10/01/2025

Sức mạnh của nhân dân

Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ – sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại (5.5) cho thấy sức mạnh của lực lượng dân công, thanh niên xung phong trên chiến trường này.

 

Sức mạnh của nhân dân

Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ – sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại (5.5) cho thấy sức mạnh của lực lượng dân công, thanh niên xung phong trên chiến trường này.

 Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: TTXVN
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: TTXVN

 

Những thống kê về sức chiến đấu đã được đưa ra trong nghiên cứu của TS Ngô Vương Anh. Theo ông Vương Anh, những con số này cho thấy ưu thế tuyệt đối của quân Pháp về không quân, vận tải đường không và xe tăng; chiếm ưu thế lớn về pháo binh hạng nặng lẫn công sự kiên cố. Vũ khí của quân Pháp có những thứ được “nhà cung cấp” Mỹ mới chế tạo.

Cũng theo TS Ngô Vương Anh, cả Bộ Chỉ huy của Navarre cho rằng bộ đội của tướng Võ Nguyên Giáp không biết sử dụng súng phòng không để chống lại sự đánh phá bằng máy bay trên toàn tuyến vận tải. Lực lượng hậu cần của ông Giáp chỉ có thể duy trì một trận đánh kéo dài chừng 4 ngày. Hầu hết các sĩ quan của Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp chia sẻ quan điểm này, cho rằng việc ông Giáp tập trung tới 4 đại đoàn trên hướng Điện Biên Phủ là một phương án thiếu thực tế.

Tư liệu trích dẫn cho thấy, người Pháp đánh giá Việt Minh là một đội quân hành tiến và tiếp tế đều bằng đôi chân. Trong khi đó một người dân công mang được tối đa 22 kg, mỗi ngày đi được 20 km và sẽ ăn hết 1 kg gạo. Vì họ phải đi và về nên số gạo tiêu thụ sẽ là 2 kg cho 20 km. Muốn đi 180 km thì ăn hết 18 kg gạo. Do đó số gạo mang đi tiếp tế cho chiến trường thực tế chỉ còn 4 kg. Trong trường hợp một cuộc tổng công kích Điện Biên Phủ xảy ra, sức ép về hậu cần sẽ tăng lên tới một nhịp độ mà quân Việt Minh không thể kham nổi quá một tuần.

“Với so sánh lực lượng và tính toán như vậy, Navarre rất vui vẻ cho rải truyền đơn thách thức tướng Võ Nguyên Giáp tiến công Điện Biên Phủ”, TS Vương Anh cho biết. Số truyền đơn này được rải tại một số địa điểm gần đó.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Đạo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đã có những đoàn người như đoàn kiến lớn đi tiếp tế quân đội. “Tướng Navarre không nghĩ rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang động viên hàng vạn đàn ông và đàn bà. 50.000 hay 80.000? Không ai biết được đúng số lượng”, ông Đạo nói.

Một ước tính được GS Rob Hurle, Đại học Australia đưa ra về sức đóng góp của dân công. “Việc xây dựng và sửa chữa hệ thống đường giao thông chi viện cho lực lượng Việt Nam tại Điện Biên Phủ ước tính cần đến 20.000 dân công, mà phần lớn công việc được thực hiện thủ công. Trong cuộc tấn công cứ điểm, ước tính có đến 20.991 xe đạp và 11.000 thuyền nhỏ được sử dụng để tiếp ứng cho lực lượng Việt Minh. Cũng có đến 261.451 dân công, cả nam cả nữ và 500 ngựa thồ”, ông viết.

Chính vì thế, ông Đạo nhấn mạnh Điện Biên Phủ trước hết là chiến thắng về tổ chức tiếp tế. Ở đây, máy bay tối tân của Pháp đã thua đôi bồ của dân công Việt Minh và những chiếc xe đạp thồ 200 – 300 kg đã đánh bại tướng Navarre.

Thạc sĩ Lương Thị Hồng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, lại nhấn mạnh về việc thu chiến lợi phẩm, việc tẩy uế chiến trường của thanh niên xung phong. Theo bà Hồng, khi chiến dịch qua đi, cả một vùng mặt trận Điện Biên Phủ ô nhiễm nặng nề. Nhiều xác chết chỉ được chôn vùi một lớp mỏng. “Các đội viên Thanh niên xung phong của ta đã chủ động chôn cất xác địch rải rác khắp nơi; đưa lính Pháp bị thương ra khỏi địa ngục “nhà thương” của địch; lấp kín đất lên những khu vực chiến hào của địch, rắc vôi bột lên những nơi ô nhiễm để mùi hôi thối khỏi bốc lên. Nhờ làm tốt công tác tẩy uế mà mùa hè, mưa nhiều, nắng gắt, người đông, vẫn không xảy ra vụ dịch bệnh nào trong bộ đội cũng như trong nhân dân”. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay (7.5) chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2014) sẽ được long trọng tổ chức tạị thành phố Điện Biên Phủ.

Theo dự kiến, buổi lễ sẽ có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Lê Hồng Anh, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Nguyễn Thiện Nhân và nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các tướng lĩnh quân đội và công an, lãnh đạo và đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Điện Biên, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp…

Đặc biệt tại buổi lễ có đoàn 60 đại biểu đại diện cho cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Trường Sơn

 

Ý KIẾN

Địch vận hiệu quả

Suốt quá trình diễn ra chiến dịch, công tác địch vận được kết hợp chặt chẽ với tác chiến nên đã mang lại hiệu quả cao. Trong tổng số tù, hàng binh tại mặt trận, có 622 binh lính người Việt tự nguyện mang vũ khí về với Tổ quốc và 41 binh sĩ Âu Phi chạy sang ta. Một nữ tù binh duy nhất là cứu thương Geneviève de Gallard được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc cách cho thả trước. Khi chia tay với người chiến thắng, một số người lính Algeria bỗng hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Cảm ơn các bạn”.

Đại úy, ThS Lê Văn Cử, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Chiến thắng của tinh thần tự cường

Chiến thắng chung cuộc có dấu ấn và những đóng góp đáng ghi nhận của nước đồng minh Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Christopher Goscha (Canada), “tạo được 6 sư đoàn hoạt động trên hai phần ba diện tích Đông Dương, điều đó chứng tỏ Việt Nam có khả năng phát triển một đội quân hiện đại. Sự giúp đỡ của Trung Quốc rất quan trọng, nhưng nó không phải là cây gậy thần giúp đánh bại Pháp”.

Đại tá PGS-TS Hồ Khang, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Trinh Nguyễn – Trường Sơn
(ghi)

 

Chiều 6.5, Đoàn đại biểu Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, làm trưởng đoàn đã làm lễ, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được an táng tại nghĩa trang: A1, Độc Lập, Tông Khao và Him Lam (TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Đoàn tùy viên quốc phòng, quân sự, quân chủng của 19 quốc gia đến tưởng niệm tại nghĩa trang - Ảnh: Trường Sơn
Đoàn tùy viên quốc phòng, quân sự, quân chủng của 19 quốc gia đến tưởng niệm tại nghĩa trang – Ảnh: Trường Sơn

Cùng ngày, đoàn tùy viên quốc phòng, quân sự, quân chủng của 19 quốc gia cũng đã tới các nghĩa trang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của quân đội Việt Nam đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ước tính có hàng vạn du khách từ các tỉnh thành đổ về TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).

 Trinh Nguyễn