10/01/2025

Nhiều loại phí… quá phi lý

Tại phiên điều trần (ngày 11-4) của Uỷ ban Tài chính – ngân sách về việc thực hiện pháp luật thu, chi và quản lý các loại phí và lệ phí, đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng lạm thu đang xảy ra ở mọi nơi.

 

Nhiều loại phí… quá phi lý

Tại phiên điều trần (ngày 11-4) của Uỷ ban Tài chính – ngân sách về việc thực hiện pháp luật thu, chi và quản lý các loại phí và lệ phí, đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng lạm thu đang xảy ra ở mọi nơi. 

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – Ảnh: Việt Dũng

 

Giải trình về phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận có tình trạng thu một số khoản không phải phí và lệ phí nhưng vẫn nhân danh phí và lệ phí.

Dân hiểu nhầm?

 

“Trong tình hình kinh tế khó khăn, đời sống khó khăn nên tôi cũng rất chia sẻ với bà con cử tri, bức xúc là đúng. Có nhiều khoản không phải là phí, lệ phí nhưng vẫn cứ thu”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

 

“Hiện nay tình trạng lạm thu phí, lệ phí đang xảy ra phổ biến trên mọi lĩnh vực, từ thành thị đến nông thôn, tình trạng phí chồng phí, phí không tương xứng với chất lượng dịch vụ đang đè gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn” – đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu vấn đề. Ông Vinh dẫn ra những loại phí đang được thu mà không có văn bản pháp luật nào quy định như phí chung cư, phí dịch vụ chuyển tiền… Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương nói: “Đó là chưa nói đến hàng chục khoản đóng góp tự nguyện mà địa phương thu khiến dân nhầm tưởng đó là phí. Liệu có lợi ích cục bộ của ngành, địa phương trong việc thu phí và lệ phí hay không?”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận: “Ở một số địa phương thu một số loại không có trong danh mục nhưng vẫn mang tên gọi phí và lệ phí. Chẳng hạn các khoản thu xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài quy định (đường giao thông, trường học, trung tâm y tế…), các khoản thu từ thiện, xã hội (quỹ khuyến học, quỹ từ thiện địa phương…), hoặc có trường hợp được miễn thu như phí an ninh nhưng địa phương vẫn thu quỹ quốc phòng an ninh với tên gọi là phí… gây nhầm lẫn cho người dân. Thực tế cho thấy khi phát sinh một số khoản thu nộp thì người dân hiểu nhầm đó là phí và lệ phí nhưng thực chất đó là khoản tự nguyện. Ngoài ra một số khoản thu là giá dịch vụ nhưng tổ chức, cá nhân thu thường gọi là phí và lệ phí như phí dịch vụ chung cư, phí bến bãi, phí ra vào khu công nghiệp… là những khoản thu theo cơ chế giá dịch vụ, hoàn toàn không phải là các khoản thu theo cơ chế phí và lệ phí thuộc ngân sách nhà nước”.

“Tôi rất băn khoăn khi bộ trưởng nói là người dân không hiểu đâu là phí, đâu là giá dịch vụ. Vì không hiểu nên dân có thể bị lợi dụng, thậm chí bị lừa. Ví dụ tiền trông giữ xe là khoản nhỏ thôi, khoảng 5.000-10.000 đồng, nhưng có nơi thu 40.000-50.000 đồng, có lễ hội thu đến hàng trăm nghìn. Vậy căn cứ nào để thu như vậy, đây là giá dịch vụ hay là phí, bởi ở nhiều nơi có chính quyền đứng đằng sau doanh nghiệp?” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Vấn đề nóng, xử lý nguội

Phần phúc đáp của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về trách nhiệm của bộ đã không làm đại biểu Quốc hội hài lòng khi nhiều đại biểu đăng ký chất vấn lại. “Xin bộ trưởng giải thích rõ ràng hơn, đơn giản như chúng tôi là người dân hiểu rằng thu phí để làm tốt hơn dịch vụ, nhưng bây giờ nhiều khoản thu mà dịch vụ không ra gì cả. Vậy cơ quan nào kiểm tra, thanh tra để phát hiện và chế tài xử lý thế nào?” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nói. “Tôi hỏi những khoản như trông giữ xe là giá dịch vụ hay phí? Tôi hỏi lợi ích cục bộ có hay không, trông giữ xe bây giờ từ cơ quan, đơn vị, trường học đều có thu, lòng lề đường cũng thu, vậy tiền đó có vào Nhà nước không hay mỗi nơi tự thu rồi chia nhau?” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu lại.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết phí trông giữ xe đang là phí nhưng tới đây đề nghị sang thành giá. Hiện phân cấp HĐND cấp tỉnh quyết định mức giá. Nhưng có tình trạng như các đồng chí nói là tùy tiện mức giá, đẩy giá lên. Còn trách nhiệm kiểm tra, thanh tra là của UBND các cấp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Lê Việt Trường cho rằng bộ trưởng trả lời như vậy là không đúng với pháp lệnh phí và lệ phí quy định. Theo pháp lệnh này, Bộ Tài chính có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm, bãi bỏ các loại phí, lệ phí thu không đúng thẩm quyền… “Tình hình phí và lệ phí rất nóng nhưng xử lý rất nguội. Mấy năm qua chỉ xử lý hành chính bốn người, chuyển điều tra hình sự một người” – ông Trường cho hay. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đáp ngắn gọn: “Về trách nhiệm của bộ, công tác thanh tra, kiểm tra được chúng tôi tiến hành thường xuyên, coi đây là yêu cầu bắt buộc trong thanh tra, kiểm tra tài chính hằng năm; các bộ, ngành và địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra theo phân cấp và phát hiện sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật”.

Phí đường bộ chồng lên nhau?

Nhiều đại biểu Quốc hội cùng quan tâm đến câu chuyện thu phí bảo trì đường bộ trong khi vẫn duy trì các trạm thu phí. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết qua một năm thực hiện thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện, các trạm thu phí cho ngân sách nhà nước đã dừng thu mà chỉ còn các trạm BOT. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Đinh Văn Nhã chất vấn: “Quốc lộ 1 tới đây nếu hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ có khoảng 20 trạm thu phí BOT trên toàn tuyến. Đây là con đường giao thông huyết mạch của đất nước, xin hỏi Bộ GTVT tham mưu gì cho Chính phủ, tới đây có thu phí trên đầu phương tiện nữa không, bởi vì nếu thu lại xảy ra tình trạng phí chồng lên phí?”. Ông Phùng Quốc Hiển hỏi thêm: “Xe nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng vẫn phải đi qua những con đường có trạm thu phí BOT của doanh nghiệp, có những cung đường trạm thu phí rất dày. Thứ trưởng giải thích thế nào?”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích: “Nghị định 18 quy định rất rõ rằng quỹ bảo trì đường bộ để bảo trì các đoạn đường không phải BOT, còn các đoạn đường BOT thì nhà đầu tư phải tự bỏ tiền để duy tu, sửa chữa. Như vậy là không chồng phí”.

Phát biểu kết luận phiên điều trần, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh tình trạng lạm thu gây bức xúc cho nhân dân. Tới đây, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Luật phí và lệ phí thay thế pháp lệnh hiện hành.

LÊ KIÊN

 

 

Nhiều khoản phí không nằm trong danh mục được phép thu

Ngày 11-4, trao đổi với một số cơ quan báo chí về pháp lệnh phí, lệ phí sau 12 năm áp dụng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) – cho biết pháp lệnh phí, lệ phí quy định 301 khoản phí và lệ phí được phép thu, hiện mới thực hiện thu 280 khoản. Tuy nhiên, có nhiều loại phí được ban hành không nằm trong danh mục quy định như phí bay qua vùng trời, phí công chứng… Ngoài ra, còn có nhiều khoản phí cần phải bãi bỏ. Cụ thể như phí xây dựng, một số địa phương kiến nghị cần phải bãi bỏ phí này vì người dân đã phải nộp một số khoản như lệ phí địa chính, lệ phí cấp phép xây dựng, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Nói thêm về bất cập trong thực hiện pháp lệnh, ông Ngô Hữu Lợi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết điều đáng nói là pháp lệnh quy định ba cơ quan có thẩm quyền ban hành phí, lệ phí là Chính phủ, Bộ Tài chính và hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Nhưng trên thực tế, thời gian qua Quốc hội có ban hành một số văn bản, trong đó quy định thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với một số khoản phí, lệ phí như án phí và lệ phí tòa án, phí thi hành án. Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu phân loại về thẩm quyền ban hành phí, lệ phí cho phù hợp.

L.THANH