09/01/2025

Lãng phí bảng tương tác: Hàng trăm tỉ đồng mà dùng như bảng đen

Áp dụng công nghệ vào việc dạy học là một chủ trương đúng. Vấn đề đặt ra ở đây là phải xuất phát từ thực tế nhu cầu để tránh lãng phí.

 

Lãng phí bảng tương tác: Hàng trăm tỉ đồng mà dùng như bảng đen

Áp dụng công nghệ vào việc dạy học là một chủ trương đúng. Vấn đề đặt ra ở đây là phải xuất phát từ thực tế nhu cầu để tránh lãng phí.

 Theo nhiều giáo viên, bảng tương tác ở các trường mầm non, tiểu học được sử dụng như là máy chiếu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo nhiều giáo viên, bảng tương tác ở các trường mầm non, tiểu học được sử dụng như là máy
chiếu – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chênh lệch quá lớn

Tại tọa đàm “Đổi mới trang thiết bị trường học – Những vấn đề đặt ra” diễn ra vào tháng 11.2013 do Sở GD-ĐT TP.HCM kết hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc sở, cho biết: “Đây là một trong những nội dung quan trọng của đề án nâng cao chất lượng giảng dạy, hiện đại hóa các thiết bị trường học do UBND TP.HCM phê duyệt. Ủy ban chỉ đạo Sở lên kế hoạch từng bước triển khai cho tất cả trường học, bậc học mà trước tiên là ở các trường mầm non và tiểu học trang bị với giá 181 triệu đồng/chiếc. Trong đó, thành phố sẽ hỗ trợ 50%, còn lại nhà trường vận động phụ huynh đóng góp”. Đơn vị trúng thầu mua sắm trang thiết bị này là Công ty CP Tiến bộ Quốc tế – AIC (trụ sở tại 69 Tuệ Tĩnh, Hà Nội).

Tuy nhiên, dư luận cho rằng mức giá trúng thầu mà đơn vị này thực hiện là quá cao so với giá gốc tại kho cũng như giá thực hiện của các đơn vị khác.

Tại Việt Nam, có nhiều đơn vị cùng cung cấp bảng tương tác với tính năng giống nhau, chất lượng không khác nhưng giá của thiết bị mà AIC phân phối độc quyền chênh lệch gấp nhiều lần so với các nhà cung cấp khác.

Báo Thanh Niên đã thu thập báo giá của một số đơn vị khác và thấy có sự khác biệt rất lớn. Cụ thể, chỉ tính theo giá tại kho (chưa tính giá áp dụng vào các trường), đã có sự chênh lệch gấp 2,2 – 3,6 lần (xem bảng 1).

Tại tọa đàm nêu trên, bà Hoàng Thị Thúy Nga, Giám đốc, đại diện phía nam Công ty AIC, cho biết kinh phí này bao gồm thuế nhập khẩu, phí vận chuyển bằng đường biển, phí lắp đặt, đào tạo, tập huấn, phí bảo hành 1 năm và kinh phí xã hội hóa trong 2 năm. Một bộ bảng tương tác bao gồm các máy móc liên quan như bảng trình chiếu, máy chiếu, chân máy, bộ chuyển, phần mềm… Tuy nhiên, theo các đơn vị chúng tôi tìm hiểu, giá các đơn vị đưa ra cũng bao gồm tất cả những hạng mục này.

Thử làm một phép tính để thấy sự chênh lệch lớn đến đâu và học sinh sẽ được hưởng lợi thế nào khi giá thành bộ bảng tương tác hạ xuống.

Theo bảng 2, với giả định theo giá các đơn vị khác cung cấp là 60 triệu đồng/bộ, còn nếu tận dụng được các thiết bị đã có sẵn như máy tính, projector thì chỉ khoảng 30 triệu/bộ. Chúng tôi giả định có 606 trường được trang bị bảng tương tác (theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM). Với khoảng 180 tỉ đồng và mức giá 181 triệu đồng/bộ theo giá của AIC thì mỗi trường chỉ có thể được trang bị tối đa là 2 bộ. Trong khi đó, nếu đầu tư với mức giá 60 triệu đồng/bộ thì mỗi trường có đến 5 bộ. Còn nếu biết tận dụng tiết kiệm dựa trên thiết bị đã có sẵn thì mỗi trường có thể có đến 10 bộ. Có nghĩa là khoảng 30 – 50% số lớp học trên một cấp sẽ được trang bị bảng tương tác. Lúc đó thì sức ảnh hưởng tích cực lên chất lượng giáo dục mới lớn. Với 2 bảng một trường cho hơn 20 lớp học thì sao có thể có hiệu quả giảng dạy tốt được, đấy là chưa kể về chất lượng phần mềm, nội dung.

Lớp học thông minh không chỉ dựa vào công nghệ

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong việc đầu tư bảng tương tác không phải là chọn bảng gì, công nghệ nào, mà là nội dung gì sẽ đi kèm với cái đó.

Một chuyên gia nghiên cứu về bảng tương tác nhận định rằng các trường học đang coi bảng tương tác như một giải pháp thần kỳ và đầu tư ồ ạt mà không nhận thức được một nhầm lẫn rất nguy hiểm rằng lớp học được trang bị công nghệ chưa hẳn là lớp học thông minh. “Một câu hỏi rất lớn cần được giải đáp là giáo viên sử dụng nội dung gì để dạy với hệ thống thiết bị đó?”, chuyên gia này đặt vấn đề. Không có bài giảng số thì đầu tư thiết bị phần cứng là vô nghĩa và lãng phí.

Hiện nay, các hình thức bài giảng đang được áp dụng trong trường học bao gồm: bài giảng PowerPoint giáo viên tự soạn, bài giảng trong sách giáo khoa được scan/đánh máy lại, một số video clips, bài học do giáo viên tự tìm trên internet; một số bài học tiếng Anh trong CD đính kèm các bộ sách… Các bài giảng này hầu như không có tính tương tác: bài học được chiếu lên bảng tương tác và học sinh viết chữ lên bảng. Như vậy bảng tương tác có chức năng như bảng truyền thống nhưng chi phí lại quá đắt.

Nếu không giải quyết được vấn đề thiết bị công nghệ đi kèm với bài giảng số, chỉ trong một thời gian ngắn, các thiết bị này sẽ bị bỏ quên và không được sử dụng (do thao tác phức tạp, mất thời gian mà hiệu quả chỉ như bảng truyền thống), gây lãng phí rất lớn. Đánh giá về điều này, một chuyên gia phân tích rằng việc sử dụng bảng tương tác và lớp học thông minh tại các nước khác hiệu quả là vì họ có nội dung số tốt chứ không phải vì công nghệ hiện đại và đắt đỏ. Chưa kể, công nghệ khoảng 2 năm đã lạc hậu mà chúng ta chọn giải pháp chi phí lớn như vậy thì quá phí phạm và xa xỉ.

“Tôi tin rằng, bảng tương tác hiện nay vẫn còn nằm “đắp chiếu” tại rất nhiều trường”, chuyên gia này kết luận. Và đây chính là thực tế hiện nay. 

 

Công nghệ có phải là chiếc đũa thần ?

Giáo dục nước ta hiện nay dường như đang nằm trong tình trạng chờ đợi, trông cậy quá nhiều vào sự kỳ diệu của công nghệ, thiết bị hiện đại mà không cần biết đến điều kiện cơ bản, nhu cầu thực tế có phù hợp hay không.

Sau hơn nửa chặng đường thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, ngày 19.5, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chính thức đưa ra những nhận định về việc thực hiện đề án này. Sau rất nhiều phản hồi từ dư luận về sự lãng phí, không thiết thực, thiếu hiệu quả của đề án, đến giờ Bộ GD-ĐT chính thức thừa nhận: “Phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; sử dụng ngân sách lãng phí, đặc biệt ở khâu mua sắm thiết bị dạy học”.

Theo đó các địa phương đua nhau mua sắm thiết bị mới mà không rà soát, kiểm kê thiết bị đã có, mua các thiết bị công nghệ thông tin chỉ có phần cứng, không có các phần mềm ứng dụng đi kèm nên không sử dụng được hoặc không khai thác hết được tính năng của thiết bị. Trong khi đó, vấn đề đáng quan tâm hơn là chất lượng giáo viên để đáp ứng đề án lại không có hướng thực hiện hợp lý; dẫn đến hiện tượng chuẩn giáo viên tiếng Anh giảm so với lúc ban đầu và đi đến thực trạng hết sức lo ngại là có tỉnh đến nay không có một giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu. Bi đát hơn, tại hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 khối các trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ GD-ĐT diễn ra tại TP.HCM hồi đầu tháng 5, chính Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận có đến 90% giáo viên không đạt yêu cầu. Có giảng viên ĐH trình độ ngoại ngữ thực tế chỉ bằng yêu cầu đầu ra của học sinh tiểu học!

Trong tháng 4, xã hội đã một phen bất bình trước đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa mà lãnh đạo Bộ  GD-ĐT trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bác bỏ thông tin về kinh phí thì dự kiến chi tiêu cho đề án được công bố là hơn 34.000 tỉ đồng.

Trong đó chỉ có 105 tỉ đồng dành cho phần quan trọng nhất là biên soạn chương trình – sách giáo khoa, sách giáo viên. Còn đến 20.100 tỉ đồng (khoản kinh phí lớn nhất) dành cho trang thiết bị dạy học, dự kiến thay thế 50% thiết bị dạy học đang có. Trong khi đó, thực tế ai cũng thấy rằng trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị ở nhiều trường, nhiều nơi vẫn còn để trong kho, chưa qua sử dụng.

Chủ trương trang bị bảng tương tác của Sở GD-ĐT TP.HCM gây nhiều ý kiến phản bác một phần cũng vì lẽ này.

Không ai phủ nhận lợi ích của công nghệ, trang thiết bị hiện đại đối với việc dạy và học. Thế nhưng việc đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ cần nằm trong một chiến lược tổng thể và phải có mục tiêu rõ ràng. Chứ không nên theo kiểu làm chắp vá như hiện nay khiến người dân không thể không hoài nghi về những tư lợi của lãnh đạo các cấp trong ngành giáo dục dưới vỏ bọc công nghệ. Ở đây, chúng tôi muốn lặp lại nhận định của một chuyên gia về công nghệ rằng mục đích của công nghệ là để giảm chi phí giảng dạy chứ không làm giáo dục trở nên đắt đỏ và xa xỉ.

Thùy Ngân

 

 

Bảng 1

Bảng 1

Bảng 2

Bảng 2

 

 

Đăng Nguyên