10/01/2025

Niềm tin bị đánh cắp!

…một nông dân nghèo không nuôi nổi con ăn học ở Hà Nội, phải làm hồ sơ xin vay xoá đói giảm nghèo. Chữ ký xác nhận đầu tiên của cán bộ thôn được “vui vẻ” bằng một mâm lòng lợn 300.000 đồng.

 

Niềm tin bị đánh cắp!

“Tôi phải đãi mấy mâm nhậu và lót phong bì mới chạm được vào tiền xoá đói giảm nghèo. Thế mà họ còn nói tôi phải nhớ ơn họ…”.

Trong chuyến đi công tác ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng, chúng tôi đã nghe được câu chuyện cười ra nước mắt: một nông dân nghèo không nuôi nổi con ăn học ở Hà Nội, phải làm hồ sơ xin vay xoá đói giảm nghèo. Chữ ký xác nhận đầu tiên của cán bộ thôn được “vui vẻ” bằng một mâm lòng lợn 300.000 đồng.

Giấy tờ chuyển tiếp lên xã, chữ ký ở đây lại được tiếp tục đánh đổi bằng một mâm thịt chó 500.000 đồng cùng với cái phong bì ở mức “xăng nhớt” 300.000 đồng. Ngày đến ngân hàng, bà nông dân này được gợi ý “cô muốn được giải ngân nhanh hay chậm?”. Thế là một cái phong bì “làm nhanh” 500.000 đồng lại phải móc ra…

“Tính chi li để vay được 8 triệu đồng xoá đói giảm nghèo, tôi đã phải biết điều với ông này bà nọ hết 1,6 triệu đồng”. Bà nông dân cười méo xẹo kể ức nhất là vừa mất tiền bỏ phong bì 500.000 đồng còn bị mắng bà già lẩm cẩm, có mấy đồng bạc mà cũng bày đặt rườm rà bỏ vào phong bì!

Và câu chuyện cái phong bì cũng lắm bi hài ở ngay chính nơi người dân phải móc tiền túi để đóng thuế. Một người dân làm thủ tục mua bán nhà kể ông đã phải vòng lên lộn xuống chi cục thuế cả năm bảy lần vẫn chưa đóng được thuế trước bạ và thuế thu nhập. Lý do lặp đi lặp lại là điền sai thông tin này, còn thiếu giấy tờ nọ. Trong khi ấm ức mất tiền mình mà quá khó khăn như vậy, ông lại nhìn thấy ngay giữa ban ngày cảnh tượng một hồ sơ nộp thuế trắng, chưa ghi một chữ nào, vẫn được cán bộ thuế tiếp nhận ngay lần thứ nhất. Lý do đơn giản là có cái phong bì kẹp trong đó. Cán bộ thuế chỉ liếc nhìn thấy, liền gật đầu cái rụp và làm hộ luôn hồ sơ thuế cho người “biết điều”.

Từng người nông dân nghèo phải bán bao lúa, dè sẻn miếng ăn, chịu cảnh nợ nần học phí, viện phí ốm đau của con cái để bỏ tiền vào những cái phong bì bôi trơn. Cái khổ, cái thiệt của từng người dân lâm phải tình cảnh này là quá cụ thể. Nhưng sự thiệt hại của nền kinh tế cũng hoàn toàn có thể đong đếm được khi những đồng tiền đẫm mồ hôi từ túi người này rơi tọt vào túi kẻ kia. Không chỉ gây bất ổn cơ chế và các mối quan hệ xã hội, nó còn chính là một trong những nguyên nhân làm rối loạn thị trường khi kẻ kiếm tiền quá dễ thì cũng sẵn sàng vung tay tiêu tiền. Còn người khác thì khó nhọc kiếm tiền, lần miếng ăn không ra.

Tuy nhiên, sự thiệt hại từ tệ nạn tham nhũng tràn lan đâu chỉ dừng lại ở những cái hữu hình có thể đong đếm này. Bà nông dân chua xót kể rằng vừa mất tiền vay xóa đói giảm nghèo, lại vừa phải “chịu ơn” những kẻ đã moi tiền mình. Bà ức trong bụng lắm, nhưng vẫn phải cười ngoài mặt. Bởi nếu không làm thế thì con cái đi học, đi làm xa của bà sẽ bị họ hành ngay từ cái chữ ký của giấy tạm vắng, tạm trú.

Cái phong bì đút vào túi thì nhanh. Và hệ quả xã hội là những sự ấm ức dồn nén quá mức sẽ làm người dân mất lòng tin! Đó là sự mất mát nguy hiểm hơn nhiều đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân phải bỏ ra “bôi trơn” đủ thứ.

QUỐC VIỆT