Xét xử phúc thẩm ‘đại án’ Vinalines: ‘Khi đưa tiền chỉ được nói là bồi dưỡng…’
Chiều 28.4, chủ toạ phiên xét xử phúc thẩm 9 bị cáo trong vụ cố ý làm trái và tham ô tài sản tại Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) đã tạm dừng phiên toà để các bên liên quan nghiên cứu một số tài liệu mới theo kết quả tương trợ tư pháp của Liên bang Nga vừa được chuyển đến.
Xét xử phúc thẩm ‘đại án’ Vinalines: ‘Khi đưa tiền chỉ được nói là bồi dưỡng…’
Chiều 28.4, chủ toạ phiên xét xử phúc thẩm 9 bị cáo trong vụ cố ý làm trái và tham ô tài sản tại Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) đã tạm dừng phiên toà để các bên liên quan nghiên cứu một số tài liệu mới theo kết quả tương trợ tư pháp của Liên bang Nga vừa được chuyển đến.
|
Mua 2,3 triệu USD, bán lại 9 triệu USD
Theo chủ toạ phiên toà, Viện KSND tối cao vừa bàn giao cho toà khoảng gần 10 đầu mục tài liệu thông tin tương trợ tư pháp từ Phòng Nội vụ TP.Nakhodka, Liên bang Nga, gồm: Biên bản thẩm vấn các nhân chứng liên quan đến mua bán ụ nổi 83M, giấy chứng nhận ngừng đăng kiểm tàu đối với ụ nổi 83M, giấy phép xuất xưởng, các hợp đồng mua bán… HĐXX đã chuyển bản photo để các luật sư nghiên cứu. Khi được hỏi quan điểm về các tài liệu này, đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại toà cho hay chưa tiếp cận được các tài liệu.
|
|
Trong tài liệu này có thông tin thể hiện ụ nổi 83M được Công ty sở hữu Nakhodka, Nga bán với giá 2,3 triệu USD cho một công ty Nhật Bản do ông Goh, Giám đốc Công ty AP, đứng ra làm đại diện. Sau đó, ụ được bán cho Vinalines qua sự môi giới của AP với giá 9 triệu USD.
Được biết, các thông tin tài liệu về ụ nổi do phía Nga thực hiện từ trung tuần tháng 11.2013 và được Phòng Tư pháp H.Chương Mỹ (Hà Nội) dịch và chứng thực ngày 28.4.2014. Trong khi đó, phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm diễn ra từ ngày 12 – 16.12.2013.
Quy định “bất thành văn” tại Vinalines
Trước đó, trong buổi sáng và đầu giờ chiều cùng ngày, HĐXX tập trung thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy sửa chữa và đóng tàu phía nam – Vinalines, để làm rõ về “dòng tiền” mà bị cáo này đã chia cho Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc) và Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines).
Trần Hải Sơn khai vào tháng 7, 8.2008, khi Dương Chí Dũng vào TP.HCM nghỉ tại khách sạn Victoria, Sơn đã chuẩn bị 5 tỉ đồng trong một va li và đưa cho Dũng. Lần thứ 2 cũng là một va li chứa 5 tỉ đồng đưa cho Dũng ở Hải Phòng. Sơn khai đưa tiền cho Mai Văn Phúc 3 lần. Lần thứ nhất tại nhà riêng Phúc ở Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) 2,5 tỉ đồng. Lần thứ hai cũng tại đây 5 tỉ đồng và lần thứ 3 ở quê của Phúc là xã An Hồng, An Dương, Hải Phòng 2,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi chủ toạ truy vấn về thời điểm, bối cảnh đưa tiền, Sơn cho biết không nhớ cụ thể, cũng không nhớ đưa tiền cho Dũng hay Phúc trước. Trước câu hỏi của luật sư về việc tại sao không đưa tiền thành một cục mà chia thành nhiều lần, Sơn đáp: “Nếu đưa một lần thì gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển”.
Đối với việc chia tiền cho Trần Hữu Chiều, Sơn khai lúc chuẩn bị mang đi cho Chiều 500 triệu đồng nhưng sau đó rút ra rút vào nên không rõ là bao nhiêu và “tin tưởng theo lời khai của Chiều là 340 triệu đồng”. Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc “khi chia tiền cho Chiều, tại sao chỉ nói là “bồi dưỡng” mà không nói rõ nguồn gốc”, Sơn đáp: “Tại Vinalines có những quy định “bất thành văn”. Bị cáo được tổng công ty cho quản vốn, cho người này người kia thì chỉ nói là bồi dưỡng chứ không nói cụ thể gì cả”.
Luật sư thẩm vấn nhân chứng Trần Hải Hà (em gái Trần Hải Sơn) về lời khai của Sơn là đã nhờ Hà chuẩn bị tiền đưa cho Dương Chí Dũng. Bà này cho biết khi rút tiền mệnh giá thấp từ ngân hàng, Sơn đã từ chối và yêu cầu đổi loại có mệnh giá 500.000 đồng: “Anh Sơn bảo tiền đưa cho bác Dũng tổng mà thế này thì thành bao tải à?”, bà Hà nói.
Ngân hàng không tra soát được giao dịch rút tiền
Để làm rõ thêm lời khai của các bị cáo và nhân chứng, HĐXX đã triệu tập đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải để làm rõ tình tiết Sơn sử dụng CMND rút tiền qua ngân hàng này đưa cho các “sếp”. HĐXX đã công bố văn bản việc xác minh chứng từ rút tiền của Trần Hải Sơn, theo đó, năm 2009, 2010 Sơn có mở tài khoản. Còn việc rút tiền (từ 2007 đến 2012) thì phần mềm của Ngân hàng Hàng hải không tra soát được. Theo ông Nguyễn Tuấn Khang, đại diện ngân hàng này, việc “không tra soát được” được hiểu là tra soát không ra. Tuy vậy, ông này khẳng định, các giao dịch bằng CMND ngoài phần mềm còn được lưu giữ bằng các chứng từ khác.
HĐXX đã đề nghị ngân hàng này tra soát lại các khoản giao dịch của Trần Hải Sơn năm 2008 và cung cấp cho toà vào sáng 29.4. Ông Tuấn Khang cho biết sẽ chuyển yêu cầu để ngân hàng xem xét, nhưng không chắc về thời gian vì có nhiều giao dịch.
Hôm nay 29.4, phiên toà sẽ tiếp tục.
Thái Sơn – Hoàng Trang