Ứng dụng tế bào gốc còn nhiều khó khăn
GS.TS Trương Đình Kiệt – nguyên hiệu phó Trường đại học Y dược TP.HCM – cho biết như vậy tại hội thảo “Tế bào gốc: từ nghiên cứu đến ứng dụng”, do Bộ Y tế, Tổng hội Y học VN và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức ngày 31-3 tại TP.HCM.
Ứng dụng tế bào gốc còn nhiều khó khăn
Chuẩn bị ghép tế bào gốc điều trị bệnh lý máu ác tính tại Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM – Ảnh: L.TH.H. |
Theo GS Trương Đình Kiệt, khoảng 10 năm gần đây thế giới đổ xô vào nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc. Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị đã làm xuất hiện một nền y học mới là y học tái tạo, y học dựa trên tế bào gốc. Đặc biệt, tế bào gốc được ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều…
Tình trạng “bốn không”
“Tế bào gốc có mặt trong mọi bộ phận, cơ quan của cơ thể. Dù chỉ chiếm 1% nhưng tế bào gốc lại quyết định sự tồn tại và hoạt động của 99% tế bào còn lại. Chúng ta phải tạo điều kiện để tế bào gốc (1%) làm tốt chức năng giúp tất cả tế bào khác tồn tại và thực hiện các chức năng chuyên biệt của mình. Nhiệm vụ chính của các nhà khoa học tế bào gốc là ở chỗ đó” GS.TS Trương Đình Kiệt |
VN có 32 cơ sở tổ chức nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, trong đó có chín trường đại học, viện nghiên cứu, 20 bệnh viện, viện điều trị và ba công ty tư nhân, với tổng số khoảng 260 người tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở VN chủ yếu là thực hiện các đề tài khoa học. Gần đây mới bắt đầu thực hiện các nghiên cứu theo hướng tái lập chương trình, chuyển gen… Số công trình nghiên cứu tế bào gốc được công bố cũng còn ít, bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế rất hiếm. Nghiên cứu tế bào gốc còn chưa có sự tham gia của các nhà dược khoa, nên VN chưa có nghiên cứu tạo sản phẩm dược từ tế bào gốc, trong kiểm nghiệm thuốc. Nghiên cứu tế bào gốc thực vật, tế bào gốc động vật rất ít. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu VN gần như đứng ngoài cuộc trong lĩnh vực tế bào gốc phôi người; nghiên cứu tạo và ứng dụng tế bào gốc cảm ứng, tế bào gốc dạng phôi tái lập chương trình gần như chưa được quan tâm.
GS Trương Đình Kiệt cho rằng nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc là một công việc quan trọng, đầy triển vọng nhưng các nhà khoa học VN đang trong tình trạng “bốn không”. Đó là không có định hướng hoặc kế hoạch chiến lược; không có hướng dẫn và quy chuẩn thực hành; không có nối kết và tạo mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở và các nhóm nghiên cứu; không thống nhất trong thông tin và nhận định, từ đó thiếu niềm tin dựa vào chứng cứ. Ngoài ra, các trường đại học y khoa gần như chưa có chương trình đào tạo về khoa học tế bào gốc cho các bác sĩ tương lai.
Nhiều thách thức
“Tình trạng bốn không nêu trên là khó khăn lớn, ảnh hưởng rõ rệt lên tốc độ phát triển và hiệu quả của nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại VN” – GS Trương Đình Kiệt khẳng định như vậy. Những thách thức lớn, đầu tiên trong nghiên cứu tế bào gốc ở VN là thách thức về thông tin. Tài liệu về tế bào gốc tăng nhanh từng giờ, rất phong phú, đa chiều, thậm chí trái chiều. Nếu không tỉnh táo trong chọn lựa, tiếp cận thông tin, các nhà khoa học VN có thể có cái nhìn không khách quan, đưa đến những kết luận hoặc quyết định không phù hợp, hoặc quá lạc quan, hoặc hoài nghi, thậm chí phản đối.
Kế đến là thách thức về công nghệ. Các nhà khoa học VN đã tiếp cận và bắt đầu làm chủ các công nghệ nền cơ bản trong nghiên cứu tế bào gốc nhưng chưa thật sự làm chủ các công nghệ tạo nguồn tế bào gốc qua phương pháp tái lập chương trình; công nghệ thu nhận tế bào gốc thần kinh và tế bào gốc từ một số cơ quan khác; công nghệ tạo tế bào gốc nhân tạo; sử dụng tế bào gốc phôi… Đặc biệt, VN “chỉ mới rón rén bước chân” vào kỹ thuật mô và còn đứng ngoài của công nghệ tạo cơ quan người…
Về mặt đạo đức và pháp lý, theo GS Kiệt, còn nhiều vấn đề về pháp lý và đạo đức liên quan chưa được quy định rõ, làm cho các nhà khoa học lẫn cơ quan quản lý lúng túng.
Sẽ có hướng dẫn
Theo “đơn đặt hàng” của Bộ Y tế, tại hội thảo PGS.TS.BS Lê Văn Đông – giảng viên Học viện Quân y – thay mặt nhóm soạn thảo đã giới thiệu “Dự thảo hướng dẫn nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại VN”. Theo PGS Đông, nghiên cứu tế bào gốc ở nước ta được chú ý nhiều và đầu tư mạnh từ năm 2006-2007. Đến nay đã có 18 đề tài cấp nhà nước về tế bào gốc được triển khai; đã có đầu tư cả từ Nhà nước và tư nhân; đã có một số kết quả ứng dụng tốt trong lĩnh vực huyết học, tái tạo xương, khớp, bề mặt nhãn cầu.
Về phía cơ quan quản lý, theo PGS Đông, thách thức cho nhà quản lý là phải cập nhật những tiến bộ của công nghệ, phải thấy được ưu điểm và hạn chế, giới hạn cũng như mặt trái của công nghệ tế bào gốc để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển nhưng bảo đảm đúng luật pháp, chính sách và bảo vệ được lợi ích của người sử dụng sản phẩm tế bào gốc.
LÊ THANH HÀ