09/01/2025

Sẽ không làm thầy nếu được chọn lại

Khoảng một nửa số giáo viên từ tiểu học đến THPT được hỏi đã trả lời như vậy, theo một khảo sát mới đây của PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục VN.

 

Sẽ không làm thầy nếu được chọn lại

Khoảng một nửa số giáo viên từ tiểu học đến THPT được hỏi đã trả lời như vậy, theo một khảo sát mới đây của PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục VN.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho biết: “Khảo sát thực trạng lao động sư phạm của giáo viên phổ thông hiện nay” là một nhánh trong đề tài nghiên cứu do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chủ trì được nghiệm thu cuối năm 2013 mà ông trực tiếp thực hiện.

Trên 500 giáo viên và 27 hiệu trưởng đã được phỏng vấn trực tiếp và cung cấp thông tin qua phiếu khảo sát.

Với câu hỏi: “Nếu được chọn lại nghề thì liệu ông/bà có chọn lại nghề dạy học nữa không?”, có 40,9% trong số 216 giáo viên tiểu học, 59% trong số 144 giáo viên THCS và 52,4% trong số 166 giáo viên THPT có câu trả lời: “Không”. Đặc biệt tại TP.HCM, 75% giáo viên tiểu học được hỏi không muốn chọn lại nghề giáo”.

Thu nhập thấp, áp lực cao

 

“Chỉ tính số sổ sách mà một giáo viên tiểu học phải có đã có ít nhất 10 loại. Giáo viên luôn trong tình trạng phải đáp ứng tất cả yêu cầu đó và vì thấy không thiết thực nên họ chán nản, đối phó”

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ

 

* Lý do không muốn chọn lại nghề giáo liệu có phải do lương giáo viên hiện nay còn bất cập, không đủ sống?

– Lương thấp là tình trạng không chỉ có ở nghề giáo mà nhiều nghề khác. Nhưng cùng với mức lương thấp, cường độ lao động của nhà giáo rất cao, áp lực ngày càng nặng nề.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy giáo viên phải thực hiện ít nhất 10 loại hoạt động khác nhau ở trường, như giảng dạy, dự giờ đồng nghiệp, làm công tác chủ nhiệm, tổ chức hoạt động ngoại khóa, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, họp hội đồng giáo viên, sinh hoạt tổ bộ môn, họp đoàn thể, dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh, tham gia các hoạt động xã hội, phong trào của ngành GD-ĐT… Thời gian ở nhà giáo viên cũng phải nghiên cứu tài liệu, soạn bài, chấm bài, làm sổ sách…

Qua mẫu khảo sát chúng tôi thu nhận thì phần đông giáo viên phải sử dụng 12-13 giờ/ngày cho công việc bắt buộc mà nhà trường yêu cầu. Nếu giáo viên phải dạy thêm kiếm sống, chăm sóc gia đình, con cái nữa thì thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động còn quá ít.

Nhận xét thống nhất của các hiệu trưởng mà chúng tôi phỏng vấn là mức độ căng thẳng của nghề giáo rất cao, trong khi chỉ cần sơ suất trong giảng dạy, chấm bài, ứng xử với phụ huynh, học sinh thì giáo viên là những người phải chịu áp lực nặng nề. Không chỉ phải chịu hình thức chế tài của ngành, của trường, mà giáo viên còn phải chịu áp lực lớn hơn từ dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh.

* Theo PGS, liệu có phải tỉ lệ nghịch giữa cường độ lao động và mức thu nhập là nguyên do khiến nhiều giáo viên hiện nay sụt giảm nhiệt huyết, trì trệ trong việc tự học, sáng tạo không?

 

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ:

Giáo viên vay tiền ngân hàng để sống

Trong số những nhà giáo mà chúng tôi gửi phiếu thăm dò và tham khảo từ bảng lương của các nhà trường thì người có mức lương cao nhất là 6 triệu đồng/tháng (hiệu trưởng), những giáo viên trẻ hoặc có thâm niên khoảng 10 năm chỉ nhận mức lương 2-3 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương không tương xứng với lao động của nhà giáo mà theo thống kê của chúng tôi, thời gian lao động của họ đã tăng từ 1,5-1,8 lần so với quy định của Nhà nước.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi gặp nhiều trường hợp giáo viên phải vay tiền ngân hàng để trang trải đời sống, rồi trừ dần vào lương hằng tháng bởi mức lương quá thấp, chưa tới kỳ lương thì tiền chi tiêu đã hết.

 

– Xem xét từ con số so sánh cụ thể thì có thể thấy đúng là như vậy. Nhưng trên thực tế tiếp xúc, trao đổi với giáo viên, có thể thấy còn nhiều nguyên do cụ thể khác khiến nhà giáo thấy chán nản, không còn động lực, tâm huyết.

Trong đó môi trường làm việc, những quy định bất hợp lý là một tác nhân đáng kể. Với hơn chục hoạt động mà giáo viên phải tham gia trong nhà trường mà chúng tôi đã khảo sát, thống kê, có không ít hoạt động mang tính phong trào, hình thức, bản thân giáo viên thấy không hữu ích nhưng vẫn phải chấp hành…

Tham gia những hoạt động, việc làm không cần thiết chiếm nhiều thời gian, công sức của giáo viên, họ không còn nhiều thời gian dành cho công việc chính.

Có một bộ phận lớn giáo viên mà chúng tôi tiếp xúc, tìm hiểu, ngoài những hoạt động mang tính bắt buộc cứng nhắc và phần nhiều không thiết thực, họ chỉ có thể cố gắng hoàn thành trách nhiệm dạy học, tức là dạy chữ trong khi vai trò quan trọng hơn cả của người thầy phải là nhà giáo dục.

Một nhà giáo dục cần có thời gian, điều kiện để tìm hiểu về học sinh, đề xuất hoặc thực hiện những cách giáo dục khác nhau, xử lý những tình huống giáo dục, tựu trung lại là phải có kỹ năng, kinh nghiệm và ý thức nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn giáo dục học sinh.

Nhưng với những gì giáo viên đang phải làm, họ đã “quá tải” để có thể làm những yêu cầu khác.

Ngay cả công việc chính là giảng dạy, nhiều giáo viên cũng ngại đổi mới, ngại học hỏi, cập nhật kiến thức vì họ đã quá tải, vì họ lo sợ đi chệch ra ngoài những quy định cứng nhắc khác nhau và cũng vì những việc họ muốn làm chưa chắc đã được ủng hộ, ghi nhận. So với trước đây vị thế giáo viên đã giảm rất nhiều, đó cũng là lý do nhiều bạn trẻ có năng lực không muốn chọn nghề này và những người đã chọn thì tỏ ra hối hận.

Nhiều vấn đề trong đào tạo sư phạm

* PGS có nghĩ rằng những bất cập trong giáo giới hiện nay, xét cả về động cơ tới hiệu quả làm việc và những sai lầm về nghiệp vụ, ngoài nguyên nhân do môi trường, chính sách nhà nước, liệu có nguyên nhân do khiếm khuyết từ đào tạo sư phạm không?

– Trong đề tài nghiên cứu của nhóm, trên cơ sở khảo sát thực trạng chúng tôi đã có những đề xuất cải cách từ khâu đào tạo sư phạm.

Trong đó một đề xuất quan trọng là phải tăng thời lượng rèn luyện tay nghề cho sinh viên sư phạm. Hiện nay đào tạo nghiệp vụ sư phạm, thực tập sư phạm chiếm tỉ lệ rất ít.

Trường phổ thông hiện nay chưa phải là một “mắt xích” trong quá trình đào tạo giáo viên. Trong khi đào tạo đang có nhiều vấn đề phải điều chỉnh thì việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm gặp khó khăn. Tình trạng đào tạo thừa giáo viên nhưng vẫn thiếu giáo viên giỏi, đáp ứng yêu cầu mới là vấn đề đang nổi cộm hiện nay.

* Vậy theo PGS, để chuẩn bị cho việc đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới, cần làm gì ngay trước mắt để cải thiện một phần những bất cập về đội ngũ nhà giáo?

– Trước mắt, việc cần làm là đào tạo lại đội ngũ nhà giáo hiện có thông qua các chương trình bồi dưỡng giáo viên. Việc bồi dưỡng giáo viên này cần phải giao cho các cơ sở sư phạm như một nhiệm vụ chính song song với đào tạo mới.

Nội dung, cách thức bồi dưỡng giáo viên cần thay đổi thật sự theo hướng bổ sung những khiếm khuyết của thầy cô giáo hiện nay, bồi dưỡng theo chủ đề, bám vào hướng đổi mới sắp tới. Ví dụ như tới đây tăng cường dạy học tích hợp thì cần bồi dưỡng thế nào để giáo viên biết cách làm.

Bên cạnh đó, cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn để cải thiện môi trường làm việc của giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tự tin, chủ động phát huy sáng tạo.

VĨNH HÀ thực hiện

 

 

 

Áp lực đè nặng giáo viên

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, nhiều câu chuyện đáng tiếc trong giáo giới cho thấy phẩm chất, đạo đức của một số nhà giáo đang bất ổn, như chuyện thầy đánh trò, thầy trò đánh nhau, thầy cô giáo trù dập, bắt ép học sinh học thêm, một bộ phận khác có lối sống không lành mạnh… Tuy nhiên, cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các thầy cô giáo mà cần nhìn nhận bình tĩnh, truy tìm nguyên do gốc rễ. Áp lực của môi trường làm việc, áp lực do phải mưu sinh, những tác động xấu từ xã hội, phụ huynh cũng là những nguyên nhân khiến hình ảnh người thầy thay đổi.