10/01/2025

Hướng dẫn cách dùng mạng xã hội từ nhỏ

“Những người phàn nàn trên mạng phần lớn là những người ồn ào và không đại diện cho quan điểm của tất cả mọi người. Những người ôn hòa hơn thường không thể hiện quan điểm của mình trên mạng” – Ông Joshua Durkin

 

Hướng dẫn cách dùng mạng xã hội từ nhỏ

Phản hồi loạt bài “Lên Facebook nói xấu thầy cô” – Tuổi Trẻ 31-3 đến 3-4):

 

Cô Tanabe Mayuko – Ảnh: Yasuhiro

 

 

 

“Những người phàn nàn trên mạng phần lớn là những người ồn ào và không đại diện cho quan điểm của tất cả mọi người. Những người ôn hòa hơn thường không thể hiện quan điểm của mình trên mạng”

Ông Joshua Durkin

 

Tôi đang giảng dạy tại một trường trung học ở thành phố Tokyo (Nhật Bản). Ở Tokyo, chuyện trẻ con có điện thoại di động từ lúc học tiểu học là khá phổ biến, vì thế việc học sinh sử dụng mạng xã hội (MXH) là rất bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi thường dùng MXH Line hơn là Facebook.

Cá nhân tôi chưa từng nghe qua vụ học sinh nói xấu thầy cô trên MXH tại Nhật, nếu có tiêu cực trên MXH thì thường rơi vào hai trường hợp: hoặc người trẻ nói xấu về bạn bè đồng trang lứa, hoặc họ chia sẻ những thông tin cá nhân của người khác mà chưa được sự đồng ý từ người trong cuộc.

Đối với những trường hợp này, quốc gia chúng tôi có giải pháp là mở những lớp học sử dụng MXH do các giáo viên hoặc cảnh sát đứng lớp. Không chỉ tập trung giáo dục học sinh ngay từ nhỏ, chúng tôi còn gửi thư/email về những hướng dẫn này đến phụ huynh để họ tiện tham khảo. Giữa giáo viên và gia đình sau đó sẽ thống nhất về một số nguyên tắc dùng MXH ở người trẻ. Ngoài ra, giáo viên cũng thường xuyên hướng dẫn nhau, tự trau dồi thêm kiến thức về MXH để có thể luôn chủ động kiểm soát tình hình. Một số giáo viên thậm chí thường xuyên theo dõi MXH của học sinh. Chúng tôi quan niệm không nên cấm đoán học sinh dùng MXH nhưng cũng đề cao tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy”, bởi nghĩ rằng sẽ có nhiều trường hợp dùng MXH không đúng gây hậu quả khó thể cứu vãn nếu phát hiện trễ.

Tôi nghĩ việc học sinh nói xấu giáo viên trên MXH là dấu hiệu cho thấy có những vấn đề về sự tương tác giữa học sinh với nhà trường nói chung, với giáo viên nói riêng. Bởi trong một môi trường giáo dục chuẩn mực, học sinh sẽ được tạo điều kiện nói thẳng những điều họ đang suy nghĩ, dù cho đó có thể là sự bất mãn. Ngược lại, họ phải tìm đến không gian khác (trong trường hợp này là MXH) khi tiếng nói của mình không được lắng nghe trong đời thường. Điều này rất nguy hại cho mối quan hệ giữa họ và giáo viên sau này khi mọi việc bị vỡ lở, trong khi mọi thứ hoàn toàn có thể được giải quyết tốt đẹp nếu một bên chịu nói thẳng, một bên chịu nghe. Càng đáng tiếc hơn nếu đó chỉ đơn giản là một sự hiểu lầm nhưng được giải quyết trong im lặng.

Chúng tôi không dám cho rằng đây là giải pháp hoàn hảo, nhưng đây là cách chúng tôi làm để giải quyết tình trạng trên: chúng tôi chia giáo viên trong trường ra làm hai nhóm, một nhóm sẽ mang hình ảnh nghiêm khắc, kỷ luật và một nhóm sẽ mang hình ảnh thân thiện, ấm áp. Sở dĩ chúng tôi làm vậy là bởi giáo viên cũng như bao nhiêu người bình thường khác, họ không thể là một người hoàn hảo để có thể giữ trái tim nóng, đầu lạnh mọi lúc, mọi nơi. Sự phân định dứt khoát này sẽ giúp mọi thứ đi vào nề nếp mà vẫn giúp học sinh có được nơi để chia sẻ lúc cần.

TANABE MAYUKO (người Nhật) - C.NHẬT ghi

 

 

Ông Joshua Durkin (người Mỹ, nhà văn):

Học sinh có nhiều lựa chọn để phản đối giáo viên

 

Ông Joshua Durkin – Ảnh: nhân vật cung cấp

Trước đây một số sinh viên, trong đó có tôi, từng lên tiếng phản đối công khai (hoặc trên MXH) các quyết định bất hợp lý của các trường học hay trường đại học. Nhưng việc sinh viên dùng MXH để chỉ trích một giáo viên kém hoặc công kích dữ dội một giáo viên rất hiếm xảy ra ở Mỹ.

 

Nếu không hài lòng, các sinh viên có thể đối chất trực tiếp với giáo viên thông qua một ban quản lý cấp cao hơn, chẳng hạn như đơn vị tuyển dụng các giáo viên. Sinh viên ở Mỹ cũng được tạo điều kiện gặp trưởng khoa hay một thành viên khác của khoa để trình bày những gì họ cho rằng đã xâm phạm quyền lợi của mình.

Ở nước tôi, một số sinh viên thường tìm đến websitewww.ratemyteachers.com (được thành lập khoảng năm 2000) để đánh giá giáo viên. Tuy nhiên vào thời điểm đó, trang mạng này không được chú ý nhiều vì nhiều người nghi ngờ về những gì người khác viết trên mạng.

Các học sinh, sinh viên ở Mỹ không được khuyến khích thể hiện sự chống đối. Thay vào đó, họ có nhiều lựa chọn để phản đối một giáo viên mà họ thấy không xứng đáng hoặc điều kiện học không thoải mái.

Q.TR. ghi

 

 

 

 

Ông Duncan Sadleir (Trường Queenstown Resort College, New Zealand):

Lắng nghe là quan trọng nhất

 

Ông Duncan Sadleir – Ảnh: T.T.

Tình trạng học sinh tạo tài khoản trên MXH rồi nói xấu người dạy thỉnh thoảng cũng xảy ra tại New Zealand, một số trường hợp thậm chí gây rất nhiều phiền toái. Còn nhớ vài năm trước đây từng có trường hợp một sinh viên gây sự với giảng viên tại Trường Waimea College, mức độ nghiêm trọng đến mức câu chuyện này sau đó xuất hiện trên các bản tin cấp quốc gia.

 

Một số giải pháp mà người dân nói chung và giáo viên nói riêng ở quốc gia chúng tôi thường áp dụng trong những trường hợp này là:

– Giáo viên có thể phản ảnh sự việc tới Facebook và đề nghị Facebook gỡ bỏ những bài viết, trang thông tin đầy tính thêu dệt trên.

– Giáo viên có thể tìm đến NZTC (Hội đồng giáo viên New Zealand) để tìm sự tư vấn, hướng dẫn cần thiết.

– Liên lạc với NetSafe, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động độc lập và có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người dùng các sản phẩm công nghệ trực tuyến.

– Bộ Giáo dục đào tạo New Zealand cũng có những cẩm nang hướng dẫn giáo viên ứng xử với các vấn đề từ MXH.

Cá nhân tôi nghĩ giải pháp tốt nhất trong trường hợp này vẫn là một buổi nói chuyện thẳng thắn giữa học sinh, giáo viên lẫn phụ huynh. Cố gắng lắng nghe và thấu hiểu vấn đề giữa các bên. Tuyệt đối tránh chuyện lên trang MXH của nhau để bình luận qua lại bởi điều này sẽ khiến mọi thứ thêm rắc rối.

C.NHẬT