07/01/2025

Vật vã chờ khám bệnh từ nửa đêm

Do các bệnh viện tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải nên nhiều người bệnh phải đến bệnh viện từ lúc 3 – 4 giờ sáng lấy số thứ tự chờ đến lượt khám.

 

Vật vã chờ khám bệnh từ nửa đêm

Do các bệnh viện tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải nên nhiều người bệnh phải đến bệnh viện từ lúc 3 – 4 giờ sáng lấy số thứ tự chờ đến lượt khám.

 


 Nhiều người đi BV sớm chờ đợi, cộng với bệnh tình nên mệt mỏi thiếp đi trên ghế đá tại Viện Tim TP.HCM – Ảnh: Lương Ngọc

 

Lấy số xong ngủ tiếp

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, mặc dù hầu hết bệnh viện (BV) ở TP.HCM 6 giờ sáng mới bắt đầu khám bệnh, nhưng từ 3 – 4 giờ sáng đã có rất đông người xếp hàng. Tại BV Ung bướu TP.HCM lúc 4 giờ, người chờ lấy số đã ngồi kín gần hết các dãy ghế, ai nấy trông đều mệt mỏi vì thiếu ngủ. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (quê Long An) cho biết chị đến BV lúc 3 giờ 30. “Nếu không chịu khó đi sớm thì chờ lâu lắm, vì BV lúc nào cũng đông đúc, quá tải. Nhiều người ở xa hơn tôi họ còn đi từ lúc nửa đêm. Mình mà đi muộn, bốc số lớn thì có khi đến chiều tối mới khám xong”. Tương tự, chị Mai (quê Lâm Đồng) đến BV Ung bướu từ khuya 24.3 để kịp khám vào sáng 25.3 cho hay: “Ở xa mà, phải chịu thôi, đông quá ai cũng vậy”.

Mới gần 6 giờ sáng, số thứ tự khám bệnh ở BV Ung bướu đã lên đến gần 500, bằng 1/3 số bệnh nhân được khám trong ngày.

 

 
 

BV lúc nào cũng đông đúc, quá tải.

Nhiều người ở xa hơn tôi họ còn đi từ lúc nửa đêm. Mình mà đi muộn, bốc số lớn thì có khi đến chiều tối mới khám xong

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, quê Long An

 

 

Tại Viện Tim TP.HCM, nhiều người cũng có mặt lấy số thứ tự từ lúc 3 giờ sáng. Lấy số xong, họ trải ni lông hoặc khăn nằm ngủ ngay ở cổng viện. Có lẽ vì đã quen với hình ảnh những bệnh nhân xếp hàng chờ đợi mệt mỏi và tranh thủ ngủ nên các bảo vệ nơi đây không xua đuổi hay làm khó họ. Đến từ tỉnh Kiên Giang, cô Phù Thị Ngọc Bích chia sẻ: “Tôi lên để kiểm tra hoạt động của máy trợ tim và xét nghiệm lại. Nhưng nếu đi xe ban ngày thì không kịp vì còn phải bốc số thứ tự nữa, nên tranh thủ đi xe đêm mặc dù phải thức. Phải tranh thủ, vì nếu đi trễ, kéo dài đến hôm sau thì mệt mỏi và tốn kém lắm!”. Nói xong, cô Bích đi đến mép tường gần cổng viện ngồi gục xuống ngủ.

Ở BV Đại học Y Dược, mới hơn 3 giờ sáng người chờ lấy số thứ tự đã xếp hàng dài từ trong ra tận cổng BV. Chị Huỳnh Thị Mai (quê Sóc Trăng) vui vẻ nói: “Tôi tới đây lúc 3 giờ, cũng may vừa kịp lúc xếp hàng nên khi phát số thứ tự tôi được số 2. Mọi lần lên trễ xếp hàng thôi cũng đủ mệt. Giờ có số rồi, tranh thủ ngủ đợi 6 giờ 30 vào khám”. Cũng lấy được số thứ tự nhỏ, nhưng khá mệt vì một chuyến đi dài, ông Nguyễn Văn Chọi (tỉnh Cà Mau) vừa dụi cặp mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, vừa ngáp dài chia sẻ: “Hai bố con đi từ 8 giờ tối qua để sáng vào kịp giờ lấy số thứ tự nhỏ. Đi xa, say xe không ngủ được, giờ phải đợi đến 6 giờ 30, thật là mệt mỏi”.

 


 Nhiều người phải đến Viện Tim TP.HCM từ 3 giờ sáng lấy số thứ tự khám bệnh, rồi sau đó trải chăn nằm chờ tiếp!

 

“Cò” bay suốt đêm

Dù tranh thủ đi từ tờ mờ sáng, nhưng nhiều người bệnh cũng bị “cò” ở các BV quấy rầy, không buông tha. Tại BV Ung bướu, trời chưa tỏ mặt người đã xuất hiện một số “cò” khám chữa bệnh đứng chờ ở cổng. Thấy ai vừa đến cổng BV, các “cò” lập tức áp sát, hướng dẫn rất tận tình; sau đó gạ gẫm “có muốn khám nhanh và lấy kết quả sớm không?”. Nếu người bệnh đồng ý, “cò” đòi công 200.000 đồng và dẫn sang các phòng khám bên kia đường.

Đáng lưu ý, hầu hết những “cò” này đều nằm trong danh sách cảnh báo những kẻ lừa đảo mà BV dán ở phòng bảo vệ, ngay lối ra vào. Loa phát thanh của BV cũng luôn khuyến cáo người bệnh cảnh giác những tay “cò” dẫn dắt khám bệnh. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ, công an khu vực cũng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người bệnh cảnh giác các “cò”. Thế nhưng, vẫn có không ít người “dính” lưới của “cò”. Bệnh nhân T., bị một “cò” dáng cao to dụ dỗ dẫn sang một phòng khám bên kia đường sau khi thu 200.000 đồng tiền giới thiệu, bức xúc: “Lúc mới vô cứ nghĩ đưa tiền cho nó thì sẽ được khám trong BV luôn, ai dè nó dẫn ra khám ở ngoài”.

 


 “Cò” (áo sáng) bán số thứ tự tại BV Đại học Y Dược sáng 27.3

 

Ở BV Đại học Y Dược, lượng “cò” đông hơn hẳn những BV khác và thậm chí còn đến sớm hơn người đi khám bệnh. Các “cò” thường đứng trong cổng BV, trên tay luôn có sẵn một cây bút để ghi thông tin giúp bệnh nhân. “Cò” ở đây cũng “chuyên nghiệp” hơn những nơi khác, bệnh nhân đọc tên, địa chỉ và khai bệnh cần khám, mọi giấy tờ, phòng khám, số thứ tự sẽ được “cò” sắp xếp sẵn. “Xong xuôi, hoàn thành hết mới nhận tiền” là câu mà hầu như “cò” nào tại đây cũng quảng cáo. Chị Lê Thị Lý (tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Lần này, tôi đi tái khám không cần phải đi sớm lấy số thứ tự như trước, mà chỉ cần gọi số 0902894… trước một ngày, cung cấp tên, địa chỉ, chuyên khoa khám, rồi hôm sau lên BV trước giờ khám 30 phút là có số thứ tự sẵn, đảm bảo số nhỏ luôn, có người hướng dẫn đàng hoàng, nhanh lắm, chỉ cần 2 tiếng là xong, giá 150.000 đồng (?!)”.

 

3 người/giường bệnh

Trong một báo cáo BV Ung bướu TP.HCM gửi Bộ Y tế giữa tháng 3.2014 cho thấy BV này số giường thực kê chỉ 630, nhưng bệnh nhân nội trú luôn vượt 1.500 người. Ngoài ra, BV còn khám ngoại trú mỗi ngày cho trên dưới 1.500 người. Một số khoa quá tải rất lớn như Khoa Nội 560 bệnh nhân/160 giường, quá tải 350%. Để giảm tải, BV phải tổ chức khám bệnh sớm, khám không nghỉ trưa… nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu thực tế. Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV, phần lớn người bệnh đến từ các tỉnh, TP khác, như sáng 26.3 số bệnh nhân từ các tỉnh chiếm 75%. Đa phần người bệnh đi khám vào buổi sáng, những người ở các tỉnh đến BV từ lúc 4 – 5 giờ sáng nhằm kịp khám, làm xét nghiệm và trở về nhà trong ngày, không phải ở lại TP tốn kém… 

Thanh Tùng

 

 

Lắp đặt hệ thống camera tại các bệnh viện

Ngày 28.3, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với tất cả các BV cấp TP và quận huyện trên địa bàn TP để bàn những giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.

 

 Số thứ tự
Số thứ tự 464 mà bệnh nhân M. lấy được lúc 5 giờ 53 phút sáng 25.3 ở BV Ung bướu

 

Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế, thực trạng mất an ninh trật tự ở BV hiện nay là trộm cắp, lừa đảo, cò mồi khám chữa bệnh; bắt cóc trẻ sơ sinh; giả mạo giấy tờ; gây rối, phá hoại tài sản và hành hung nhân viên BV. Trước tình trạng trên, Sở Y tế yêu cầu các BV rà soát, củng cố lại tất cả những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, xem lại giờ thăm nuôi, hệ thống báo động, đường dây nóng của bảo vệ, hệ thống camera giám sát tại các khoa phòng, cổng BV. Phối hợp chặt chẽ giữa đội bảo vệ của BV và nhân viên các khoa phòng, thân nhân người bệnh. Xây dựng quy chế phối hợp giữa BV và công an địa phương…

Thanh Tùng

 

Lương Ngọc