25/11/2024

30.4.1975 – 30.4.2014: Hành trình đạo nghĩa

Có lẽ nhiều người chưa được biết là việc tìm kiếm người Mỹ mất tích đã được VN khởi động từ 1973, hơn hai mươi năm trước khi chính thức bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

 

30.4.1975 – 30.4.2014: Hành trình đạo nghĩa

Có lẽ nhiều người chưa được biết là việc tìm kiếm người Mỹ mất tích đã được VN khởi động từ 1973, hơn hai mươi năm trước khi chính thức bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Đại tá Đào Xuân Kính và trung tá Julian ký biên bản bàn giao hài cốt và di vật người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam – Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh

 

Các binh sĩ Mỹ đào đất tại khu khai quật Ảnh: Độc Lập

 

 

 
 

May mắn là mặc dù nhiều cụ tuổi đã cao, chiến tranh đã lùi xa nhưng các cụ đã rất nhiệt tình hỗ trợ, vì tấm lòng nhân đạo, đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về MIA giúp xử lý có kết quả nhiều vụ khó

 

Đại tá Đào Xuân Kính, Chỉ huy trưởng Cơ quan MIA (Bộ Quốc phòng)

 

 

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 9.2.1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 34/TTg thành lập Cơ quan VN tìm kiếm tin tức người mất tích trong chiến tranh. Tham gia cơ quan này có đại diện của các bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Công an hoạt động theo cơ chế phối hợp.

Từ tinh thần nhân đạo của VN

Bắt đầu từ năm 1974, VN đã chủ động tổ chức nhóm công tác tìm kiếm đơn phương người Mỹ mất tích (MIA). Hoạt động này được thực hiện đến năm 1988 dù VN bị bao vây, cấm vận, giữa hai bên không hề có quan hệ chính thức nào. Phía VN tự tổ chức tìm kiếm, thu thập, sau đó trao trả cho phía Mỹ. Công việc được thực hiện hoàn toàn trên tinh thần nhân đạo của VN. Kết quả của hơn 14 năm tìm kiếm đơn phương của VN là từ 1974 – 1988 đã có 302 bộ hài cốt quân nhân Mỹ được trao trả.

Thời hậu chiến, xu thế và yêu cầu giải quyết nhân đạo trong vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) đã trở thành chuyện nhạy cảm chính trị trong nội bộ nước Mỹ. Theo đại tá Đào Xuân Kính, Chỉ huy trưởng Cơ quan MIA (Bộ Quốc phòng) – Phó giám đốc Cơ quan VN tìm kiếm người nước ngoài mất tích (VNOSMP), chính giới Mỹ dần thay đổi cách tiếp cận, dù khá dè dặt.

Nhiều đối tác mà đại tá Kính có dịp làm việc cùng đã chia sẻ rằng chính những nỗ lực nhân đạo to lớn ấy của VN đã có tác động khá nhiều đến nhận thức, suy nghĩ trong nội bộ các tổ chức chính trị, xã hội, nhân dân và chính phủ Mỹ.

Mở ra mối quan hệ song phương

Trong giai đoạn từ năm 1980 – 1988, lãnh đạo cao cấp hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc để bàn về vấn đề MIA. Thông tin về việc tiếp xúc được giữ trong phạm vi hẹp kể cả với nội bộ của hai bên. Theo đại tá Kính, vấn đề MIA đã trở thành cầu nối giúp cho hai nước hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn. Nhiều đại diện tổ chức chính trị xã hội, gia đình, thân nhân Mỹ đã có mặt ở VN trong giai đoạn này. Hoạt động MIA từng bước mở ra mối quan hệ song phương.

 

 
 

Theo đại tá Kính, tính từ 1988 đến nay, sau 27 năm VN và Mỹ hợp tác trong vấn đề MIA, đã có 114 đợt hỗn hợp tìm kiếm thành công. VN đã thu hồi, giám định và trao trả cho Mỹ là 946 hòm hài cốt. Thuộc số này, phía Mỹ thông báo đã giám định, nhận dạng ADN được hơn 700 bộ, xác định đúng người mất tích. Theo các tài liệu đã được công bố, số binh lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh tại VN là 58.256 người. Trong đó, hơn 1.800 trường hợp mất tích cần tìm kiếm. Như vậy với những nỗ lực của cả hai phía, đến nay còn khoảng hơn 1.000 trường hợp MIA cần tiếp tục tìm kiếm, hồi hương.

 

 

Tháng 9.1988, chính phủ hai nước chính thức bàn về việc hợp tác chung và từ đây hai bên bắt đầu triển khai tìm kiếm hỗn hợp. Theo đại tá Kính, vấn đề quan trọng hàng đầu quyết định thành công của công tác MIA là thông tin. VN đã giúp khai thác thông tin từ chiến trường, từ người dân, thậm chí kể cả thông tin từ các trung tâm lưu trữ.

Một đóng góp quan trọng cho sự thành công của hoạt động MIA là sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Hội Cựu chiến binh các cấp và các cựu chiến binh VN. Các thành viên của cơ quan VNOSMP đã đi gặp, phỏng vấn hàng ngàn lượt cựu chiến binh, nhân chứng… Nhiều lần, các cựu chiến binh đến tận hiện trường cách xa cả ngàn cây số. “May mắn là mặc dù nhiều cụ tuổi đã cao, chiến tranh đã lùi xa nhưng các cụ đã rất nhiệt tình hỗ trợ, vì tấm lòng nhân đạo, đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về MIA giúp xử lý có kết quả nhiều vụ khó”, lãnh đạo cơ quan VNOSMP chia sẻ.

Trong quá trình hợp tác, mỗi năm trung bình có 3 – 4 đợt hoạt động, mỗi đợt tổ chức cho 70 – 90 người Mỹ vào tham gia tìm kiếm, hai bên tổ chức 6 – 8 đội hoạt động thường xuyên phối hợp để tiến hành điều tra khai quật các hiện trường.

Đóng góp của nhân dân

Theo đại tá Kính, đóng góp của nhân dân các địa phương trong các đợt hoạt động là vô cùng lớn, trong đó có những đợt tìm kiếm có tới hàng ngàn nhân công tham gia. “Không có họ, công tác MIA có lẽ đã không thể có những thành công to lớn như hiện nay”, đại tá Kính đánh giá. Bên cạnh đó, trong khá nhiều vụ phía VN vẫn phải tiến hành hoạt động đơn phương do hiện trường nằm trong các địa bàn khó khăn phức tạp, khó tiếp cận hoặc ở nơi đang cần phải xử lý nhanh để tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, VN cũng hỗ trợ, phối hợp để tìm người Mỹ mất tích ở các chiến trường tại Lào, Campuchia trước đây.

VN cũng có những sáng kiến được phía Mỹ đánh giá cao như việc đưa ra mô hình Đội khai quật cải tiến (VRT). Trong đó, các chuyên viên VNOSMP và người dân địa phương của VN hỗ trợ tiến hành khai quật hiện trường. Mỗi nhóm hoạt động VRT của Mỹ chỉ cần 4 – 5 thành viên gồm chuyên gia nhân chủng học, phiên dịch, nhiếp ảnh viên và một người phụ trách chung. Mô hình cải tiến này đã được triển khai thành công và mang lại nhiều hiệu quả thực tế.

Năm 2008, trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phía Mỹ đã đề nghị được đưa các tàu khảo sát vào phục vụ công tác MIA trên biển và được phía VN đồng ý. Lúc đó hoàn toàn chưa có tiền lệ nên các vấn đề liên quan đến thủ tục cho tàu vào hoạt động đã phải được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xử lý trên tinh thần vì hoạt động nhân đạo. Tính đến nay, VN đã cho phép hai đợt tàu nghiên cứu hải dương của Mỹ vào khảo sát trên biển miền Trung hồi năm 2009 và 2011. Hiện có khoảng hơn 400 trường hợp MIA mất tích trên biển, nhưng do các khu vực mất tích chủ yếu ở các vùng nước sâu, ngoài khơi xa rất khó tìm kiếm. Vì thế, hiện tại mới giải quyết được một số vụ gần bờ, việc khai quật hỗn hợp được thực hiện bằng sự trợ giúp của phương tiện VN.

Tìm lại những liệt sĩ hy sinh mất tích

 

Đại diện của Cơ quan Tìm kiếm người mất tích VN, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Lực lượng hỗn hợp kiểm kê tù binh và người mất tích Mỹ (JPAC), Văn phòng Tìm kiếm người Mỹ mất tích tại VN chụp hình lưu niệm – Ảnh: Độc Lập

 

Thông qua các hoạt động nhân đạo, VN cũng đã có những đề nghị Mỹ đóng góp giải quyết một số vấn đề như chất độc da cam, giúp dò gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh… Phía Mỹ cũng có đáp ứng bước đầu như giúp tiêu tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng, Biên Hòa. Một số dự án rà phá bom mìn ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị… cũng xuất phát từ hoạt động MIA.

 

 
 

Ngoài những khó khăn, vất vả khó diễn tả bằng lời, quá trình hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích tại VN cũng đã chứng kiến những sự hy sinh to lớn của cả hai phía.

Ngày 7.4.2001, chiếc máy bay trực thăng chở đoàn công tác của VN và Mỹ gặp tai nạn tại vùng núi Am (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã làm thiệt mạng toàn bộ 16 người trên máy bay, gồm 9 người Việt và 7 người Mỹ. Trong đó có hai lãnh đạo của cả cơ quan MIA VN và Mỹ.

 

 

Trong quá trình phối hợp, từ yêu cầu của VN, phía Mỹ cũng đã cung cấp nhiều thông tin để giúp VN tìm kiếm hài cốt bộ đội hy sinh trong chiến tranh. Theo đại tá Kính, ngoài các tài liệu, hiện vật được trao trả thì các tài liệu về mộ chí do các tổ chức cựu chiến binh Mỹ cung cấp đã giúp các cơ quan chức năng của VN xác định, tìm kiếm thành công nhiều trường hợp. “Có khoảng hơn 10.000 trường hợp liệt sĩ hy sinh mất tích bị chôn vùi trên các địa bàn. Đến nay, ta đã tổ chức tìm kiếm và quy tập được hơn 1.000 trường hợp”, đại tá Kính cho biết.

Các vụ điển hình mà VN đã tìm kiếm thành công nơi chôn tập thể và quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ như 48 liệt sĩ tại làng Plei Che (tỉnh Gia Lai) hồi 7.2003; 127 liệt sĩ tại điểm cao 824 Đắk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vào 12.2003…

Tháng 7.2006, tại Quảng Trị, trên sơ đồ chôn 173 liệt sĩ ta bước đầu khai quật quy tập được 13 hài cốt liệt sĩ đặc công đánh trận Cồn Tiên (1967). Một số thông tin sơ đồ mộ chí có địa điểm tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị … đang được xác minh điều tra tìm kiếm quy tập.

Trong quá trình hợp tác, trước những đề nghị của VN, phía Mỹ cũng đã trả lại nhiều di vật, sổ sách và nhiều tư liệu hiện vật khác của cán bộ, chiến sĩ ta được họ thu thập trong chiến tranh mà ví dụ tiêu biểu là năm 2010, trong chuyến thăm của ông Robert Newberry, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề POW/MIA, tập tranh ký họa hơn 100 bức của họa sĩ Lê Đức Tuấn đã được trao lại…

Trường Sơn

 

Sự giúp đỡ quý báu

 

Đưa hài cốt và di vật người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở VN lên máy bay - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh

 

Trong bức thư gửi Phó giám đốc Cơ quan VN tìm kiếm người nước ngoài mất tích hồi tháng 7.2009, bà Kerryn Herbert, em gái trung úy không quân Úc Michael Herbert, người đã tử trận tại VN năm 1970, đã viết:

“… Các cựu chiến binh Quân đội nhân dân VN và những người dân trong khu vực tìm kiếm đã dành cho phía Úc sự giúp đỡ quý báu… Nỗ lực và tấm lòng của họ thật đáng cảm động… Cũng chính vì vậy tôi đã cảm thấy nhẹ lòng hơn trước sự ra đi của anh trai tôi trong cuộc chiến tranh khốc liệt ở đất nước của ông. Tôi biết từ giờ tôi sẽ chấp nhận điều này rất thanh thản cho dù kết quả cuộc tìm kiếm có là thế nào đi nữa. Chính hành động của ông và các đồng nghiệp đã khiến tôi được an ủi nhiều hơn. Xin cảm ơn ông về sự quan tâm, lòng thiện chí cũng như thời gian ông đã dành cho công việc này…”

Trước đó vào tháng 4.2009, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, những mảnh vỡ của chiếc máy bay và hài cốt của Michael Herbert cùng thiếu úy Robert Carver được phát hiện tại một khu vực rừng rậm gần biên giới Việt – Lào. Cuối tháng 8.2009, hài cốt của hai sĩ quan không quân này được hồi hương về Úc. Biết được những gian khó và công sức mà các cán bộ, chiến sĩ của VN đã dành cho cuộc tìm kiếm này, bà Kerryn chia sẻ rằng điều đó “thể hiện sức mạnh ý chí cũng như lòng nhân văn cao cả của các ông. Cha tôi năm nay đã 85 tuổi và tôi biết cha tôi cũng sẽ hài lòng và thanh thản với suy nghĩ của tôi. Tôi luôn cảm thấy gắn bó với ông, với nhân dân và đất nước VN”.

Theo đại tá Đào Xuân Kính, với Úc, tính đến nay các cơ quan chức năng của VN đã hỗ trợ tìm kiếm và giúp hồi hương toàn bộ hài cốt binh lính. Trong cuộc chiến tranh tại VN, Úc có hơn 600 trường hợp tử trận và đã được đưa về gần như toàn bộ trước khi cuộc chiến tranh kết thúc. 6 trường hợp còn nằm lại ở VN đều được xếp vào những vụ phức tạp, khó khăn do hầu hết nằm tại các khu vực rừng núi có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận. Trong giai đoạn 2007 – 2009, cơ quan VNOSMP đã giúp phía ÚC tìm thấy và hồi hương toàn bộ hài cốt của 6 quân nhân này.

T.S

 

Trường Sơn