Bảo vệ phổi cho công nhân
Những cái chết diễn tiến âm thầm vì bệnh bụi phổi silic (silicosis) luôn rình rập người lao động nhưng còn nhiều công nhân vẫn không biết để phòng tránh.
Bảo vệ phổi cho công nhân
PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan – trưởng Trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết bụi phổi silic là bệnh có thể phòng ngừa nhưng đã mắc thì không có cách chữa. Mới đây bệnh viện khám cho ông P.T.Đ.(51 tuổi, TP.HCM) và xác định ông bị bệnh bụi phổi silic mãn tính (kèm suyễn) do tiếp xúc lâu ngày với silic. Phổi của ông Đ. bị xơ hóa, thể tích phổi chỉ còn hơn 30% so với người bình thường.
Khó chẩn đoán
Ông Đ. cho biết từng làm việc ở một đơn vị tàu biển, chuyên phun cát làm sạch vỏ tàu. Ở thời điểm nghỉ hưu (do đặc thù công việc, ông Đ. nghỉ hưu lúc 47 tuổi – PV), ông có hiện tượng tức ngực, khó thở. Theo thời gian, tình trạng khó thở, tức ngực nhiều hơn kèm theo ho, đàm ngày càng nhiều. Ông đi khám bệnh ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… Điều trị một thời gian tạm ổn nhưng sau đó ông Đ. thấy khó thở, tức ngực nặng hơn, ho nhiều hơn. Tháng 5-2013 ông trở lại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám bệnh. Bác sĩ cho chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp và kết luận ông bị bệnh COPD.
Uống thuốc liên tục ba tháng không bớt, ông Đ. đến một bệnh viện tư nhân khám. Bác sĩ ở đây cũng chẩn đoán ông bị bệnh COPD. Dùng thuốc không bớt, ông lại đến Bệnh viện 175 (thuộc Bộ Quốc phòng) khám. Bác sĩ cho ông Đ. nhập viện với chẩn đoán bệnh cũng là COPD. Sau nửa tháng nằm viện, ông Đ. bớt tức ngực, dễ thở, giảm ho, bác sĩ cho xuất viện và phát thêm năm ngày thuốc uống. Tuy nhiên khi hết thuốc ông Đ. lại ho, khó thở trở lại…
Tháng 4-2014, ông Đ. đến Bệnh viện Đại học Y dược TP khám. Qua đo chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi và đo bụi phổi silic mới phát hiện ông bị bệnh bụi phổi silic. Theo ông Đ., dù đang được điều trị nhưng tình trạng ho, khó thở, tức ngực của ông không thuyên giảm, ban đêm ông phải thức dậy 2-3 lần vì ho và khó thở.
Nhiều nghề có nguy cơ
Theo PGS Tuyết Lan, phổi là “địa điểm chiến lược” của cơ thể, nếu không được bảo vệ, phổi sẽ trở thành cửa ngõ xâm nhập của bụi silic và các chất độc khác. Nếu công nhân không được trang bị loại khẩu trang đặc biệt thì các chất độc, bụi silic sẽ theo đường hô hấp (mũi, miệng) thâm nhập sâu vào phổi. Các chất độc, bụi silic sẽ đi vào máu và đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Có rất nhiều nghề khiến người lao động có nguy cơ bị bệnh phổi silic. Đó là công nhân mỏ, cắt đá, mài đá, thợ làm đá mỹ nghệ. Nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic của nhóm nghề này rất cao Ngoài ra, công nhân làm các công việc đào hầm xuyên núi, sản xuất ximăng, làm dao kéo, có sử dụng máy phun cát (làm sạch vỏ tàu, giàn khoan dầu), mỏ than, mỏ kim loại (vàng, kẽm, sắt, đồng, nickel, bạc, uranium), làm đồ gốm, sản xuất các loại bột chà sạch, mài bóng, giấy nhám, sơn, gỗ, cao su, plastic, các tấm lát trên bề mặt, làm kiếng, nữ trang, đá mài… đều có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi silic.
Hầu hết bệnh nhân bị bệnh bụi phổi silic sẽ ngày càng tiến triển nặng, bị xơ hóa phổi nghiêm trọng dù ngưng tiếp xúc với môi trường có bụi silic. Bệnh này chưa có cách điều trị hữu hiệu nên bệnh nhân sẽ đi đến suy hô hấp, suy tuần hoàn, sống lệ thuộc oxy (phải thở oxy), chỉ còn cách ghép phổi mới có thể sống được. Ngoài suy giảm chức năng hô hấp, bệnh nhân còn có thể gặp nhiều biến chứng khác như mắc thêm bệnh lao phổi (nguy cơ cao gấp 30 lần người bình thường); các bệnh phổi cơ hội khác do nấm cũng tăng. Các bệnh lý khác như tràn khí màng phổi, ung thư phổi, bệnh thận, thấp khớp… cũng dễ xảy ra ở bệnh nhân bị bụi phổi silic.
Bệnh không điều trị được
Theo PGS Tuyết Lan, bệnh bụi phổi silic có ba dạng là mãn tính, tiến triển nhanh và cấp tính.
Ở dạng mãn tính, thường bệnh nhân có tiếp xúc với silic nhiều năm ở nồng độ thấp, do triệu chứng bệnh âm thầm nên bệnh nhân thường không biết. Đến khi có triệu chứng khó thở (có thể kèm theo ho, đàm) thì lúc này bệnh đã nặng do thể tích phổi giảm, phế quản bị biến dạng và khí phế thủng. Vào giai đoạn cuối bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể bị tâm phế mãn (bệnh tim do bệnh phổi gây ra).
Ở dạng tiến triển nhanh, bệnh nhân thường có tiếp xúc với nồng độ silic cao, chỉ trong năm năm là bị bệnh. Dấu hiệu khó thở xuất hiện sớm vì diễn tiến bệnh xấu đi rất nhanh. Bệnh bụi phổi silic dạng tiến triển nhanh thường gặp ở những người làm bột silic, thợ xay đá, đập đá sa thạch. Còn dạng bụi phổi silic cấp tính thường xảy ra ở người tiếp xúc với nồng độ silic cao, làm công việc thổi cát, chà nhám, cắt đá lửa, cắt mài kính, thợ gốm, thợ mỏ than lộ thiên. Bệnh nhân có triệu chứng dần dần khó thở, sốt, ho và giảm cân sau khi tiếp xúc với bụi silic trong thời gian ngắn (vài tuần đến hơn một tháng). Bệnh nhân có thể tử vong sớm do suy hô hấp thiếu oxy.
Trang bị thiết bị bảo hộ đúng chuẩn Để phòng bệnh bụi phổi silic, công nhân phải được bảo hộ lao động bằng khẩu trang chuyên biệt (có hút khí, thông khí, lọc khí) mới lọc được bụi có kích thước rất nhỏ. Chủ sử dụng lao động phải thông báo cho công nhân biết những chất độc hại có ở môi trường làm việc; thực hiện kiểm soát môi trường lao động, có biện pháp giảm bụi silic ở nơi làm việc (phun nước giảm bụi, có máy hút bụi…); thực hiện khám sức khỏe định kỳ và giám định bệnh nghề cho công nhân… Công nhân cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình, yêu cầu chủ sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo hộ để phòng tránh bệnh bụi phổi silic. |
LÊ THANH HÀ