09/01/2025

Bất chấp

Đó là những gì còn đọng lại sau phiên toà xét xử năm công an TP Tuy Hoà (Phú Yên) đánh chết anh Ngô Thanh Kiều. Đúng là phiên toà này không những bất chấp nỗi đau oan khiên của gia đình nạn nhân thấp cổ bé miệng, mà còn bất chấp cả dư luận, đưa ra phán quyết không phù hợp pháp luật lẫn luân thường đạo lý.

 Bất chấp 

Đó là những gì còn đọng lại sau phiên toà xét xử năm công an TP Tuy Hoà (Phú Yên) đánh chết anh Ngô Thanh Kiều. Đúng là phiên toà này không những bất chấp nỗi đau oan khiên của gia đình nạn nhân thấp cổ bé miệng, mà còn bất chấp cả dư luận, đưa ra phán quyết không phù hợp pháp luật lẫn luân thường đạo lý.

Ngay từ khi hội đồng xét xử chưa tuyên án, qua diễn biến tại phiên toà, dư luận cảm nhận đây là vụ án có vấn đề. Không ít người am hiểu pháp luật đã lên tiếng cảnh báo về nhiều khía cạnh khiếm khuyết liên quan tới cáo trạng.

Thế nhưng toà vẫn lạnh lùng làm ngơ, đưa ra một bản án đầy rẫy lỗ hổng pháp lý, được bao biện bởi những lý lẽ khó có thể chấp nhận.

Có thể nói sai lầm lớn nhất và dễ thấy của phiên toà là có dấu hiệu để lọt người, lọt tội. Nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị còng tay đưa về trụ sở công an khi không có lệnh tạm giam, không nằm trong trường hợp phạm pháp quả tang, không thuộc diện bắt khẩn cấp. Điều đó thể hiện rất rõ dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật. Việc bắt giữ người trái pháp luật đều được chỉ đạo từ một người có chức trách, nhưng người này lại vô can và không thèm đến toà với tư cách là nhân chứng. Sự việc rành rành như vậy mà toà cứ khăng khăng nhận định hành vi bắt giữ người trái pháp luật là có “nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự”, rồi sau đấy phủi trách nhiệm bằng cách “viện kiểm sát không truy tố nên hội đồng xét xử không xét”. Khởi đầu từ việc bắt giữ người trái pháp luật, các bị cáo trong vụ án tiến tới đánh chết nạn nhân, liệu có thể coi đó là “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”?

Ngoài việc để lọt người, lọt tội, bản án của toà còn thể hiện một số vấn đề mà dư luận không đồng tình như tội danh, điều khoản áp dụng hình phạt, bồi thường dân sự… Hầu hết những điều này đều được góp ý, phân tích cụ thể trên báo chí, nhưng đáng tiếc toà cứ dửng dưng, ai nói mặc ai, tất cả đều bị bỏ ngoài tai.

Cái kiểu bất chấp hết thảy như hội đồng xét xử vụ án năm công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều có vẻ không phải là trường hợp đơn lẻ. Hình như ở đâu đó cũng đang xuất hiện kiểu hành xử này. Vụ tài xế neo xe cá đòi cảnh sát giao thông U Minh Thượng (Kiên Giang) bồi thường thiệt hại do bị chặn xe trái phép là một ví dụ điển hình. Trong vụ này, cơ quan công an cứ thẳng tay xử lý tài xế xe cá trong khi dư luận khẳng định việc làm của cảnh sát giao thông là không đúng pháp luật.

Các cơ quan công quyền đều có quyền hành xử độc lập, nhưng phải tôn trọng pháp luật. Dư luận cũng như ý kiến của các chuyên gia là một kênh để các cơ quan công quyền tham khảo trước khi đưa ra phán quyết nào đó. Nếu dư luận đúng thì nên lắng nghe, nếu dư luận chưa đúng thì cần đối thoại hay đăng đàn giải thích. Còn như cứ lẳng lặng làm theo cách của mình là đồng nghĩa với việc tự hủy hoại uy tín, gây mất niềm tin trong xã hội.

LÊ THANH TÂM