Ra đời từ những đồng tiền lẻ
Làng trẻ em SOS Đà Lạt là trường hợp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các làng trẻ em SOS trên thế giới: được xây dựng và duy trì hoạt động từ những đồng tiền lẻ gom góp qua việc bán thiệp giáng sinh của vợ chồng giáo sư Việt kiều nổi tiếng Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc.
Ra đời từ những đồng tiền lẻ
Từ mái ấm này, các cháu mồ côi đã được cưu mang, khôn lớn nên người – Ảnh: Hàm Châu
Làng trẻ em SOS Đà Lạt là trường hợp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các làng trẻ em SOS trên thế giới: được xây dựng và duy trì hoạt động từ những đồng tiền lẻ gom góp qua việc bán thiệp giáng sinh của vợ chồng giáo sư Việt kiều nổi tiếng Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc.
Tình thương của ông bà Trần Thanh Vân
Làng SOS ra đời Năm 1987, Nhà nước đồng ý để SOS Kinderdorf International xây dựng một làng trẻ em SOS ở thủ đô Hà Nội và một làng khác ở Nghệ An. Từ đấy, Nhà nước cho phép các làng trẻ em SOS ở Gò Vấp (TP.HCM) và Đà Lạt hoạt động trở lại, cũng như xây dựng thêm nhiều làng mới, từ Điện Biên Phủ, Việt Trì tới Bến Tre, Cà Mau. |
Hôm rồi, vừa đặt chân tới TP.HCM, trước lúc bay lên Đà Lạt dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập làng, GS Lê Kim Ngọc – chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em VN (Aide à l’Enfance du Vietnam – AEVN), một tổ chức từ thiện tại Pháp – nói với tôi qua điện thoại di động:
– Năm ấy tôi và chồng tôi, anh Trần Thanh Vân, vừa tròn 40 tuổi. Thế mà nay đã 80! Nhanh quá anh ơi! Sao mà con người ta chóng bước qua ngưỡng cửa “cổ lai hi” đến thế? Vậy là đã hơn nửa đời người chúng tôi gắn bó với đám trẻ mồ côi để các cháu đỡ cảm thấy mình lẻ loi đơn độc trong cõi đời đầy sóng gió này…
Nói là “hơn nửa đời người” bởi vì trước ngày khánh thành làng trẻ em SOS Đà Lạt, suốt ba năm trời ròng rã, ông bà Trần đã phải đứng bên hè phố trước cửa nhà thờ Đức Bà Paris bán từng gói thiệp giáng sinh trong những đêm cuối năm lạnh cóng. Mỗi gói 10 tấm thiệp bán 2 USD, lãi được 1 USD.
Cảm động trước nghĩa cử của ông bà, những người cùng tâm nguyện đã đồng loạt xuống đường, bán hàng triệu gói thiệp giáng sinh trước cửa nhiều ngôi nhà thờ khác trên khắp nước Pháp và một vài nơi ở Mỹ. Phong trào bán thiệp giáng sinh giúp đỡ trẻ mồ côi ở VN được ông bà Trần khởi xướng ở Pháp, về sau lan sang cả Mỹ. AEVN gom góp từng đồng tiền lẻ như thế đấy, để có đủ 1 triệu USD xây cất nên làng trẻ em SOS Đà Lạt.
Tại sao lại chọn nhà thờ làm nơi bán thiệp giáng sinh? Bởi vì ông bà Trần tin rằng sau khi nghe linh mục truyền giảng đạo lý làm người, cõi lòng các tín đồ Cơ Đốc giáo thanh sạch hơn, hướng thiện hơn, dễ bỏ tiền ra mua thiệp giáng sinh hơn khi họ biết làm vậy có thể góp phần cứu giúp trẻ mồ côi ở VN, một đất nước xa xôi nhiều đau khổ.
Khánh thành năm 1974 nhưng tiếc thay, chưa đầy một năm sau khi đất nước thống nhất, làng trẻ em SOS Đà Lạt buộc phải… đóng cửa! Một xí nghiệp địa phương được trao quyền sử dụng cơ sở vật chất của ngôi làng này làm nơi sản xuất và chỗ ở của cán bộ, công nhân, viên chức.
Tới ngày 26-12-1989, làng mới chính thức làm lễ “khánh thành”, ngày tái sinh của làng! Để có thể trở lại hoạt động, AEVN phải bỏ ra 300.000 USD sửa chữa vì nhà cửa ở đây lúc bấy giờ bị hư nát quá nhiều!
Làng trẻ em SOS Đà Lạt là trường hợp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các làng trẻ em SOS trên thế giới. Các làng trẻ em khác đều được SOS Kinderdorf International cấp tiền xây dựng và duy trì. Riêng làng Đà Lạt được xây dựng và duy trì từ những đồng tiền lẻ gom góp lại của AEVN qua việc bán thiệp giáng sinh.
Ngôi làng khởi sắc từng ngày
Sau làng Đà Lạt, AEVN còn xây dựng thêm Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân ở ngoại thành Huế, và làng trẻ em SOS Đồng Hới ở tỉnh Quảng Bình.
Ông Helmut Kutin, nguyên chủ tịch SOS Kinderdorf International, kể lại:
– Tôi quen ông bà Trần từ cuối thập niên 1960. Lúc đó cả ba chúng tôi đều còn trẻ lắm. Cùng có chung tâm nguyện muốn cứu giúp trẻ mồ côi, bởi thế vừa mới quen nhau đã trở nên thân thiết. Là những chuyên gia hàng đầu ở Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp, ông bà Trần hoàn toàn xứng đáng được hưởng một cuộc sống đầy đủ tiện nghi và những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái. Thế nhưng hai vị tiến sĩ trẻ ấy lại tự nguyện đứng bên hè phố Paris bán thiệp giáng sinh! Đó là một công việc chẳng nhẹ nhàng gì, đòi hỏi phải bỏ ra nhiều thời gian và tâm trí.
Ông Helmut Kutin tâm tình: làng trẻ em SOS Đà Lạt ra đời từ những đồng tiền lẻ gom góp được qua việc bán thiệp giáng sinh. Đồng tiền ấy ông bà Trần và những người cùng tâm nguyện kiếm được thật chẳng phải dễ dàng gì nên càng rất quý.
Những năm gần đây, người viết bài báo này đã ba lần lui tới làng trẻ em SOS Đà Lạt. Lần nào cũng tìm thấy những nét mới đáng mừng. Đất nước ta đang từng ngày đổi mới. Làng trẻ em SOS đang khởi sắc từng ngày.
Nhân ngày vui của làng, tôi muốn gửi mấy dòng tâm sự đến anh Trần Văn Cơ – người cán bộ Đoàn đã tình nguyện chuyển sang làm giám đốc làng này, chăm sóc trẻ mồ côi suốt một phần tư thế kỷ, và vừa mới về hưu cách đây mấy hôm, cuối tháng 3-2014. Tôi cũng muốn gửi lời chia vui tới các mẹ, các dì, các nhân viên giáo dục và hàng trăm cháu ở 14 mái ấm gia đình trong ngôi làng rất đẹp, với lớp lớp những ngôi nhà cao, thấp trên đồi, ẩn hiện dưới vòm lá thông xanh biếc.
HÀM CHÂU