10/01/2025

Thiếu kỷ cương, thẳng hoá thành cong

Quy hoạch thiết kế xây dựng ở Việt Nam đang lộ dần bản chất ý chí của những người có quyền, nhóm có quyền như nhà văn Aziz Nesin (Thổ Nhĩ Kỳ) đã mô tả trong tác phẩm nổi tiếng thế giới Những người thích đùa.

 

Thiếu kỷ cương, thẳng hoá thành cong

Quy hoạch thiết kế xây dựng ở Việt Nam đang lộ dần bản chất ý chí của những người có quyền, nhóm có quyền như nhà văn Aziz Nesin (Thổ Nhĩ Kỳ) đã mô tả trong tác phẩm nổi tiếng thế giới Những người thích đùa.

Con đường Trường Chinh, Hà Nội (Tuổi Trẻ ngày 9-4) như một xã hội thu nhỏ với các ý tưởng đang dần quanh co, các ý nghĩ đang dần né tránh, đích đến không ngay thẳng!

Một đô thị hiện đại, ngăn nắp cần những bản quy hoạch ngăn nắp, những con đường ngay thẳng, những luật lệ quản lý đô thị, quản lý quy hoạch rõ ràng. Không chỉ thế, còn cần những con người quản lý liêm khiết, biết đau lòng cho sự mất mát của người dân, biết rung động đối với những người mất nhà, mất đất vì bị thu hồi, biết công tâm trong cầm cân nảy mực và một xã hội văn minh cần thiết lập kỷ cương bình đẳng đối với mọi người dân, và biết lo lắng cho những người yếu thế, đơn độc, khuyết tật hay người già, trẻ nhỏ…

Luật xây dựng, Luật quy hoạch, cho đến Luật đất đai, Luật đầu tư công đã nghĩ đến những điều trái khoáy này chưa? Hay đã vạch ra đúng quy trình thủ tục 36 bước, 3 năm cho một dự án “con đường” mà người ta có thể bẻ cong một cách trắng trợn, tăng chi phí, tăng thời gian lưu thông và tạo ra tai nạn tiềm ẩn? Dẫn theo đó là sự thiên vị, cả nể, ưu tiên gây ra mâu thuẫn không đáng có của người dân sống hai bên đường? Người ta đang biện minh cho tiền kiểm trong xây dựng với một rừng thủ tục, một rừng lấy ý kiến cộng đồng phường xã cho đến các ban ngành… Nhưng tất cả chỉ làm cho đúng bài, khi hậu kiểm mới lòi ra việc tày đình và chắc chắn một điều sẽ không ai mắc lỗi trong việc này bởi đã được tiền kiểm đúng luật?

Lâu nay những quy hoạch đô thị của Việt Nam thay đổi như chong chóng, từ phình rộng lan tỏa đến đa trung tâm rồi quay về vệ tinh, mỗi ngành đề xuất một hướng, mỗi thời kỳ quyết liệt một kiểu. Đường lộ giới 120m giảm xuống 60m, rồi từ 60m tách ra hai đường 30m… Những công trình dự án hoành tráng được đề xuất theo từng nhiệm kỳ, những công trình chống ngập, kẹt xe, thay đổi như chong chóng bởi rất nhiều lý lẽ hợp tình hợp lý đúng quy trình được biện minh ngay thẳng trên công luận… Chỉ có điều đằng sau đó là sự tốn kém ngân sách, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hoặc vì những thay đổi không hợp lòng người…

Khi mà khắp nơi chạy dự án, cả nước làm dự án, giải tỏa hàng loạt, thu hồi đất tràn lan, rồi làm dở dang, bỏ đất hoang, đường sá kẹt cứng, ô nhiễm cho đến sống chung với ngập, những việc dân sinh khác dường như sợ bị đụng chạm, cả nể, bị vướng nhà quan hoặc của “các anh”, nên hầu như bị thả lỏng, dẫn đến hệ lụy kéo dài, đội giá, bẻ cong, thu nhỏ lộ giới hay mở rộng thêm kiến trúc cổ điển, hiện đại, theo ý anh A, chị B…

Thật đau lòng khi nhìn các thành phố nổi tiếng của Việt Nam đang được quy hoạch, xây dựng mở rộng với cung cách thực hiện như vậy. Họ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân cục bộ mà quên rằng ta đang xây dựng những thành phố vĩnh cửu cho tương lai, cho thế hệ sau. Lợi ích riêng, nhóm lợi ích, cục bộ là điều không thể chấp nhận bởi những việc làm dù nhỏ trong cách ứng xử đối với đô thị sẽ ảnh hưởng lâu dài đến bộ mặt của Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hội An, Nha Trang… trong tương lai. Những di sản đáng tự hào đang dần mai một vì một phần lợi ích, trong khi những “xú sản” thì ngày càng tràn lan!

Từ những con đường cong, cần xem lại các dự án dân sinh với quy trình thực hiện rõ ràng, cần loại bỏ bớt tư tưởng bất bình đẳng trong xã hội, những ưu tiên mơ hồ và những cuộc trưng cầu ý kiến cộng đồng lấy lệ, và nhất là hãy giao những công việc này cho những người có công tâm, chính trực, người đầy tớ công bộc của dân thật sự.

 

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG