09/01/2025

Lấy chân thành xoá hố sâu thù hận

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, nếu không có những con người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành”

Lấy chân thành xoá hố sâu thù hận

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết chuyến tàu thăm quần đảo Trường Sa của bà con kiều bào được tổ chức tới đây sẽ có lễ cầu siêu tại đảo Trường Sa Lớn và dọc hành trình hướng đến các anh hùng liệt sĩ Quân đội nhân dân VN, chiến sĩ VN cộng hoà đã tử trận để bảo vệ Hoàng Sa và các thuyền nhân tử nạn.

Những vòng hoa được thả xuống biển trong buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên vùng biển Trường Sa (tháng 5-2013) – Ảnh: nguyễn khánh 

Trả lời phỏng vấn riêng Tuổi Trẻ chiều 4-4, ông Sơn nói chuyến thăm Trường Sa của bà con kiều bào lần này là chuyến đi thứ ba, có ý nghĩa rất lớn là tiếp tục khẳng định quyết tâm bảo vệ biển đảo.

Thuyền nhân tử nạn là nạn nhân chiến tranh

* Được biết chuyến đi thứ ba này có sự tham dự của một số nhân vật chống đối, ông có thể tiết lộ gì thêm?

 

Ảnh: Nguyễn Khánh

 

– Chuyến đi này chúng tôi đã vận động, mời về một số nhà báo, một số người xưa nay vẫn chống đối rất cực đoan. Cách đây hơn một tuần, tôi đã đi công tác nước ngoài và vận động, đưa về một số người cực đoan, chống đối quyết liệt để họ đến với Trường Sa nhằm chứng minh những việc chúng ta đang làm.

Tôi tin rằng những người này về sẽ tiếp tục chứng kiến để khẳng định sự thật, chân lý mà chúng ta đang thực hiện, để bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo. Chuyến đi lần này thêm một lần nữa khẳng định với kiều bào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng để khẳng định kiều bào là một phần không thể tách rời của cộng đồng dân tộc VN, họ đã và đang đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Chuyến đi cũng thêm một lần nữa nhắn nhủ với bà con kiều bào rằng chúng ta đang làm tốt nhiệm vụ thay họ giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc.

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng kế thừa truyền thống đại đoàn kết của các chuyến đi trước là mời đại diện sáu tôn giáo lớn tham dự, sẽ tổ chức các lễ cầu siêu ở đảo Trường Sa Lớn và trên đường đi cho những anh hùng liệt sĩ của Quân đội nhân dân VN đã hi sinh trong quá trình bảo vệ biển đảo. Chúng ta cũng ghi nhận sự hi sinh của những người lính VN cộng hòa trong lực lượng hải quân đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.

Chúng ta cũng tưởng nhớ và thương tiếc những người dân VN vô tội đã ra đi và bị chết trong cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980. Chúng tôi coi những thuyền nhân tử nạn là những nạn nhân chiến tranh, ra đi vì bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sống kinh tế và nhiều nguyên nhân khác, vậy thì hãy cầu siêu để linh hồn họ được siêu thoát trên vùng biển quê nhà. Qua đó chúng ta cũng mong muốn vùng biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hữu nghị, còn chủ quyền của chúng ta thì chúng ta phải kiên quyết giữ, những khu vực, hòn đảo đang bị chiếm đóng trái phép tạm thời thì chúng ta sẽ đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để đòi lại.

* Việc tổ chức lễ cầu siêu cùng lúc cho các liệt sĩ Quân đội nhân dân VN, quân nhân VN cộng hòa và các thuyền nhân tử nạn có thể tạo ra những tâm tư khác nhau, xin ông giải thích rõ ý tưởng và mong muốn của việc này?

 

“Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, nếu không có những con người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành”

 NGUYỄN THANH SƠN
(Thứ trưởng Bộ Ngoại giao)

 

– Tôi cho rằng chúng ta là những người chiến thắng, đã có công thống nhất đất nước sau một thời kỳ dài đấu tranh gian khổ để chống thực dân và đế quốc. Hoàng Sa bị mất trong khi vẫn còn chính quyền VN cộng hòa ở miền Nam. Lịch sử để mất Hoàng Sa chúng ta đã biết quá rõ, đó là thời điểm chúng ta đang phải tập trung lực lượng để thống nhất đất nước, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Chúng ta cũng hiểu sự hi sinh, mất mát to lớn của nhân dân hai miền Nam – Bắc. Chính vì vậy sau khi thống nhất đất nước, hội nhập với thế giới, từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế thì chúng ta cũng không quên một bộ phận rất nhỏ trong số những người VN đang định cư ở nước ngoài còn mang trong lòng mình sự hận thù. Bằng chính sách đại đoàn kết dân tộc, chúng ta chân thành kêu gọi họ hãy trở về để tận mắt chứng kiến những việc chúng ta đang làm, để xây dựng một nước VN đoàn kết, độc lập, tự do, phát triển. Tuyệt đại đa số kiều bào, 90% trong số 4,5 triệu người đang sống ở nước ngoài, đã trở về đất nước để thăm viếng, đầu tư, góp một nguồn lực to lớn cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Việc chúng tôi tổ chức các lễ cầu siêu cho những người đã ngã xuống, trong đó có những binh sĩ thuộc quân lực VN cộng hòa, họ đã không cầm súng chống lại chúng ta mà đã kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đến cùng, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân. Việc làm này thêm một lần nữa khẳng định rằng dân tộc VN là một, chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa là nhất quán và rõ ràng với các bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể chối cãi.

Cầu siêu cho những người lính thuộc quân lực VN cộng hòa đã hi sinh tại Hoàng Sa cũng khẳng định chúng ta công tâm, thành tâm ghi nhận công lao của những người con ưu tú đã chiến đấu, hi sinh vì sự vẹn toàn của đất mẹ – Tổ quốc VN. Tôi mong muốn rằng chúng ta sẽ thực hiện những việc đại nghĩa như thế này cho đến khi vùng biển Đông thuộc chủ quyền của chúng ta không còn tranh chấp. Chúng ta sẽ đấu tranh đòi lại chủ quyền trên những vùng biển, hòn đảo đang tạm thời bị chiếm đóng. Và chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động này cho đến khi bà con cô bác người Việt trên khắp thế giới quy tụ về một mối, không còn hận thù và chia cắt trong lòng dân.

Phải bằng tấm lòng thành

* Ông đã làm thế nào để thuyết phục những người đối lập trở về tham gia các đoàn thăm Trường Sa?

– Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, nếu không có những con người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành. Trong rất nhiều năm qua, một số bà con cô bác chúng ta ở bên ngoài đã nghe thông tin một chiều, hiểu không đúng về tình hình đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển đảo. Tôi nghĩ rằng việc xây dựng cầu nối giữa nhân dân trong nước với những tổ chức, cá nhân còn chống đối thì trước hết phải bằng tấm lòng thành. Chúng ta là những người chủ đất nước thì phải đến với họ bằng sự chân thành để xóa đi những mặc cảm, những suy nghĩ cực đoan. Qua các cuộc tiếp xúc, bằng các hoạt động khác nhau, chúng tôi đã thể hiện tinh thần như vậy và ngày càng nhiều người trong số họ có mong muốn trở về để tận mắt chứng kiến thực tế đất nước.

* Thưa ông, việc thuyết phục các cơ quan chức năng của VN để những người chống đối được trở về có khó khăn không?

– Rất là khó khăn. Để cho những người đó trở về thì trước hết chúng tôi phải làm việc với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan an ninh. Chúng tôi cũng phải có những cam kết, thỏa thuận để làm sao những người này về thật sự đem lại cho chúng ta những lợi ích chung: đó là họ sẽ có những phát biểu khách quan, có những nhìn nhận đúng đắn về thực tế đất nước. Còn lại thì mỗi cơ quan có một chức năng, nhiệm vụ và ở đâu cũng vậy, tư tưởng bảo thủ, nghi kỵ cũng vẫn còn. Ý kiến của các cơ quan có thể khác nhau, nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là kết quả cuối cùng. Tôi vẫn nói với các cơ quan truyền thông bên ngoài rằng các bạn không cần phải tô son điểm phấn thêm cho tình hình đất nước, có như thế nào quý vị cứ nói như vậy, nói đúng sự thật chứ đừng bóp méo, cắt vá, xuyên tạc.

* Ông có mong muốn đến lúc nào đó, ngoài các chuyến đi được Nhà nước tổ chức như thế này còn có các chuyến du lịch theo nhu cầu cho kiều bào và khách nước ngoài ra thăm Trường Sa?

– Đây là một ý tưởng rất tốt. Hiện nay chúng ta chưa tổ chức được việc này là do vùng biển đảo đang có tranh chấp với nước ngoài. Trong tương lai, khi công ước về Luật biển được thực thi nghiêm túc, khi các nước tôn trọng những quy tắc ứng xử cùng thiết lập, tôn trọng chủ quyền của nhau thì việc VN tổ chức các chuyến du lịch tới Trường Sa hoàn toàn có thể thực hiện được.

LÊ KIÊN