10/01/2025

Không đẩy công an làm thay chính quyền

Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài được tổ chức trong ngày 22-4.

Không đẩy công an làm thay chính quyền

Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài được tổ chức trong ngày 22-4. 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài ngày 22-4 – Ảnh: Đăng Đạt

 

Mở đầu hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi nguyên nhân vì sao có tình trạng khiếu nại đông người? Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế chính sách còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở…

Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn yếu kém, vi phạm, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai. Một số dự án thu hồi đất của dân nhưng thiếu công khai, dân chủ, công bằng, bồi thường không thỏa đáng.

Xem nhẹ công tác tiếp dân

 

“Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp thì không đẩy công an ra làm thay cho chính quyền. Không để công an giải quyết, đừng mượn tay công an giải quyết vì như vậy sẽ gây ra mâu thuẫn,bức xúc của người dân”

Phó thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

 

Ông Hạnh cho biết có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không sử dụng để hoang hóa hoặc làm không đúng quy trình, thiếu thủ tục quan trọng, làm cho dân bức xúc, phát sinh khiếu nại, tố cáo, đến khi phát sinh thì không tập trung xử lý, giải quyết ngay tại cơ sở.

“Nhiều địa phương còn xem nhẹ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ chế độ tiếp công dân, có nơi chủ tịch UBND, người đứng đầu còn né tránh trong việc tổ chức đối thoại với công dân để giải quyết. Việc hướng dẫn, chuyển đơn còn lòng vòng, không đúng quy định. Việc giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền còn chậm, một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, việc thực hiện các quyết định giải quyết chưa triệt để, thiếu công khai, xử lý vi phạm chưa nghiêm nên công dân rất bức xúc, thiếu tin tưởng” – ông Hạnh nói.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, ông Hạnh nói: “Mặc dù những tháng đầu năm 2014 tình hình khiếu nại, tố cáo có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2013 cả về số lượt người và số vụ việc, tuy nhiên số đoàn đông người cùng với mức độ gay gắt, phức tạp và vượt cấp tăng cao. So với quý 1-2013 thì trong quý 1-2014 số vụ việc công dân đến trụ sở tiếp dân Trung ương Đảng và Nhà nước giảm 29,07% nhưng số lượt người tăng 76,13%, số lượt đoàn đông người tăng 23,36%”.

Một số địa phương tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng

Theo ông Hạnh, bên cạnh những vụ việc trước đây chưa được giải quyết dứt điểm (khiếu nại của công dân xã Dương Nội (Hà Nội), công dân huyện Văn Giang (Hưng Yên), khiếu nại đất đai ở An Giang, Tiền Giang, Tây Ninh… thì đã phát sinh một số vụ việc mới, công dân khiếu nại với thái độ bức xúc và gay gắt như khiếu nại của công dân xã Bắc Sơn (Hà Tĩnh) về xây dựng dự án công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, khiếu nại việc tổ chức thi công đường vào dự án mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên), khiếu nại thu hồi đất xây dựng các chợ ở Đồng Nai…

Điều đáng quan tâm là một số vụ việc đã có sự lợi dụng của thế lực thù địch và kẻ xấu đã xúi giục, kích động công dân đi khiếu nại đông người, phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại một số địa bàn.

Ông Hạnh cũng cho biết thời gian tới dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ tăng và tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong đó tại một số địa phương tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng nếu như không được tập trung giải quyết một cách chủ động, quyết liệt cũng không loại trừ trường hợp các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài mặc dù đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân liên kết kéo đến tụ tập đông người tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM, trung tâm hành chính tỉnh thành để gây áp lực.

Giải quyết không tốt sẽ mất dân

Ông Bùi Mậu Quân, cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu nại trong lĩnh vực đất đai là do giá đền bù quá thấp so với giá thị trường, chưa giải quyết tốt công ăn việc làm cho các hộ dân bị mất 100% đất sản xuất buộc họ phải kéo ra TP làm thuê.

Việc triển khai dự án, thu hồi đất một số nơi còn thiếu minh bạch, không công khai dân chủ, không để “dân biết, dân bàn”, triển khai thực hiện mang tính áp đặt.

“Có nơi khi triển khai thực hiện công việc xảy ra tình trạng sai sót của cán bộ, thậm chí có tham nhũng, tiêu cực nhưng khi phát hiện thì xử lý chưa nghiêm, bao che, chưa công khai nên người dân bức xúc. Có nơi khi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo thì cán bộ né tránh, đùn đẩy trong khi người dân muốn được gặp người có trách nhiệm. Cũng có nơi muốn đưa lực lượng công an ra giải quyết, đẩy người dân vào cảnh đối đầu với công an” – ông Quân nói.

Theo ông Quân, để giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, “chúng ta cần xem xét thấu đáo, có lý có tình”, nếu giải quyết không tốt sẽ mất dân. Phải rà soát lại các vụ việc trong thời gian qua, tổ chức đánh giá việc thực hiện, đồng thời quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân. “Ngoài ra đối với các vụ khiếu nại, tố cáo phải tăng cường công tác vận động, thuyết phục đối với người dân. Mặt khác hạn chế việc cưỡng chế, đưa lực lượng công an ra đối đầu với dân” – ông Quân đề nghị.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vừa qua để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng phức tạp và kéo dài là do nhiều nơi lãnh đạo chưa thật sự vào cuộc để giải quyết. Quá trình giải quyết chưa xuất phát từ lợi ích của người dân, chưa giải quyết thấu tình đạt lý, coi thường việc tiếp dân. “Kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm. Có những vụ việc đã có quyết định giải quyết, có ý kiến của các bộ ngành, thậm chí có vụ việc có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng địa phương không thực hiện” – ông Phúc nói.

Ông Phúc yêu cầu trong thời gian tới chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp đối thoại với dân ở các vụ việc xảy ra khiếu nại đông người. Thanh tra Chính phủ cùng với các bộ ngành có liên quan phải kiểm tra, rà soát từng vụ việc ở các địa phương. Đối với các dự án khi triển khai có liên quan đến quyền lợi, cuộc sống của nhiều người dân thì phải tổ chức đối thoại dân chủ.

HỮU KHÁ