10/01/2025

Giao việc giám định khuyết tật cho người không có chuyên môn!

Luật người khuyết tật (bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2013) giao việc giám định khuyết tật về hội đồng giám định của phường xã trong khi hội đồng này bao gồm nhiều người không có chuyên môn, gây khó khăn cho chính người trong cuộc.

 

Giao việc giám định khuyết tật cho người không có chuyên môn!

Luật người khuyết tật (bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2013) giao việc giám định khuyết tật về hội đồng giám định của phường xã trong khi hội đồng này bao gồm nhiều người không có chuyên môn, gây khó khăn cho chính người trong cuộc.

 

Theo các văn bản hướng dẫn của Luật người khuyết tật, việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật sẽ do hội đồng giám định khuyết tật của địa phương (phường xã) đánh giá thông qua các bảng hỏi, sau khi có đơn đề nghị của gia đình hoặc người khuyết tật. Và tùy thuộc vào số câu được trả lời này mà tính điểm để xếp hạng mức độ khuyết tật nặng hay nhẹ, có được nhận trợ cấp xã hội hay không.

Xác định khuyết tật bằng mắt thường

 

Hội đồng giám định mức độ khuyết tật gồm những thành phần sau:

1. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập.

2. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm các thành viên sau đây:

a) Chủ tịch UBND cấp xã là chủ tịch hội đồng;

b) Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;

c) Công chức cấp xã phụ trách công tác LĐ-TB&XH;

d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã;

đ) Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

(Điều 16, Luật người khuyết tật)

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Linh – cán bộ phụ trách văn hóa, xã hội của P.Cầu Kho, Q.1 (TP.HCM) – cho biết đối với những trường hợp khuyết tật về vận động thì hội đồng giám định có thể đánh giá được, còn chỉ bằng những câu hỏi và mắt thường thì không thể nào xác định một người có tâm thần hay không, mức độ nặng hay nhẹ. Bà Linh nói: “Ngoài trạm trưởng trạm y tế có trình độ chuyên môn về y khoa, chúng tôi không ai có chuyên môn cả”.

Đây cũng là điều băn khoăn của ông Phạm Bảo Toàn – chủ tịch P.10, Q.Phú Nhuận. Ông Toàn cho biết: “Các hồ sơ cũ thì tiếp tục được hưởng chế độ. Những hồ sơ xin giám định mới chúng tôi không dám giám định vì không đủ chuyên môn, ở trạm y tế P.10 không có bác sĩ”.

Theo ông Bùi Văn Thịnh – chủ tịch P.Cầu Kho, Q.1, việc chuyển xác định mức độ thương tật về cho phường xã rất dễ xảy ra sai sót và bị lợi dụng. “Thời gian qua có hiện tượng công dân gây án nhưng sau đó lại được thả tự do vì bị tâm thần, mà do các cơ quan pháp y tâm thần giám định gây nhiều bất bình. Tôi nói ví dụ có người nào đó chuyển hộ khẩu đến P.Cầu Kho để cư trú và có đơn đề nghị giám định khuyết tật, họ hoàn toàn có thể giả vờ để qua mặt hội đồng giám định bằng cách trả lời không đối với các câu hỏi. Khi đó sẽ phải cấp giấy chứng nhận khuyết tật, lỡ sau này công an phát hiện người này đã gây án thì chết chủ tịch hội đồng giám định” – ông Thịnh nói.

Còn ông Phạm Bảo Toàn cho rằng với cơ chế đang được thực hiện, các cán bộ cơ sở rất dễ lạm quyền: “Tôi hoàn toàn hiểu rằng việc Luật người khuyết tật cho phép thành lập hội đồng giám định tại phường xã để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chăm sóc người khuyết tật, nhưng với cách thực hiện như hiện nay thì luật này hoàn toàn có thể bị lạm dụng, làm người không khuyết tật cũng được hưởng trợ cấp hoặc ngược lại”. Ông Toàn cho biết P.10 đã tiếp nhận trường hợp người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng giả vờ chống nạng đến xin giám định khuyết tật.

Kiến nghị sửa đổi

Bà Nguyễn Thị Hồng Linh cho biết trong các buổi báo cáo lên Phòng LĐ-TB&XH Q.1, P.Cầu Kho đã kiến nghị cấp trên có hướng dẫn cụ thể và chi tiết, hoặc chuyển việc giám định tâm thần, thần kinh sang cho các cơ quan y tế giám định cho đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo bà Linh, kiến nghị này đã được chuyển lên cấp trên nữa và chờ hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, trong những phường xã mà chúng tôi khảo sát không phải ở đâu cũng phát hiện những bất cập của việc thi hành Luật người khuyết tật. Là một trong những phường thực hiện Luật người khuyết tật rất sớm, ông Phan Văn Rắc, chủ tịch P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), cho biết sau khi Luật người khuyết tật có hiệu lực, phường đã lập hội đồng giám định để giám định 108 trường hợp và đến nay đã có quyết định hưởng chế độ cho 95 người. “Chúng tôi thấy không có gì khó khăn cả, hội đồng cứ thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật thôi” – ông Rắc cho biết.

Theo bà Trịnh Thị Phương Châm – trưởng Phòng LĐ-TB&XH Q.1, khi triển khai thành lập hội đồng giám định y khoa tại các phường thì quận nhận được nhiều phản ảnh về khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc giám định được thực hiện thủ công bằng mắt thường, giám định người tâm thần qua kiểm tra bằng bảng hỏi tám câu, không có máy đo sóng điện não… Những trường hợp có bộ hồ sơ cũ hoặc thường xuyên khám bệnh ở y tế phường thì việc giám định dễ dàng. Còn trường hợp mới và phức tạp phường không thể xác định thì phải chuyển lên Hội đồng giám định y khoa TP.

HOÀNG ĐIỆP – VŨ THỦY

 

 

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang (giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM):

Không có chuyên môn, không được phép giám định tâm thần

Việc giám định về tình trạng sức khỏe tâm thần có nhiều phương pháp và được thực hiện bởi các bác sĩ giám định viên pháp y tâm thần – là người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật giám định tư pháp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp và có xác nhận. Việc giám định này bao gồm kết hợp khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng, trắc nghiệm tâm lý…

Trong quá trình giám định, để đi đến chẩn đoán và kết luận bệnh, tùy từng trường hợp có thể đánh giá bổ sung bằng phương pháp trắc nghiệm tâm lý. Bảng câu hỏi trong các trắc nghiệm tâm lý được quy định, phổ biến, thống nhất trong cả nước được Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương ban hành và đương nhiên có tính khoa học. Việc trắc nghiệm có chính xác hay không còn tùy thuộc sự đánh giá của người thực hiện làm trắc nghiệm, và người làm trắc nghiệm là chuyên viên tâm lý đó cũng chỉ đưa ra kết luận trên cơ sở nhận định chủ quan. Bảng câu hỏi chỉ phụ trợ, bổ sung giúp giám định viên tâm thần đưa ra chẩn đoán. Tuy nhiên, bản thân giám định viên khi kết luận một trường hợp nghi ngờ có bị bệnh tâm thần hay không thì ngoài việc có kiến thức chuyên môn tâm thần, kinh nghiệm công tác, kỹ năng tiếp xúc, thành thạo ngoại ngữ, nắm vững kiến thức về pháp luật, hiểu biết xã hội…, còn phải tuân thủ nguyên tắc giám định là khách quan, khoa học, trung thực và chính xác.

Cá nhân tôi không đồng ý với cách tổ chức hội đồng giám định phường xã vì việc xác định người khuyết tật thuộc lĩnh vực y khoa cần có chuyên môn để kết luận. Tôi xin nhấn mạnh một điều là việc đánh giá khuyết tật về mặt tâm thần, thần kinh không đơn giản chút nào, nhất là những trường hợp bệnh lý tâm thần nặng, phổ biến, mãn tính như bệnh tâm thần phân liệt, động kinh…​​​​​​​​

L.TH.H.