt vẫn còn thất thần sau những gì vừa xảy ra, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân kể lại: “Lúc đó vào khoảng 16g30 khi anh em  đang đánh bắt cá cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 17 hải lý về phía nam thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc ép vào giữa. Tôi không nghĩ họ đâm tàu mình. Tôi cho tàu đi từ từ xem họ có động thái gì không thì bất ngờ tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 tông thẳng từ phía mạn phải đuôi tàu làm vỡ gần như toàn bộ đuôi mạn phải”.

Bị tông bất ngờ, là thuyền trưởng nhiều năm sóng gió, anh Nhân gọi chín ngư dân dồn về phía mũi tàu, đồng thời tăng tốc tránh né.

“Tôi chưa kịp tăng tốc thì chưa đầy một phút sau cú tông thứ nhất, chiếc tàu 11209 lùi lại một đoạn rồi rồ ga tăng tốc rất nhanh tông thẳng vào mạn trái đuôi tàu. Tàu chúng tôi bị lật úp. Toàn bộ anh em bị hất văng xuống biển” – anh Nhân chưa hết bàng hoàng.

Suýt chết kẹt trong cabin

Trong lúc tàu chìm, tám người ở mũi tàu bị hất văng khỏi tàu, riêng hai ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên (28 tuổi) và Lê Văn Bình (19 tuổi) còn mắc kẹt trong cabin. Mình đầy thương tích, băng bó khắp người, anh Biên kể lại: “Tôi đang ngồi trong cabin thì bất ngờ chiếc tàu dựng ngược. Tôi bị lộn nhào về phía mạn phải, đầu đập vào thành tàu. Chưa kịp trấn tĩnh thì tàu chìm, nước ộc vào, quờ quạng mãi tôi mới nhìn vào cửa cabin lúc đó bị vỡ. Hụp xuống lặn ra thì nước ùa vào”.

Nhấp ngụm nước, anh Biên kể tiếp: “Tưởng là đã chết vì mắc kẹt trong khoang tàu. Tôi nín thở lựa chỗ có ánh sáng và chọn lúc con tàu dập dìu nổi lên, tôi mới chui ra được. May mà có anh em dìu nếu không tôi chìm vì quá mệt. Rõ ràng là họ muốn giết anh em ngư dân!”.

Trong lúc anh Biên kẹt cứng trong cabin thì ngư dân Lê Văn Bình cũng bị nhấn chìm trong bóng tối và nước mặn. Chưa hết hốt hoảng, Bình kể: “Lúc đó diễn biến rất nhanh, em đang nằm trong cabin thì nghe cái rầm, mấy chú một số chạy lên mũi tàu hô lớn tàu vỡ rồi, em chỉ kịp ngồi dậy thì tiếp một cú va chạm cực mạnh nữa từ phía sau cả mạn phải úp xuống nước, nước vào khắp nơi. Em ngẩng mặt lên thấy đuôi tàu bị vỡ, em theo hướng đó thì nước ập xuống, rồi mọi thứ tối om. Em ngoi lên thì bị nước nhận xuống, suýt chết ngạt. May mà lần cuối cùng em gượng dậy thoát ra ngoài”.

Hơn 20 phút bám lấy chiếc thúng chai, mười ngư dân được tàu cá mang số hiệu ĐNa 90508 cùng nghiệp đoàn đi đánh bắt gần đó đến tiếp cứu kịp thời. Đến 23g cùng ngày, tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận, đồng thời bảo vệ tàu ĐNa 90152 để làm chứng cứ vì hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đến 8g ngày 27-5, tàu VT57 đến chuyển mười ngư dân gặp nạn lên tàu, đồng thời lai dắt chiếc tàu gặp nạn đưa về Lý Sơn.

Tàu Trung Quốc hung hãn là vậy nhưng sự can trường của ngư dân vẫn không làm họ nao núng, đặc biệt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Bình bảo sau chuyến này về nghỉ ngơi vài ngày, nếu có ai rủ đi “bạn” anh lại ra khơi.

“Sợ nhất là bão bùng thôi. Biển mình mình lại ra khơi sợ gì Trung Quốc. Mình đi từng đoàn, Trung Quốc không thể đâm hết hàng chục con tàu. Có cả cảnh sát biển, kiểm ngư mình ngoài đó, không sợ đâu” – Bình khẳng khái.

Có mặt trên con tàu CSB 2012 đi đón các ngư dân vừa cập cảng Lý Sơn, đại tá Trần Văn Dũng – chính ủy Cảnh sát biển Vùng 2 – bức xúc: “Hành động của Trung Quốc rõ ràng rất hung hăng và vô nhân đạo. Dùng tàu đâm chìm tàu cá của ngư dân rồi bỏ mặc là hành động phải lên án. Có lẽ cả thế giới này không ai làm như Trung Quốc đang làm với ngư dân Việt Nam. Luật đi biển quốc tế nếu thấy người bị nạn trên biển thì cứu vớt nhưng đâm người ta chìm và bỏ mặc thì trên thế giới văn minh này không ai làm như vậy”.

TẤN VŨ – TRẦN MAI